“Không phức tạp” mà cháu nói đến chính là tính ứng dụng của các nghiên cứu này vào đời sống không cao. Sau khi bảo vệ thì chưa có chuẩn đánh giá hiệu quả áp dụng nên các công trình phần lớn đều “bỏ vào ngăn kéo”.
Con tôi kể sau khi nhóm nghiên cứu ký hợp đồng với ban quản lý khoa học của trường nếu thầy giáo hướng dẫn bận quá thì nhóm tự làm. Đến khi bảo vệ, kiểu gì cũng được khá, không thì xuất sắc. Những công trình như vậy không những gây tốn kém mà còn hình thành thói quen không tốt trong công tác nghiên cứu của sinh viên.
Để nghiên cứu KHXH đi vào đời sống, thiết nghĩ phải chọn đề tài một cách chặt chẽ. Nội dung nghiên cứu cần bám sát thực tế với một tầm nhìn, xác định phạm vi nghiên cứu và không gian áp dụng rõ ràng.
Phải có cam kết giữa nhóm nghiên cứu với cơ quan quản lý khoa học về việc ứng dụng công trình đó trong khoảng thời gian nhất định. Sau khi được thông qua, nhóm nghiên cứu sẽ được cấp kinh phí bổ sung trong vòng một năm để triển khai, đảm bảo sự bền vững của đề tài kể cả khi tài trợ kết thúc. Như trong cuộc thi “Sáng kiến phòng chống tham nhũng” do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ tổ chức mà con tôi tham gia, các cháu làm đề án để bảo vệ không khác gì ở trường. Với một nguồn kinh phí được cấp sau khi bảo vệ thành công, các nhà nghiên cứu trẻ phải triển khai kết quả của mình.
Từng có thời gian học ngắn hạn ở Singapore, Nhật Bản, tôi nhận thấy chúng ta cùng cần giúp các cháu hình thành đạo đức và phương pháp nghiên cứu ngay từ trong trường đại học. Sinh viên cần được khuyến khích, dành thời gian và điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin nghiên cứu mới nhất. Trong từng môn học, giáo viên cần hướng dẫn và yêu cầu sinh viên thực hành nghiên cứu.
Theo tôi nên giảm bớt số lượng công trình để tập trung kinh phí. Chẳng hạn ở trường đại học của con tôi hiện nay, mỗi khoa có hai đề tài hàng năm với một kinh phí nhất định theo hợp đồng. Bảo vệ xong thì thôi. Vậy sao không tập trung vào một ít đề tài với sự thẩm định tính ứng dụng cao ngay từ đầu thay vì dàn trải?
Bên cạnh đó, nội dung chi, định mức chi quá thấp so với thực tế dẫn đến tình trạng lệch chuẩn trong nghiên cứu KHXH. Để có được dự toán kinh phí 1.8-2 tỷ đồng, các chủ nhiệm đề tài phải ứng phó bằng việc tăng số chuyên đề, tăng số địa bàn điều tra, khảo sát… để bảo đảm kinh phí đầu tư. Chất lượng bài viết, chuyên đề nghiên cứu giảm sút nghiêm trọng do nhà khoa học có năng lực nghiên cứu không mặn mà vì thù lao thấp. Các cháu không thể tự viết được hoặc đi thực tế nếu không có kinh phí.
Tôi sẽ nói chuyện với con trai để cháu suy nghĩ tìm cách ứng dụng đề tài mà cháu và các bạn vừa làm. Vì tôi cho rằng sinh viên là đối tượng cần đầu tư đặc biệt để chính các bạn có những đóng góp về mặt khoa học trong bối cảnh hội nhập và đất nước đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như hiện nay.
Thụy Chi (Hà Nội)