📞

Để hội nhập, địa phương phải phản ứng nhanh!

14:52 | 30/08/2016
Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại giao 29.

Đại sứ Cao Chính Thiện và Phó Chủ tịch Vùng Lombardy Fabrizio Sala. (Nguồn: Vietnam+)

Theo Đại sứ Cao Chính Thiện, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được Bộ Ngoại giao nói chung và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài triển khai tích cực, nhưng đến kỳ hội nghị ngoại giao lần này, công tác này được đặt ở vị trí cao hơn, đó là ngoại giao phục vụ phát triển.

Đại sứ cũng cho rằng, việc Bộ Ngoại giao thành lập Cục Ngoại vụ địa phương đã góp phần giúp các địa phương tiếp cận tốt hơn với các đối tác. "Cục đã làm việc rất tích cực và trở thành một kênh rất thiết thực kết nối các địa phương nước ta với địa phương nước ngoài", Đại sứ nói. 

Tại các sứ quán, các cán bộ, nhân viên cũng đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc thúc đẩy, kết nối hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với phía bạn. Tuy nhiên, theo Đại sứ, hiện sự hỗ trợ tài chính cho các hoạt động ngoại giao kinh tế tại các cơ quan đại diện còn eo hẹp. "Đấy là một điều rất đáng tiếc bởi khi tiến hành một dự án cụ thể cho kinh tế, đầu tư, phát triển địa phương thì cần phải có sự đầu tư nhất định".

Ngoài ra, qua quan sát ở nước sở tại, Đại sứ cho biết, các doanh nghiệp cũng như địa phương thường vấp phải một số khó khăn khi đi "mở đường" và thường xử lý chậm khiến phía bạn phải thúc giục.

Mặc dù vậy, Đại sứ vẫn lạc quan về triển vọng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung, và hợp tác giữa các địa phương hai bên nói riêng. Ông cũng khẳng định, để hợp tác có kết quả thì cần có sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hai bên. 

"Hiện nay, triển vọng hợp tác giữa hai bên là khá lớn. Lãnh đạo cấp cao hai nước đều xác định lấy kinh tế làm trụ cột cho quan hệ hai nước. Việt Nam và Italy đang đặt trọng tâm vào hợp tác giữa địa phương với địa phương và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Tôi có cảm nhận rằng, quan hệ Việt Nam và Italy đang ở giai đoạn rất “nồng thắm”.

Tôi cho rằng, chủ trương thay thế nguồn lực của nhà nước bằng nguồn xã hội hóa (địa phương, doanh nghiệp) là hợp lý và điều đó có thể làm cho các chuyến đi của địa phương, của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn. Trong cái khó, tôi nghĩ đây cũng là một nhân tố tích cực. Hội nhập quốc tế đòi hỏi địa phương và doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn nữa", Đại sứ nói.

(thực hiện)