📞

"Đề thi khó nhưng vẫn đạt mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh"

20:15 | 27/06/2018
Đó là khẳng định được đưa ra trong cuộc họp báo công bố các thông tin liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia (từ ngày 25-27/6) do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều nay (27/6) tại Hà Nội.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng; ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.

Đề thi - nhiều câu hỏi khó

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh cho biết, kỳ thi năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết hết sức phức tạp, mưa lũ xảy ra trên một số tỉnh miền núi phía Bắc.

"Tuy nhiên, với tinh thần 'không để thí sinh vì kẹt do mưa lũ không dự thi', ban chỉ đạo các tỉnh đã quan tâm đến từng trường hợp khó khăn. Có cả trường hợp thí sinh ốm đau, không thể tự viết bài được cũng đã được các hội đồng thi tạo điều kiện để tham dự kỳ thi”, ông Trinh chia sẻ.

Ông Mai Văn Trinh trả lời báo chí. (Ảnh: NK)

Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đề thi năm nay quá khó. Liệu có phù hợp không khi định hướng của kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng độ khó của đề thi lại nghiêng về mục tiêu sử dụng kết quả để tuyển sinh đại học, cao đẳng. 

Trả lời những thắc mắc liên quan đến đề thi, ông Mai Văn Trinh cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia những năm vừa qua phù hợp để lấy kết quả thi vào cả hai mục đích là xét tốt nghiệp và tuyển sinh.

Đồng quan điểm, ông Sái Công Hồng cũng nhận định, đây là năm thứ hai kỳ thi áp dụng hình thức trắc nghiệp với 4/5 bài thi, mỗi đề thi trắc nghiệm lại có 24 mã đề với mục đích đảm bảo không có gian lận. Cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm 2017, với 60% câu hỏi cơ bản, 40% câu hỏi nâng cao có tính phân hóa.

“Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 11,12. Trong đó, chương trình lớp 12 chiếm khoảng 85% nội dung đề thi”, ông Sái Công Hồng nói. 

Đại diện Bộ GD&ĐT tại buổi họp báo. (Ảnh: Ngọc Thắng)

Dù công nhận đề thi năm nay có nhiều câu hỏi khó nhưng ông Hồng khẳng định, đề thi vẫn đảm bảo để những thí sinh dự thi đạt yêu cầu khi xét tốt nghiệp. Đồng thời, ông Hồng cũng cho rằng, tất cả các đề thi đều có 4 mức độ như quy định, kể cả môn Ngữ văn.

Ở một khía cạnh khác, trả lời cho cậu hỏi: "Liệu đề thi có bị “lọt” ra ngoài?", ông Mai Văn Trinh xác nhận thực tế có tình trạng môn thi (môn Vật lý, môn Lịch Sử) sau khi vừa kết thúc đã có đề thi môn này xuất hiện bên ngoài. Ông Trinh cho rằng, trong quy chế cho phép thí sinh được mang thiết bị có chức năng thu nhưng không thể phát, truyền tín hiệu ra ngoài. Do đó, có thể thí sinh đã dùng thiết bị này chụp lại đề và đưa ra ngoài khi ra khỏi phòng thi.

Câu hỏi mở, đáp án cũng phải mở!

Trước những băn khoăn về đề thi “mở” thì đáp án sẽ ra sao để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho các thí sinh, ông Mai Văn Trinh cho rằng: "Câu hỏi mở thì đáp án chắc chắn cũng phải mở. Tuy nhiên, các nội dung phải thể hiện quan điểm riêng, diễn đạt thuyết phục và quan trọng là không trái pháp luật cũng như thuần phong mỹ tục”.

Nhiều phóng viên bày tỏ những thắc mắc của mình tại buổi họp báo. (Ảnh: YN)

Ông Sái Công Hồng cho rằng nội dung đề thi hoàn toàn không vượt quá chương trình các em được học.  Đây là năm thứ hai Bộ GD&ĐT sử dụng ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa.

“Nó như viên bi phải mài mãi mới bóng. Chúng tôi cố gắng tập huấn để cân bằng độ khó. Thực tế, đề thi mà tất cả thí sinh làm được cũng không phải tốt vì như thế sẽ không đánh giá được năng lực của các em. Ngược lại, đề thi mà không em nào làm được cũng tệ. Bởi vậy, không còn cách nào khác, cần có cả câu hỏi khó và dễ trong cùng một đề thi để phân loại học sinh một cách chuẩn nhất”, ông Hồng chia sẻ.

Phát biểu tổng kết cuộc họp báo, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, Bộ coi kỳ thi THPT Quốc gia là nhiệm vụ quan trọng nên đã chuẩn bị kỹ các khâu, cùng phối hợp nhịp nhàng, chu đáo từ các bộ, ban, ngành cũng như ban chỉ đạo thi ở các địa phương.

“Kết thúc kỳ thi vừa qua, điều đáng nói là không có một giám thị nào vi phạm kỷ luật. Đồng thời, thí sinh vi phạm quy chế đã giảm hơn so với những năm trước. Đó thực sự là tín hiệu đáng mừng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 diễn ra trong 3 ngày (25-27/6). Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, cả nước chỉ có 77 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó 73 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi. Có tới 99% thí sinh dự thi.

Năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia tăng mạnh, nhiều hơn năm 2017 gần 60.000 thí sinh. Tổng số thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT là hơn 879.000 thí sinh, số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ hơn 688.000 thí sinh (chiếm 74,3%, xấp xỉ tỉ lệ năm 2017). Có hơn 237.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học.