📞

Để niềm vui du xuân đầu năm thêm trọn vẹn...

10:13 | 03/03/2018
Cùng là du xuân dịp Tết nhưng ở Việt Nam khác rất nhiều so với các nơi khác ở châu Á...

Gần đây ở nước ta, ngày Tết Nguyên Đán thường kéo dài bảy ngày, tuy không phải là quá dài nhưng chắc chắn không thể nói là quá ngắn. Dù vậy, khi đã vào thời điểm phải đi làm chính thức nhưng nhiều người hoặc nhiều đơn vị vẫn chưa tập trung vào làm việc mà thay vào đó lại tổ chức đi vãn cảnh ở đền chùa với không khí xuân tấp nập.

Văn hóa du xuân - còn nhiều việc phải bàn

Ở nước ta, trước đây người dân đi lễ chùa không ồ ạt, theo phong trào như bây giờ. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng trong cuộc sống thực, con người ta đang bị mất lòng tin giữa con người nên họ tìm đến chốn linh thiêng để cầu xin? Hàng ngày, trên báo đài, mạng xã hội đâu đâu cũng có các thông tin cướp, giết, hiếp… Có người than thở: “Sao đâu cũng thấy tiêu cực?” hoặc “giờ ra ngoài đường chẳng biết tin ai”...

Người dân tham gia lễ hội khai ấn đền Trần từ rất sớm. (Nguồn: VnExpress)

Đầu năm, nhiều người đi lễ chùa cầu may nhưng không ít bạn trẻ đi theo phong trào. Có người coi đây là cơ hội để chụp hình tự sướng đăng lên Facebook. Ở chốn linh thiêng nhưng nhiều bạn trẻ xem như chỗ không người, thoải mái cười cợt, đùa giỡn.

Không chỉ vậy, đi lễ chùa ngày xuân cũng như ngày thường, cảnh các cô gái mặc quá mát mẻ, thời trang không phù hợp tại nơi trang nghiêm không hề hiếm gặp.

Ở một khía cạnh khác, có thể nói, không đâu có phong tục đốt vàng mã phổ biến như Việt Nam. Lò hóa vàng có mặt ở khắp các đền chùa. Người dân đi lễ phần lớn mang theo vàng mã. Khói đốt vàng mã bốc lên nghi ngút một góc đền chùa là cảnh hết sức phổ biến. Việc sử dụng quá nhiều giấy chỉ để đốt khiến người dân vừa tốn của vừa gây hại cho môi trường sống.

Nhìn sang bạn bè châu Á

Tết Âm lịch có mặt ở rất nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Vì đã từng ăn Tết Âm lịch tại Singapore, Trung Quốc, tôi nhận thấy dường như đa số người Việt Nam nuối tiếc kỳ nghỉ Tết hơi nhiều.

Điều này dường như vô cùng xa lạ ở đất nước Singapore, khi mà người dân có thể đi làm cả ngày 30 Tết một cách vô cùng vui vẻ.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương (thứ hai từ phải sang) chụp hình kỷ niệm khi đi du xuân ở Đài Loan (Trung Quốc).

Với người Singapore, thời gian Tết chỉ gói gọn trong ba ngày: 30, mùng 1 và mùng 2. Bắt đầu từ mùng 3, mọi thứ trở lại bình thường. Ở đây, ngày Tết cũng không khác xa ngày thường nhiều, quán xá vẫn mở, một số nơi, nhân viên vẫn đi làm.

Một điểm khá giống Việt Nam là một số quán sẽ tăng giá lên chút ít. Tuy nhiên, họ giải thích rõ ràng để khách hàng có quyền lựa chọn nên nhiều khách hàng vẫn cảm thấy thoải mái khi có người phục vụ vào ngày Tết.

Tết ở các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Singapore... cũng là dịp để người dân đến chùa cầu may. Tuy nhiên, phong cách thờ cúng mỗi nơi một khác. Nếu chú ý quan sát, ta có thể thấy nhiều điểm thú vị vừa tương đồng vừa khác biệt với cách đi chùa của người Việt.

Chẳng hạn, tại Singpapore, mỗi chùa có khoảng từ 30 đến 50 ống giọt dầu đặt trên bàn thờ. Người dân phải xếp hàng lần lượt nếu muốn tham gia công đức, bỏ tiền xu vào đó. Sau đó, họ lại xếp hàng lần lượt để đến chúc Tết sư trụ trì để được sư xoa đầu ban phúc đầu Năm Mới. Bất kể là già, trẻ hay gái, trai đều tự giác xếp hàng và kiên nhẫn đợi đến lượt mình.

Tại đảo quốc hình sư tử, mỗi khi có một du khách ăn mặc không phù hợp, lập tức có nhân viên phụ trách khu vực bước ra đưa cho họ một tấm khăn. Đồng thời nhân viên còn hướng dẫn họ quấn khăn che phần cơ thể lộ liễu để có thể bước vào chùa thực hiện các nghi lễ mà không làm mất đi tính tôn nghiêm nơi cửa Phật. Quy ước bỏ dép nơi ngoài cửa tại khu vực để dép riêng cũng là một nét đặc trưng tại, khiến nơi cửa Phật được thanh tịnh hơn nhiều.

Năm 2018 theo Âm lịch là năm chó nên ở Đài Loan (Trung Quốc) người dân thờ Thần Chó. Những bức tượng Thần Chó rất lớn được dựng lên ở giữa sân chùa. Người dân xếp hàng lần lượt để được đến gần các bức tượng. Khi tới nơi, họ chạm khẽ vào chân bức tượng để cầu may mắn và thể hiện sự thành kính cũng như niềm tin vào Đức Phật, và vị Thần của năm.

Điều đặc biệt thú vị khi quan sát người dân Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore đi lễ là họ không chỉ vái về phía các bàn thờ mà vái tứ phương, vái cả đất trời.

Du xuân lễ chùa, "trông người lại ngẫm đến ta", thiết nghĩ mỗi người cần ý thức hơn, dẹp bỏ những thói quen không tốt để niềm vui đầu năm ý nghĩa và trọn vẹn hơn.

(Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)