Đến khi nằm xuống ngủ cũng còn hồi hộp nôn nao, mong trời sáng. Sau mấy tháng Hè, không biết bạn có lớn lên nhiều không? Không biết năm nay cô nào dạy mình? Mong được đến lớp để khoe chuyện này, chuyện kia. Mong đến để chơi chun vào giờ ra chơi, khoác vai nhau lững thững trong sân trường dưới tán bàng đã chớm có lá đỏ.
Trẻ cần một ngày hội
Và ngày đó diễn ra đúng như mong đợi, chẳng khác gì những miêu tả trong bài “Ngày khai trường” của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi: “… Gặp bạn, cười hớn hở/ Đứa tay bắt mặt mừng/ Đứa ôm vai bá cổ/ Cặp sách đùa trên lưng… Từng nhóm đứng đo nhau/ Thấy bạn nào cũng lớn/ Năm xưa bé tí teo/ Giờ lớp ba, lớp bốn...”.
Bây giờ, thấy thông tin về ngày khai giảng 5/9 nhà trường gửi về, những đứa trẻ hờ hững như không vì chúng đã đi học thật cả tháng nay rồi, thấy xon xót lòng. Tiếc cho một ngày hội. Trẻ con cần một ngày hội, để chúng hân hoan, tự hào, để ông bà cha mẹ cũng hân hoan theo.
Những gì là khởi đầu cũng cho cảm xúc tươi mới và ấn tượng bền lâu. Khởi đầu một năm học cơ mà. Những cảm xúc ấy đi theo trẻ suốt 10 tháng sau đó. Có những khoảnh khắc in dấu cả đời trong ký ức. Còn đằng này, học từ 1/8, phải đợi đến 5/9 mới được tuyên bố bắt đầu. Cái năm học mới ấy nó đã cũ đi đôi chút rồi, làm sao có thể cảm thấy "những cảm giác trong sáng nảy nở trong lòng như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng" giống Thanh Tịnh.
Khai giảng cho trẻ cảm xúc tươi mới và ấn tượng bền lâu. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
Đâu còn một ngày tưng bừng xôn xao cảm xúc như cậu bé Vichia Maleev của nước Nga: ... Ngay từ xa tôi đã nhìn thấy một tấm biểu ngữ lớn màu đỏ căng trên cổng trường. Những tràng hoa quấn xung quanh nó, trên đó có hàng chữ cái trắng to: “Nhiệt liệt chào mừng!”.
Tôi sực nhớ ra cũng có tấm biểu ngữ y như thế được treo vào ngày tôi còn rất nhỏ, lần đầu đi khai giảng. Rồi tôi nhớ lại tất cả những năm tháng đã trôi qua. Tôi nhớ, chúng tôi đã học lớp Một và ước được lớn thật nhanh, được vào Đội như thế nào. Tôi nhớ lại tất cả những điều đó, một niềm vui kỳ lạ bỗng rộn ràng trong lồng ngực, cứ như thể vừa xảy ra một điều thật tuyệt! Đôi chân bỗng rảo bước nhanh hơn khiến tôi phải khó khăn lắm mới kìm được để không chạy.
Các nghi lễ chỉ có ý nghĩa khi chúng không bị bày ra cho có, một cách hình thức. Các nghi lễ liên quan đến ngày khai giảng chỉ khiến con người ta rung động, hân hoan, nhớ mãi... khi thật sự được chờ đợi, thật sự vì người học, có ý nghĩa biểu tượng và không làm người ta mệt mỏi, chán ngắt.
Có thể lấy ngày 5/9 làm mốc kỷ niệm "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường" chứ sao cứ phải ấn định đó là ngày khai giảng? Đến ngày ấy, các thầy cô nhắc lại cho trẻ lịch sử của Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường để học sinh hiểu và trân trọng hơn việc mình được đi học. Sao phải nhất thiết “trống giong cờ mở”, tập tành đi đứng, ngồi dưới sân nắng đợi lãnh đạo phát biểu, tuyên bố lý do bắt đầu một thứ đã bắt đầu từ trước đó lâu rồi?
Để khai trường chạm đến từng đứa trẻ
Nhìn sang bạn bè có con đi học ở một số nước khác, hoặc nhớ lại ngày khai giảng cũng là Ngày hội Tri thức ở Nga, tôi vẫn thấy hân hoan cùng họ. Buổi lễ luôn diễn ra nhẹ nhõm mà vẫn đầy trang trọng. Trẻ mặc đồng phục, các bé gái đeo nơ trắng bồng bềnh trên đầu hay đeo hai bím tóc xinh, tay cầm bóng bay nhiều màu, bố mẹ cầm hoa mang theo... Một ngày hội của cả gia đình!
Với em bé lớp Một, ngày khai giảng còn là ngày đầu tiên trong đời học trò của em, được tất cả người lớn, từ thầy cô hiệu trưởng, các thầy cô các lớp, bố mẹ, đến bác lao công, ông bảo vệ và cả các anh chị lớn hơn quan tâm. Tôi đặc biệt thích hình ảnh buổi lễ "Tiếng chuông đầu tiên", anh lớn kiệu em bé lớp Một trên vai, tay em rung quả chuông lanh lảnh, gương mặt em rạng rỡ tự hào: Em đã là học sinh lớp Một!
Ngày khai giảng của trẻ em Nga. (Ảnh: NVCC) |
Tôi nhớ con trai tôi năm đầu tiên đi học lớp Một, bấy giờ vừa từ nước Nga trở về, mừng vui gặp ai cũng khoe: "Bác ơi, cháu là học sinh lớp Một!", "Cô ơi cháu là học sinh lớp Một"! Có một cô hàng xóm chép miệng: "Vui thế cơ à? Mấy hôm nữa rồi sẽ thấy khổ, con ạ!".
Đến trường, con tôi gặp từng người bạn mới của mình, chào: "Tớ chào bạn lớp 1C"! Cứ thế, con chào đến hơn 50 bạn. Nhưng đó là mấy ngày trước khai giảng. Đúng khai giảng, con lại ngơ ngơ ngác ngác đến tội. Với các con, đó là một ngày tập trung quá lâu và quá đông, nghe phát biểu, xem biểu diễn trên sân khấu, khó chịu ở bên dưới.
Tôi ước sao kịch bản cho ngày khai trường được xây dựng khác đi để ý nghĩa của nó chạm đến từng đứa trẻ! Ngày khai trường bây giờ ở Nga, tiết học đầu tiên là bài học Hòa bình, một giá trị mà loài người những tưởng thấm thía từ lâu giờ vẫn cần và hơn bao giờ hết cần được nhắc lại!
Còn ở Việt Nam, nên chăng, ngày đầu gặp lại nhau của thầy và trò trong năm học cũng cần một bài học cho sự bình ổn tâm hồn, chia sẻ và đồng cảm với nhau; hơn là bắt nhau ngồi nghe những lời phát biểu lê thê mà ta quá biết, không đọng vào tâm trí trẻ được mấy?
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh
(Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con)