Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) chia sẻ với phóng viên TG&VN nhân kỷ niệm 41 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất nước (30/4/1975-30/4/2016).
Chính sách xuyên suốt
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ngay từ chủ đề Đại hội đã đề cập việc “phát huy sức mạnh toàn dân tộc”, tức là phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có cả nguồn lực của cộng đồng NVNONN. Xin Thứ trưởng cho biết vai trò, vị trí của cộng đồng NVNONN trong chính sách của Đảng, Nhà nước ta?
Cộng đồng NVNONN giữ vị trí rất quan trọng trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Xuyên suốt lịch sử, từ khi lập nước tới các giai đoạn tiếp theo, trong các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, luôn luôn có những chính sách đặc biệt đối với NVNONN.
Chúng ta có thể thấy rất rõ, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã dành vị trí rất lớn trong Văn kiện, để nhắc đến vấn đề NVNONN. Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ, cộng đồng người Việt có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội. Ý kiến của bà con đã giúp chúng ta có chính sách hội nhập tương thích, phù hợp, giúp cho Văn kiện Đại hội Đảng mang “tính thời đại”.
Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN. |
Ghi nhận công lao của bà con trong việc đóng góp xây dựng đất nước, mục 4 Báo cáo chính trị đề ra chủ trương rất lớn là “phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng”. Điều này có nghĩa là tất cả những ai có cùng chung mục tiêu đó thì đều nằm trong khối đại đoàn kết dân tộc, kể cả NVNONN. Phương châm “chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc” cũng là sự mạnh dạn và chính sách rất mới của chúng ta.
Mục tiêu của chính sách được ghi rất rõ: “phát huy nhân nghĩa, khoan dung, truyền thống yêu nước”. Đây là các đặc tính nổi bật của người Việt Nam. Người Việt Nam bất kể ai, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù có những ý kiến khác biệt về quan điểm chính trị và một số vấn đề lịch sử để lại, thì trong họ vẫn có lòng yêu nước, tôn trọng nguồn gốc và dòng máu “con Lạc cháu Hồng” của mình. Với ba đặc tính yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung, mọi người có thể đoàn kết và tập hợp trong khối đại đoàn kết.
Có phải đó là lí do sau Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị tháng 3/2004 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị tháng 5/2015, ngày 5/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chương trình hành động về NVNONN?
Trước hết, cần khẳng định Nghị quyết 36-NQ/TƯ ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với NVNONN đóng vai trò kim chỉ nam trong công tác đối với kiều bào. Tiếp đó, ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW nhấn mạnh cần “đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xoá bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc…”.
Những quan điểm đó đã được cụ thể hóa trong Chương trình hành động của Chính phủ ban hành ngày 5/4/2016. Đây là một chiến lược tổng thể nhằm đẩy mạnh công tác trên toàn lĩnh vực, sẽ được tất cả các Bộ, ngành, địa phương đồng loạt triển khai trong 5 năm tới, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, nhiệm vụ xuyên suốt là kiên trì vận động, thu hút nguồn lực trí thức, nguồn lực vật chất của kiều bào; Tạo điều kiện cho NVNONN được về quê hương sinh sống, đầu tư, kinh doanh hay có các hoạt động hướng về cội nguồn; Nâng cao vai trò, vị thế của bà con ở nước sở tại; Duy trì và giữ gìn bản sắc của bà con; Duy trì tiếng Việt cho các thế hệ mai sau, để cho bà con ngày càng phát triển hơn, khối đại đoàn kết ngày càng củng cố hơn, uy tín người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng mở rộng hơn, đóng góp cho nước sở tại ngày càng nhiều hơn, từ đó sẽ đóng góp cho đất nước lớn hơn.
Trong chương trình hành động nhấn mạnh một việc mà tôi cho rằng còn tồn đọng, đó là đại đoàn kết của chúng ta vẫn chưa trọn vẹn. Dịp kỉ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu: “mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc”.
Như tôi đã nói, chúng ta thấy rất rõ ý nguyện từ Đảng, Nhà nước, nhân dân là làm sao có được khối đại đoàn kết hòa hợp. Truyền thống của đất nước chúng ta là đại đoàn kết, yêu nước thương nòi, dù trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào. Nhưng rõ ràng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã 41 năm rồi mà vẫn có một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài còn tách ra trong khối đại đoàn kết dân tộc, thậm chí có hành động chống lại lợi ích của đất nước, nhân dân. Đó cũng là điều chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở. Chính vì thế, Chương trình hành động của Chính phủ nhấn mạnh việc đẩy mạnh tiếp xúc, vận động những người có quan điểm khác, thậm chí những người có quan điểm chống đối, tạo điều kiện cho họ về thăm quê hương, sinh sống, kinh doanh… nếu họ có ý nguyện trở về với mục tiêu trong sáng, không phương hại tới lợi ích, an ninh của đất nước. Nhiều người về nước thì thông tin về đất nước càng được truyền tải đến bà con nhiều hơn.
Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm UBNN về NVNONN dẫn đầu đoàn kiều bào dâng hương tại Đền Hùng, năm 2015. |
Khác với những điều mà các thế lực phản động tuyên truyền rằng Việt Nam còn có vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để gây chia rẽ, hận thù dân tộc, Chính phủ Việt Nam khẳng định một lần nữa là không có sự đối xử phân biệt đối với bà con kiều bào.
Và nếu chúng ta nhìn nhận lại, ngay cả đối với các quốc gia từng thù hận, gây chiến ở Việt Nam, thì nay ta đã có mối quan hệ chặt chẽ. Ví dụ như với Mỹ, chúng ta đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện và hiện Mỹ đã trở thành một trong những đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ ghi rõ: Hai nước tôn trọng luật pháp quốc tế, thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Ngay một nước như Mỹ còn cần khẳng định bằng văn bản như vậy thì nay tại sao cũng là những người Việt chung dòng máu mà lại có những luận điệu xuyên tạc và hành vi chống lại đất nước.
Bởi vậy, tôi luôn trăn trở rằng phải làm thế nào để giúp mọi người Việt Nam ở nước ngoài cảm nhận được hơi thở của đất nước, cảm nhận được trái tim ấm của bất kỳ người đồng bào nào khi trở về.
Sứ giả của Việt Nam ở nước ngoài
Thứ trưởng có thể điểm lại những đóng góp nổi bật của kiều bào trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước thời gian qua?
Trong những thành tựu của đất nước có sự đóng góp rất lớn của bà con kiều bào, cả trực tiếp và gián tiếp. Trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm - thống nhất đất nước trước đây, bà con đã trực tiếp xung phong trở về nước tham gia kháng chiến, trực tiếp đóng góp vật chất, gửi tiền, vàng về để giúp mua sắm trang thiết bị - phục vụ cho công tác bảo đảm an ninh hay lương thực, thực phẩm để cứu trợ nhân dân.
Gián tiếp là ở chỗ đích thân bà con kiều bào tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở nước ngoài, yêu cầu các nước xâm lược rút quân ra khỏi Việt Nam, chấm dứt những hành động chống lại dân thường, phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Bà con còn vận động sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, rồi trực tiếp giúp đỡ Chính phủ Việt Nam trong các giai đoạn đàm phán sau này.
Trong thời bình, bà con trực tiếp đóng góp qua việc về nước làm ăn, đầu tư ngày càng nhiều. Hiện có trên 3.600 doanh nghiệp của NVNONN với số vốn đăng ký gần 9 tỷ USD, trải dài trên khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điều đặc biệt là đầu tư của bà con chủ yếu tập trung ở ngay quê nhà dù địa phương đó có thể vẫn còn nhiều khó khăn. Hoạt động này góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống của người dân. Bên cạnh đó, cũng có các nhà trí thức, nhà khoa học trở về giúp sức cho đất nước. Hàng năm có trên 300 nhà trí thức làm việc ở các phòng thí nghiệm, giảng dạy ở các trường đại học, tham gia tư vấn cho các đơn vị trong nước. Mỗi năm có khoảng 2 triệu lượt kiều bào về thăm quê hương…
Ngoài ra, việc bà con gửi kiều hối về nước, có thể là cho gia đình để tu sửa nhà cửa, hay xây chùa, xây trường học… cũng là đóng góp rất lớn. Theo thống kê của một số ngân hàng, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong mấy năm qua dao động trên dưới 10 tỷ USD/năm.
Về mặt gián tiếp, một trong những yếu tố giúp vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam được nâng cao và mở rộng hơn, bạn bè thế giới biết đến và tôn trọng nhiều hơn, là nhờ đóng góp của bà con Việt kiều. Mỗi người Việt Nam ở nước ngoài giống như một sứ giả văn hóa, bạn bè quốc tế nhìn những người Việt ở nước ngoài như chính hình ảnh của dân tộc Việt Nam. Bởi khi bà con chấp hành nghiêm túc pháp luật sở tại, được bạn bè quốc tế tôn trọng, thì uy tín của người Việt Nam nói chung được nâng lên, bạn bè quốc tế tin cậy chúng ta hơn. Văn hóa Việt Nam, thông qua bà con, cũng được truyền bá rộng hơn. Đơn cử như việc người Việt Nam mặc áo dài hay mở các cửa hàng ẩm thực Việt Nam cũng là cách để mang những giá trị văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Đất nước ta vẫn cần tiếp tục nỗ lực trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhất là tình hình Biển Đông. Chính NVNONN là thành phần đóng góp quan trọng, tạo thêm tiếng nói để chính quyền các nước nghe trực tiếp, qua các cuộc tuần hành, rồi thỉnh nguyện thư của bà con gửi chính quyền sở tại kêu gọi các nước có hành vi phù hợp phản đối những hành vi gây nguy hiểm ở Biển Đông. Những nỗ lực này của bà con đã tạo ra một hệ thống sức mạnh, sự ủng hộ của các nước trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta, để bảo vệ chủ quyền, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
Xin cảm ơn Thứ trưởng.