📞

Để sản phẩm OCOP trở thành 'sứ giả du lịch' của Hà Nội

Gia Thành 12:57 | 26/08/2024
Baoquocte.vn. Mỗi sản phẩm OCOP đều là "sứ giả văn hóa", "sứ giả du lịch" của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Vì vậy, Hà Nội đang nỗ lực gắn kết phát triển du lịch với các sản phẩm OCOP, góp phần định vị điểm đến, tạo nét khác biệt, thu hút du khách.
Nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch. Hình ảnh khách du lịch nước ngoài trải nghiệm làm gốm tại Bát Tràng. (Nguồn: VCCI News)

Du lịch cộng đồng, điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đề cập tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là nhóm sản phẩm Hà Nội có tiềm năng lớn.

Trên địa bàn thành phố (TP) có nhiều làng nghề truyền thống, điểm đến hấp dẫn ở khu vực nông thôn, có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng, điểm du lịch. Mỗi điểm đến, làng nghề này lại có những sản phẩm quà tặng đặc trưng, với chất lượng đã được người tiêu dùng biết đến, đánh giá cao.

Vật thể minh chứng cho khám phá, trải nghiệm của du khách

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại (tháng 8/2024), Hà Nội hiện nay có hơn 2.700 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao; trong đó, nhiều sản phẩm thuộc nhóm ngành ẩm thực, đồ lưu niệm...

Nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch và với nhiều nơi, sản phẩm OCOP chính là vật thể minh chứng cho những khám phá, trải nghiệm của khách du lịch, những câu chuyện tại mỗi vùng miền.

Một vài điểm đến phổ biến phải kể đến như: Làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) với mặt hàng dệt lụa; làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm) với các sản phẩm đồ gốm; làng Đào Thục (huyện Đông Anh) với loại hình nghệ thuật múa rối nước truyền thống; làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với những nếp nhà cổ được lưu giữ qua nhiều thế hệ, đặc sản gà Mía, bánh tẻ Phú Nhi hay làng Hồng Vân (huyện Thường Tín) với sản phẩm trà thảo mộc và tour tuyến tham quan điểm đến các di tích…

Hà Nội cũng có hai sản phẩm du lịch được cấp chứng nhận OCOP 4 sao là: Khu du lịch sinh thái Green Park Phù Đổng (xã Phù Đổng) và Điểm du lịch làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín).

Đến với Tây Hồ - một trong những điển hình của phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP - du khách có thể thưởng thức các loại bánh truyền thống đặc trưng của quận như bánh nướng, bánh dẻo, bánh chả, bánh cốm… Trà sen Tây Hồ, xôi Phú Thượng cũng là sản phẩm OCOP được khách du lịch yêu thích và "thêm vào balo" mang đi khắp bốn phương.

Hiện nay, trên địa bàn quận Tây Hồ có hơn 40 sản phẩm OCOP được TP. Hà Nội đánh giá, công nhận. Điều đặc biệt là hầu hết sản phẩm này đều được đưa vào khai thác trong hoạt động du lịch.

Ví dụ điển hình khác là làng Bát Tràng (Gia Lâm). Với tiềm năng làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển liên tục hàng trăm năm lịch sử, làng gốm Bát Tràng ngày càng phát triển về sản xuất, kinh doanh và du lịch.

Các sản phẩm gốm, lò nung gốm, thậm chí là toàn bộ không gian kiến trúc cổ hay con người tại làng Bát Tràng đều đã trở thành một phần của tour du lịch Bát Tràng.

Tại bảo tàng truyền thống ở Bát Tràng, du khách được tiếp xúc trực tiếp với những người tạo ra hiện vật, làm nên giá trị của làng nghề và tìm hiểu trực tiếp về cuộc sống hàng ngày, cũng như văn hoá của họ.

Khu du lịch sinh thái Green Park Phù Đổng là sản phẩm du lịch được cấp chứng nhận OCOP 4 sao. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Tiếp tục gắn kết phát triển du lịch với các sản phẩm OCOP

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, mỗi sản phẩm OCOP đều là "sứ giả văn hóa", "sứ giả du lịch" của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân.

Do vậy, khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm OCOP giới thiệu đến du khách là điều rất cần thiết.

"Để gắn kết phát triển du lịch với các sản phẩm OCOP, góp phần định vị điểm đến, tạo nét khác biệt, thu hút du khách, thời gian tới, các cấp, các ngành cần có sự phối hợp đồng bộ, mỗi chủ thể của điểm đến hay sản phẩm OCOP đều cần chú ý gìn giữ phát huy và chuyển tải các giá trị văn hóa đặc trưng trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong từng sản phẩm OCOP", ông Ngọ Văn Ngôn nhấn mạnh.

Trà sen Tây Hồ là sản phẩm OCOP được khách du lịch yêu thích. (Nguồn: Hà Nội Mới)

Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 73/2022/KH-UBND về “Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”.

Theo đó, Thủ đô đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đang triển khai xây dựng hàng chục trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch như Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại Bát Tràng (Gia Lâm); xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên); xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ)…

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, việc thành lập các Trung tâm trên sẽ giúp kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo; giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, các Trung tâm sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu Chương trình OCOP Hà Nội đến năm 2025, phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.

TP. Hà Nội cũng phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.