Liên hoan dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ 2012. |
Kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra từ ngày 24-28/11 tại Paris (Pháp) đã chính thức công nhận dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Thế giới đã đánh giá cao hồ sơ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vì đã đáp ứng tốt các tiêu chí đặt ra như được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh, chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống văn hóa và tinh thần…
Hơn nữa, việc ghi danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào “Danh sách đại diện” có thể góp phần thúc đẩy nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể thông qua sự quan tâm đối với dân ca, sự đồng cảm giữa các cộng đồng. Ngoài ra, các biện pháp bảo vệ di sản với sự hỗ trợ tài chính của các cơ quan Nhà nước và địa phương đã được coi trọng nhằm đảm bảo tính bền vững của di sản…
Sự hấp dẫn đặc biệt
Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay và được thực hành trong đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên... Nằm trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào 2012, Ví, Giặm trở nên đặc biệt bởi ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền.
“Việt Nam nhận thức rõ rằng từ nay dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành tài sản văn hóa của nhân loại. Việt Nam cam kết thực hiện chương trình hành động nhằm bảo tồn sức sống của loại hình dân ca này và triển khai những chính sách nhằm tôn vinh các nghệ nhân để thực hành, trao truyền và giáo dục thế hệ trẻ, sao cho di sản mãi trường tồn”. (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên) “Dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh là điều rất đáng mừng, nhưng sau đó là cả một câu chuyện dài về bảo tồn. Phải nói rằng, bao giờ cũng phải bảo tồn và phát huy rồi mới đến thừa kế và phát triển, trong đó vai trò của cơ quan quản lý rất quan trọng. Phải có một quỹ đầu tư nhất định chứ không vì người quản lý yêu hay không yêu Ví, Giặm mà lơ là, ít quan tâm”. (Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) |
Cũng theo PGS. TS Đặng Hoành Loan, người tham gia nhận xét về bộ hồ sơ Ví Giặm Nghệ Tĩnh ở Hội đồng Di sản Quốc gia, dân ca Ví, Giặm là một nhạc ngữ riêng, không giống như nhạc ngữ của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Mã. “Nó là nhạc ngữ riêng của vùng Trung Trung Bộ. Nhạc ngữ ấy làm cho âm nhạc dân gian Việt Nam phong phú hơn về âm hưởng”, ông nói.
Sức sống trong cộng đồng
Theo kiểm kê của Uỷ ban Nhân dân Nghệ An thì hiện nay trên toàn tỉnh có 52 Câu lạc bộ đàn và hát dân ca Ví, Giặm với khoảng hơn 2.000 thành viên, trong đó có 8 người đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Loại hình dân ca này đã được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 259 làng, thôn, xóm, khu dân cư của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Đáng trân trọng là trước sự biến chuyển trong phương thức sản xuất cũng như tập quán sinh hoạt, dân ca Ví, Giặm không hề biến mất mà vẫn âm thầm tồn tại trong đời sống nghệ thuật. Nhiều câu lạc bộ có thành tích hoạt động nổi bật như câu lạc bộ Thạch Châu, Cẩm Mỹ, Thạch Thanh, Phù Việt (Hà Tĩnh); Hồng Sơn, Phúc Thành (Nghệ An)... Các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (Nghệ An) và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (Hà Tĩnh) đã trực tiếp xuống cơ sở, tham gia truyền dạy cho các câu lạc bộ.
Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được nhớ đến qua những bài như Trước lúc lên đường, Giặt áo bên phà Bến Thủy, Áo xanh càng thắm, áo nâu càng bền…, thì những làn điệu dân ca lại tiếp tục làm chất liệu cho âm nhạc hiện đại sau này. Sự thành công của những ca khúc như Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh.. đều xuất phát từ chính những điệu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Học hát dân ca Ví, Giặm tại địa phương.
Và đằng sau vinh danh
Trở thành di sản phi vật thể của nhân loại, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh sẽ được thế giới coi trọng và biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển và mở ra nhiều tiềm năng cho địa phương và cộng đồng thì vẫn là những thách thức về công tác bảo tồn.
NSND Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho rằng, môi trường diễn xướng nguyên bản của dân ca xứ Nghệ hiện không còn và làm thế nào để phục hồi môi trường diễn xướng ấy là một câu hỏi khó. Nhiều người dân cũng thể hiện lo ngại vì các nghệ nhân lưu giữ các làn điệu gốc hầu hết đã qua đời, số còn lại cũng đã già yếu. Mặc khác, âm nhạc và lối sống hiện đại đang tác động mạnh mẽ làm dân ca xứ Nghệ mất dần công chúng.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, hệ thống các câu lạc bộ là “cái nôi” lưu giữ dân ca nên Tỉnh đang phục hồi các không gian, môi trường diễn xướng, làn điệu cổ bằng việc nâng cao chất lượng hoạt động ở các phường xã.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thiện cho biết: "Chúng tôi sẽ có chiến lược và các kế hoạch để phát huy thế mạnh của di sản, đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về giá trị của di sản, đồng thời tổ chức các liên hoan ở các cấp, ban hành chính sách với các nghệ nhân, các câu lạc bộ, chính quyền địa phương để Dân ca Ví, Giặm mãi mãi trường tồn".
LÊ AN