Chính phủ có thể “giải cứu" được không?
Tất nhiên, câu trả lời không phải là "không". Nhưng chính phủ không thể "giải cứu" mãi, và liên tục làm điều đó thì cũng không phải là giải pháp hay.
Quay lại chuyện con cá tra. Hơn một chục năm trước, cá tra, cá basa dễ nuôi, được giá và xuất khẩu mạnh, lên ngôi ở đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân phá ruộng vườn đào ao, không gì có thể cản được. Năm nay, cá quá lứa nhưng không ai mua, như là một hệ quả tất yếu.
Cà phê cũng đang gặp nguy cơ tương tự. Từ cuối năm 2005, cà phê tăng giá mạnh trở lại và năm sau liên tục cao giá hơn năm trước. Nông dân ồ ạt lấy đất (và phá rừng) để trồng cà phê. Hồi tháng 4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn ra chỉ thị đề nghị các cơ quan trực thuộc kiểm tra, ngăn chặn tình trạng tự phát mở rộng diện tích cà phê, yêu cầu không mở rộng diện tích trồng cà phê từ nay đến năm 2010. Và không phải nông dân không biết hệ quả xấu từ việc tự ý mở rộng diện tích trồng cà phê, nhưng vẫn mạnh ai nấy làm!
Nói tiếp chuyện cà phê. Hơn 10 năm trước (năm 1997), dự án trồng cà phê chè ở miền núi phía Bắc được khởi động một cách đầy tham vọng với gần 800 tỉ đồng đầu tư giai đoạn 1 (trong đó có vốn vay của Pháp). Nhưng giấc mơ cà phê arabica tan vỡ ở hầu hết 15 tỉnh trong dự án. Một địa chỉ hiếm hoi thành công là tỉnh Sơn La. Góp phần vào thành công đó, giữa những ngày nông dân điêu đứng và chán nản, công ty Cà phê và Cây ăn quả Sơn La đã vay tiền hỗ trợ vốn cho bà con, hướng dẫn kĩ thuật để cây cà phê mang lại hiệu quả cao. Diện tích cà phê dần được khôi phục và phát triển. Khi bắt đầu hưởng lợi, nông dân than phiền rằng công ty thu mua với giá quá thấp, cho nên tìm cách bán cà phê ra bên ngoài. Không thu được nợ từ dân, công ty nộp đơn xin phá sản.
Nông dân không có gì ràng buộc với công ty (nơi thu mua, chế biến và xuất khẩu sản phẩm của họ). Bài toán về quy hoạch và các tác động vĩ mô, với từng nông dân, càng là chuyện không cần và không muốn bàn. Như thế, sẽ rất khó khi yêu cầu chính phủ liên tục chạy theo "giải cứu" cho nông dân. Điều cần làm, là giúp nông dân biết tự cứu mình.
Trao trách nhiệm cho nông dân
Cái mô hình liên kết lý tưởng "3 nhà" hay "4 nhà" trong nông nghiệp nước mình bấy lâu gặp trục trặc. Không làm nổi vì những sự dè chừng. Nhà nước cảnh giác e doanh nghiệp làm chuyện không đúng, ví như xin trồng rừng mà thực ra lại để phá rừng (và tất nhiên, thực tế đã có chuyện đó). Doanh nghiệp lại sợ nông dân thất hứa, nói hợp tác mà đến ngày cây ra quả thì nuốt lời bán cho người khác (thực tế cũng đã có chuyện đó). Nông dân thì sợ doanh nghiệp chỉ giỏi thuyết phục dân theo mà cuối cùng chạy đâu mất, để lại giống cây không tốt chẳng thấy thu hoạch đâu (chuyện này cũng có luôn).Nghĩa là cái sự ràng buộc giữa các bên còn lỏng lẻo, cho nên cần siết nó lại.
Một hình thức có thể hữu ích là xây dựng các công ty cổ phần với sự đóng góp của nhiều bên khác nhau. Nhà nông cần có cổ phần ở công ty chế biến nông sản của mình, và họ có thể góp cổ phần bằng chính các sản phẩm mà mình sản xuất ra. Với cách đó, nông dân là người chủ thực sự của nhà máy, và có nghĩa vụ với nhà máy đó. Nếu sản phẩm của nhà máy có chất lượng tốt, nhà nông tất nhiên thu được giá trị nhiều hơn. Nếu đầu vào nguyên liệu không tốt, chất lượng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng và tất nhiên, tác động trở lại đánh vào túi tiền của nhà nông.
Và vai trò của nhà nước thật sự quan trọng, trong chuỗi liên kết này. Trước hết là sự đảm bảo để các bên an tâm hợp tác với nhau. Thứ nữa là vốn, hỗ trợ thông qua chính sách… Một chiến lược tiếp thị toàn cầu cho thương hiệu vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên… rất cần có sự hỗ trợ của chính phủ. Luôn tiện nói ở đây rằng mấy cái tên mà chúng ta vừa nhắc trên cũng có đặc điểm giống những cái tên khác của ta là thiếu cá tính thương hiệu, ví dụ một thương hiệu quả vải cũng cần gợi ra được hình ảnh khỏe khoắn hay dịu dàng, quý phái hay thân thiện…; thứ nữa là chúng ta hiện đang gọi tên theo chỉ dẫn địa lý, cho nên rất khó đọc, khó nhớ với những người không dùng ngôn ngữ tiếng Việt (và điều này cũng là một kiêng kị với các thương hiệu toàn cầu).
Sau chót, để đảm bảo sự thành công sau một chiến lược tiếp thị như trên (hẳn không dễ thở chút nào xét về mặt chi phí), sản phẩm mà nông dân làm ra cũng cần phải theo một quy trình được khống chế nghiêm ngặt. Xanh và sạch, và đảm bảo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) để có thể chinh phục và tạo chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng tiến bộ. Tức là một chiến lược tổng thể, và như tình hình hiện tại ở nước mình thì chiến lược trên rất cần sự góp mặt của chính phủ.
Nhà nông không thể bằng lòng mãi với việc người khác "giải cứu" mình. Nhà nông hoàn toàn có thể đứng trên hai chân mình, dựa vào đôi vai của mình. Và trách nhiệm cần được trao lại cho nhà nông để được bình đẳng với các "nhà" khác trong chuỗi liên kết tạo ra giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Bởi vì một sự hợp tác lâu dài chỉ có thể có được khi các bên hợp tác đều có lợi, chứ không thể có bên nào hỗ trợ bên nào (hoặc bên nào muốn nhận sự hỗ trợ đó) mãi được!
Tháng 6 vừa rồi, công ty Saigon Ve Wong (TP.HCM) đã công bố trở thành nhà phân phối độc quyền qủa kiwi xanh và vàng của công ty Zespri (New Zealand) tại thị trường Việt Nam (người ta đã làm điều đó giữa thời cần giảm nhập siêu, tuy nhiên ta không bàn điều này ở đây vì có thể sẽ làm phiền đến tự do đi lại của quả kiwi).
Kiwi là loại hoa quả đặc trưng của New Zealand. Ủy ban Tiếp thị Kiwi của New Zealand ra đời từ năm 1977, và đến những năm 90, họ quyết định chuẩn hóa quả kiwi nhằm thu hút khách hàng chọn sản phẩm cuả mình thay vì sản phẩm có xuất xứ từ các nước khác.Sau một đợt chuyển nhượng thương hiệu vào năm 1996, công ty Zespri xuất hiện.
Zespri tạo ra một chuỗi liên kết hiệu quả. Ở New Zealand có 2.700 nông dân trồng kiwi thì cũng bấy nhiêu người đó có cổ phần tại Zespri (số liệu của Zespri).Với sự tham gia vào một trong những chuỗi tạo ra giá trị, người nông dân được truyền đạt kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn thực phẩm của châu Âu... để hiểu rằng người tiêu dùng thế giới thích trái cây sạch, do đó hoàn toàn không được sử dụng hóa chất cũng như công nghệ làm biến đổi gien. Ngoài ra, ở một chuỗi tạo ra giá trị khác, những công nhân tham gia vào khâu chọn lọc sản phẩm, đóng gói hàng xuất khẩu đều phải hiểu là hàng có vẻ ngoài xấu xí sẽ được dùng làm nước ép, không bị bỏ đi, cho nên không có chuyện họ chèn hàng xấu, bầm giập để đóng gói xuất khẩu.
"Tổng lượng kiwi Zespri vàng và xanh thu hoạch trên toàn thế giới là 325.000 tấn/năm, tương đương 3,3 tỉ quả, đạt doanh thu khoảng 1 tỉ USD", ông Daniel Mathieson, đại diện thương mại của Zespri tại khu vực Đông Nam Á, cho biết trong lễ công bố doanh nghiệp độc quyền phân phối kiwi Zespri tại Việt Nam. |
Phù Sa