📞

Để kinh tế tư nhân thực sự thành động lực của nền kinh tế

19:26 | 10/07/2018
Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Cần xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.

Đó là khẳng định của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế như nhân", chiều 10/7, tại Hà Nội.

Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo VCCI; Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; đại diện Bộ Tài Nguyên & Môi trường,Tổng cục Thuế, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và giới truyền thông.

Củng cố địa vị của kinh tế tư nhân

Diễn đàn được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhân 1 năm nghị quyết 10-NQ/TW đi vào cuộc sống do báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW (CIEM) tổ chức.

Tại diễn đàn, các diễn giả thảo luận nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 10 và cùng chỉ ra những rào cản, khó khăn thách thức mà thành phần kinh tế tư nhân đang gặp phải, qua đó tìm ra giải pháp giúp thành phần kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, ổn định và hiệu quả.

Các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý cùng thảo luận tìm cách gỡ khó cho khu vực kinh tế tư nhân. (Ảnh: TL)

Ngày 3/6/2017, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW: “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Sự ra đời của Nghị quyết 10-NQ/TW đã trở thành một động lực vô cùng quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo ra sự phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, Nghị quyết số 10-NQ/TW với những định hướng rất rõ ràng, đó là: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI trả lừi phỏng vấn bên lề diễn đàn. (Ảnh: TL)

Cùng với đó, theo đại diện lãnh đạo VCCI, Nghị quyết 10 cũng khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, một năm qua, Nghị quyết đã được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, xuyên suốt từ các Ban ngành trung ương đến địa phương... đạt được mục tiêu ban đầu đề ra.

Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Quốc hội đã thể chế hoá những vấn đề cốt lõi của Cương lĩnh 2011 trong Hiến pháp 2013, với nội dung cốt lõi về kinh tế là công dân, doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép làm những việc mà pháp luật cho phép, thành công dân và doanh nghiệp được phép hoạt động trong mọi lĩnh vực, cơ quan quản lý nhà nước muốn hạn chế tự do kinh doanh của công dân phải được luật hoá.

Để triển khai đồng bộ đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống, trong thời gian 4 năm (từ 2013 đến 2018), Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều đạo luật để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, củng cố địa vị pháp lý của kinh tế tư nhân để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của xã hội cho phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

Theo ông Kiên, việc đổi mới trong Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 là một bước thể chế hoá quan điểm của Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân đã khẳng định người dân và doanh nghiệp được tự do đầu tư kinh doanh, các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ được áp dụng các biện pháp hạn chế kinh doanh theo quy định của luật.

Doanh nghiệp cần đổi mới, tư duy đột phá

Ông Kiên nhận định, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan ban hành chính sách và các cơ quan tổ chức thực hiện như trong những năm vừa qua đã đánh dấu một phương thức mới trong việc xử lý những vấn đề cấp bách của cuộc sống.

Cũng trong bài tham luận của mình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra rằng, bản thân nhiều doanh nghiệp Việt chưa chủ động thay đổi để đáp ứng được các yêu cầu về chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động, và đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt các doanh nghiệp không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, chưa chú trọng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều vấn đề phát triển kinh tế tư nhân đã được thảo luận tại diễn đàn. (Ảnh: TL)

"Do đó, bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình để tạo ra những bước đột phá", ông Kiên nói. Đồng thời, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ông Kiên cho biết, cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững.

Theo ông Kiên, để làm được điều này, đội ngũ doanh nhân cần chú trọng cải thiện năng lực quản trị, tiếp thu được thành quả của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới để có thể hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân.

Tại sự kiện, các đại biểu cũng đã nghe những bài tham luận như: Đổi mới môi trường pháp lý để kinh tế tư nhân phát triển; Vai trò kinh tế tư nhân trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế; Nhận dạng khu vực kinh tế tư nhân VIệt Nam và những thách thức mới trên con đường phát triển.

Các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về những vấn đề đặt ra sau một năm thực hiện Nghị quyết 10 như: Những vấn đề về tiếp cận đất đai cho khu vực kinh tế tư nhân; Bài toán vốn đối với khối kinh tế tư nhân -Thực trạng và giải pháp; Chính sách tài chính hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân; Thách thức từ hội nhập thế hệ mới đối với phát triển doanh nghiệp tư nhân; Phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam...