Chuyến bay QH9066 đưa 300 công dân từ Warsaw, Ba Lan lánh nạn khỏi Ukraine hạ cánh an toàn tại Sân bay quốc tế Nội Bài, sáng 10/3/2022. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Xin ông cho biết những thành tích nổi bật trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài trong năm qua?
Kể từ đầu năm 2022, dịch bệnh dần được kiểm soát, các nước nới lỏng hạn chế đi lại, Việt Nam đã nối lại các chính sách xuất nhập cảnh dẫn đến giao lưu nhân dân nhộn nhịp trở lại, đồng thời tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, phát sinh nhiều điểm nóng, kéo theo cả các thách thức cho công tác bảo hộ công dân.
Trong bối cảnh đó, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nổi bật.
Với khủng hoảng ở Ukraine, từ khi xung đột nổ ra ngày 24/2/2022, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận trong thời gian ngắn đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức sơ tán khoảng 6.000 người Việt khỏi khu vực nguy hiểm. Trong hai tuần đầu tháng 3/2022 ta đã tổ chức sáu chuyến bay, đưa về nước miễn phí, an toàn 1.644 người, những người khác đã di chuyển an toàn sang các nước thứ ba.
Với sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên quan, các chuyến bay đã được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, đưa tất cả những người Việt có nguyện vọng về Việt Nam.
Tình hình ở Ukraine hiện vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng một số bà con đã quay trở lại vì lý do cá nhân, Cục Lãnh sự và các Đại sứ quán vẫn tiếp tục theo dõi, hỗ trợ và đưa ra các lưu ý, cảnh báo cần thiết.
Thật may mắn là cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam nào bị thương vong do xung đột. Đây chính là thành công lớn nhất của công tác bảo hộ công dân mà ta đã triển khai.
Về tình trạng công dân Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm việc và bị cưỡng bức lao động tại các sòng bài, cơ sở đánh bạc trực tuyến từ đầu năm và đỉnh điểm là giữa năm 2022, Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều hình thức trao đổi, phối hợp với các lực lượng chức năng sở tại để nhanh chóng triển khai tiếp cận, kiểm tra, rà soát các cơ sở nghi ngờ, phát hiện và giải cứu từng nhóm hàng chục công dân Việt Nam. Các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia nhanh chóng làm thủ tục, bố trí chỗ ăn ở, phối hợp với các cơ quan trong nước, đặc biệt là các địa phương biên giới sớm đưa những người này an toàn về Việt Nam.
Nhờ đó, số người được giải cứu tăng nhanh, nhiều sòng bài đã chủ động trả tự do để công dân ta tự về nước. Ngoài số 1.400 công dân trực tiếp được các Cơ quan đại diện ta tại Campuchia tham gia giải cứu, tiếp nhận và đưa về nước thì Bộ đội biên phòng còn thống kê được khoảng 10.000 người đi làm việc theo diện trên được trả tự do và tự nhập cảnh về Việt Nam.
Về công tác bảo hộ ngư dân gắn với bảo vệ chủ quyền trên biển, tính từ đầu năm 2022, Bộ Ngoại giao đã thực hiện bảo hộ công dân đối với 99 tàu cùng 892 ngư dân của Việt Nam bị phía nước ngoài bắt giữ. Trong đó, Bộ Ngoại giao đã trao đổi với phía nước ngoài về việc ngư dân Việt Nam bị lực lượng nước ngoài hoặc lực lượng không xác định bắt giữ, sử dụng vũ lực, khống chế, tịch thu ngư cụ trên các khu vực biển chưa phân định.
Ngoài ra, đối với các trường hợp ngư dân bị bắt, phải chấp hành hình phạt tù thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại đã tiến hành thăm hỏi, giúp đỡ cũng như phối hợp với các cơ quan trong nước tiến hành xác minh, làm thủ tục để đưa họ về nước sau khi được tự do. Từ đầu năm đến nay, hơn 1.100 ngư dân đã được đưa về nước từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia, số còn lại sẽ tiếp tục được đưa về trong thời gian tới.
Về một số vụ tai nạn nghiêm trọng, trong năm 2022, Bộ Ngoại giao cũng đã triển khai các biện pháp bảo hộ công dân khẩn cấp đối với các vụ tai nạn nghiêm trọng như vụ nổ hoá học tại Jordan hay vụ tai nạn ở khu phố Itaewon, Hàn Quốc.
Người Việt Nam bị môi giới bất hợp pháp sang Campuchia được hỗ trợ đưa về nước ở Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. (Nguồn: TTXVN) |
Trong bối cảnh nhiều thách thức đó, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có những biện pháp gì để triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân?
Trong những năm qua, việc hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân luôn được Bộ Ngoại giao quan tâm chỉ đạo nhằm đưa công tác này hiện đại và chuyên nghiệp hơn.
Biện pháp đầu tiên là chú trọng công tác theo dõi, nắm tình hình và phản ứng ngay lập tức với các vụ tại nạn, khủng hoảng mà trong đó có thể có công dân hoặc lợi ích của Việt Nam bị ảnh hưởng, đưa ra các cảnh báo cần thiết để người dân tránh các hậu quả có thể xảy ra tiếp theo.
Tiếp theo là việc Bộ Ngoại giao luôn chỉ đạo Cục Lãnh sự cùng các Cơ quan đại diện thiết lập hệ thống liên lạc khẩn cấp và thực hiện trực 24/24 để tiếp nhận mọi thông tin.
Khi xác định được nội dung vụ việc, công tác bảo hộ công dân được triển khai nhịp nhàng và đồng bộ giữa trong và ngoài nước, đưa ra các biện pháp ngắn và dài hạn với mục tiêu cao nhất đảm bảo sinh mạng, tài sản và lợi ích của công dân. Trong trường hợp vụ việc diễn biến trên quy mô lớn và dẫn đến khủng hoảng thì Bộ Ngoại giao sẽ thành lập hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền thành lập các Nhóm/Tổ công tác đặc biệt để đảm bảo huy động được nguồn lực, cơ chế cần thiết.
Trong năm 2022, Bộ Ngoại giao đã thành lập Ban chỉ đạo của Bộ về công tác bảo hộ công dân, đây là cơ chế liên vụ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ, trong đó Cục Lãnh sự tiếp tục là nòng cốt và là cơ quan thực thi các hoạt động bảo hộ công dân. Chức năng quan trọng của Ban là nghiên cứu, kiến nghị các chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác này.
Từ góc độ hỗ trợ kỹ thuật, thông qua Tổng đài bảo hộ công dân tại số điện thoại +84.981.848484 (từ năm 2015), người dân sẽ được kết nối với Cục Lãnh sự hoặc trực tiếp đến 93 Cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước, nơi dễ tiếp cận, hỗ trợ công dân nhất. Trong năm nay Tổng đài đã tiếp nhận khoảng 7.000 cuộc gọi đề nghị giúp đỡ từ công dân.
Bảy thuyền viên Việt Nam trong vụ nổ khí độc clo (Cl) tại cảng Aqaba (Jordan) an toàn trở về ngày 8/7/2022. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia) |
Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại nước ngoài của công dân Việt Nam gia tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải số hồ sơ làm thủ tục lãnh sự. Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao đã có những biện pháp gì để giải quyết tình trạng này?
Từ khi dịch bệnh được kiểm soát, số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài tăng nhanh chóng, nhất là nhu cầu của người dân, tổ chức đi làm việc, học tập, du lịch ở nước ngoài.
Năm 2022, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao ghi nhận số lượng hồ sơ làm thủ tục chứng nhận lãnh sự đối với giấy tờ của công dân mang ra nước ngoài sử dụng tăng đột biến, với 48.849 lượt khách (tăng 31% so với năm 2021) và 346.892 văn bản (tăng khoảng 70% so với năm 2021); số lượng hồ sơ làm thủ tục cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ hoặc công hàm xin thị thực nước ngoài cũng tăng, cụ thể là trong năm 2022 có 4.415 đoàn, cấp 9.104 hộ chiếu ngoại giao/công vụ (so với 7.600 đoàn năm 2019). Do số lượng hồ sơ tăng đột biến vào một số thời điểm vượt quá năng lực tiếp nhận thiết kế của hệ thống nên đã có hiện tượng quá tải.
Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ cũng như đóng góp vào công cuộc thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, Bộ Ngoại giao đã quán triệt đến từng cán bộ về ý thức, nhiệm vụ phục vụ tối đa cho công dân; bố trí thêm hệ thống trang thiết bị, cán bộ tiếp khách, chỉnh trang khu vực xếp hàng, tổ chức làm việc ngoài giờ để giải quyết tối đa các hồ sơ. Năng lực tiếp khách của Bộ phận một cửa của thủ tục chứng nhận lãnh sự đã tăng từ 150 bộ/ ngày lên 250 bộ/ngày, cơ bản đáp ứng nhu cầu của công dân.
Để tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Bộ Ngoại giao đã và đang triển khai hàng loạt các nhóm biện pháp. Cụ thể là, nâng cao năng lực tiếp nhận bằng cách tăng cửa nhận hồ sơ; tăng cường tuyên truyền việc đặt hẹn trực tuyến để người dân thực hiện thay vì xếp hàng trực tiếp tại cổng cơ quan; tiếp tục thúc đẩy việc uỷ quyền tiếp nhận hồ sơ cho các cơ quan ngoại vụ địa phương và bưu điện; tăng cường nhân sự để nâng cao năng lực xử lý sau khi tiếp nhận, đảm bảo thực hiện đúng quy định về thời hạn xử lý hồ sơ; nghiên cứu việc điều chỉnh phần mềm để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị, tham mưu với Chính phủ về việc đơn giản hoá thủ tục chứng nhận, hợp pháp hoá lãnh sự nói riêng và các thủ tục lãnh sự nói chung, tăng cường phân quyền tiếp nhận hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết nhanh chóng, kịp thời yêu cầu của công dân, đóng góp cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.