Có thể nói, những câu chuyện bạo hành trẻ trong thời gian qua, đặc biệt là từ chính người thân, được phản ánh trên truyền thông thực sự khiến dư luận bất bình. Câu hỏi là chúng ta đã hành xử như thế nào khi trẻ có hành động vượt ra những giới hạn cho phép?
Được tiếp xúc với nhiều phụ huynh, có người phàn nàn với tôi rằng, rất khó cải thiện hành vi của con nếu không có roi vọt. Họ biết về kỷ luật tích cực nhưng đó chỉ là lý thuyết suông. Họ cũng đã thử áp dụng nhiều cách thức động viên nhưng đều không có kết quả. Họ sẵn sàng đầu tư cho con về vật chất và nghĩ rằng như vậy là đảm bảo cho con tương lai tốt nhất.
Có lúc, cha mẹ đã nhập vai một nhà lãnh đạo độc đoán đối với con. Họ luôn cho mình là đúng, bắt con phải phục tùng mệnh lệnh. Không hiếm người nghi ngờ khả năng của con và thực tế có mấy ai kiên nhẫn lắng nghe con nói? Chúng ta thường xuyên không nhận ra những hành vi ngoan mà thường nhìn vào những vấn đề sai để chỉ trích con - giống như chỉ chú ý đến giọt mực nhỏ trên tờ giấy trắng.
Quốc tế thiếu nhi là ngày hội dành cho các em nhỏ. |
Liệu chúng ta đã có bao nhiêu lần hứa với con mà không giữ lời? Có bao nhiêu lần ta phủ nhận ý kiến của con và áp đặt chủ ý của mình? Nếu người lớn chỉ muốn đóng vai người lãnh đạo, người bạn tồi với con, thì hãy nghĩ lại.
Đã đến lúc, người lớn cần hành động như những “lãnh đạo tốt” để thỏa mãn nhu cầu cơ bản của trẻ. Đó là nhu cầu được an toàn, được yêu thương, được tôn trọng, được cảm thông và cảm thấy có giá trị.
Trẻ sẽ cảm thấy an toàn khi được cha mẹ khoan dung và coi mọi lỗi lầm mắc phải đều là cơ hội để học tập và lớn lên. Các em sẽ cảm thấy được yêu thương khi cha mẹ luôn có mặt hỗ trợ với những cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần và thân mật. Con cái sẽ cảm thấy được thông cảm và tôn trọng khi mẹ cha dành thêm chút thời gian lắng nghe trẻ. Trong cuộc sống bộn bề kia, ta hãy dừng lại đôi chút để kịp nhận ra những cảm xúc của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào việc thiết lập các quy tắc ứng xử trong gia đình và thống nhất thực hiện. Trước những hành động sai, cha mẹ bình tĩnh giúp con giải quyết và khắc phục hậu quả thay vì sử dụng kỷ luật khắc nghiệt để trừng phạt. Các con sẽ cảm thấy mình có giá trị khi cha mẹ hiểu và chỉ rõ cho trẻ thấy những điểm mạnh yếu riêng. Người lớn chúng ta hãy cùng góp phần kiến tạo môi trường an toàn, yêu thương, tôn trọng trẻ…
Nhưng đâu đó vẫn còn những cảnh trẻ ăn bữa tối vội vã ngay trên xe máy cho kịp đến lớp học thêm. Thực tế, vẫn còn không ít phụ huynh đang “thần thánh hóa” điểm số. Để rồi, trẻ em đang phải oằn mình ra học như những chiếc máy, như những “nhà bác học” nhưng lại thiếu kỹ năng trầm trọng. Vui được hay không khi con đem về nhiều điểm 10 nhưng không phân biệt được đâu là củ tỏi đâu là củ hành, sự khác biệt giữa vịt và thiên nga?
Tự khi nào, trẻ em đến trường bỗng trở thành những “chú ngựa đua” để mang thành tích về cho cha mẹ. Đặt lên vai trẻ những áp lực mang tên điểm số, trường chuyên lớp chọn khác nào cha mẹ đang đánh cắp tuổi thơ của con!
Quốc tế thiếu nhi là ngày hội dành cho các em nhỏ, là thời điểm để chúng ta nhận thức rõ hơn về vai trò của trẻ em đối với sự phát triển xã hội. Đây cũng là cơ hội để nhắc nhở người lớn luôn nêu cao và bảo vệ quyền được sống, được phát triển toàn diện, được tôn trọng thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ.
Nhưng làm sao để mỗi ngày đối với trẻ đều là 1/6? Trẻ đâu phải chỉ cần những lời tung hô, được khen ngợi chỉ trong một ngày. Bởi điều các em mong muốn là được yêu thương, được là chính mình và có một tuổi thơ đúng nghĩa.
TS. Trần Thành Nam
(Đại học Quốc gia Hà Nội)