TIN LIÊN QUAN | |
Thị trường lao động Nhật Bản đạt mức tăng trưởng kỷ lục | |
Ai đã cướp việc làm của người Mỹ? |
PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã. (Ảnh: Ngọc Quang) |
Đánh giá của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), năng suất lao động của 1 người Singapore bằng 15 người Việt Nam, 1 người Malaysia bằng 5 người Việt Nam, 2 người Thái Lan bằng 5 người Việt Nam. Ông có suy nghĩ gì về những con số này?
Tôi cứ nghĩ mãi về những con số này. Chúng ta vẫn thường tự hào là người Việt Nam rất cần cù, chịu khó, chăm chỉ lao động, khắc phục mọi khó khăn. Nhìn vào các số liệu năng suất lao động của người Việt Nam so với các nước là điều chúng ta phải trăn trở.
Không chỉ vậy, con số ILO đưa ra cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam rất thấp, đáng báo động. Chất lượng và chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt lần lượt là 3,79/10 điểm (xếp thứ 11/12 nước châu Á theo bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới - WB). Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm gần 85% (thành thị 70%, nông thôn 91%). Đa số doanh nghiệp sử dụng lao động (82% – WB) chưa hài lòng về chất lượng lao động, nhất là kỹ năng làm việc của người lao động.
Không ít doanh nghiệp cảm thấy không hài lòng về chất lượng đào tạo ở các bậc đại học, cao đẳng và sau đại học. Phải chăng, bài toán học đi đôi với hành vẫn chưa có lối ra?
Thực tế, chất lượng giáo dục Việt Nam còn ngổn ngang và gặp rất nhiều khó khăn ở từng bậc học, cấp học. Chúng ta chưa có trường đại học nào được đầu tư một cách bài bản để thực sự trở thành đại học nghiên cứu đúng nghĩa. Phòng thí nghiệm so với thực tế đời sống xã hội vẫn còn khoảng cách không hề nhỏ. Như thế, khi tốt nghiệp đại học, chuyện các cử nhân ngỡ ngàng, lúng túng không thể vận hành các trang thiết bị của xí nghiệp, nhà máy được là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, chương trình đào tạo chậm đổi mới, kiến thức được học nặng về lý thuyết của thế kỷ trước, chưa bắt kịp với cuộc sống đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Cho dù không ít vị trí không đòi hỏi quá nhiều chất xám nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không xin được việc. Không thể đổ lỗi cho người học, bởi họ không có cơ hội được lựa chọn nhiều, dù phương thức đào tạo đại học ngày nay đã chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ khá lâu rồi. Cái lỗi chất lượng đào tạo chưa cao không phải chỉ do sinh viên yếu kém.
Nhiều nhà doanh nghiệp vẫn kêu chất lượng đào tạo đại học chưa đáp ứng được nhu cầu của họ. Nhưng không có nhiều doanh nghiệp thực sự mặn mà, quan tâm và chăm lo cho giáo dục. Nhiều lễ ký kết hợp tác nhà trường và doanh nghiệp chỉ là hình thức. Sinh viên vẫn không có nhiều cơ hội tham quan, thực tập, thực hành bài bản tại các doanh nghiệp.
Vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam vẫn cần thay đổi tư duy và thói quen. Mọi cải cách chắp vá, vội vàng nhiều khi làm hỏng cả sự nghiệp mà nhiều thế hệ đã dày công kiến tạo.
Hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ bước ra từ những ngành đào tạo rất “hot” như quản trị kinh doanh, ngân hàng, chứng khoán. Họ đã tốt nghiệp với vô số bằng cấp khá giỏi nhưng vẫn đang thất nghiệp. Có cách gì để những người này tiếp cận với việc làm dễ dàng hơn không, thưa ông?
Gần đây thông tin con số hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đã được giảm xuống. Đó là tín hiệu mừng.
Đầu tiên, phải thừa nhận rằng những bạn trẻ còn đang thất nghiệp vẫn còn yếu kém trong kỹ năng tìm việc. Dù có bảng điểm cao, nhiều văn bằng, chứng chỉ trong và ngoài nước, nhưng nếu không làm hài lòng nhà tuyển dụng, chứng tỏ bạn kém ở đâu đó. Vậy bạn phải thay đổi tư duy, đánh giá lại bản thân, phải bồi dưỡng và học hỏi thêm những gì nhà tuyển dụng chưa hài lòng về bạn…
Thứ hai, các nhà tuyển dụng khó tính, đòi hỏi sinh viên mới ra trường phải có nhiều kỹ năng, chứng chỉ hành nghề, kinh nghiệm công tác vài năm. Đấy là chưa kể doanh nghiệp chỉ tuyển lao động giản đơn cũng đòi hỏi bằng cấp, kỹ năng tiếng Anh cỡ B2 (chuẩn châu Âu). Để dư thừa hàng trăm nghìn người có trình độ như thế, vừa là nỗi đau, nỗi buồn không chỉ các bậc phụ huynh, các bạn trẻ mà cả xã hội.
Hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là một sự lãng phí lớn của xã hội. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Đã đến lúc ngay bản thân các bạn trẻ phải tự tìm cách thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?
CMCN 4.0 có tầm ảnh hưởng lớn nhất so với các cuộc cách mạng trước đó. Sẽ có nhiều nghề biến mất và nhiều nghề mới xuất hiện. Đơn cử, người ta thay thế việc quét dọn đường phố bằng máy tự quét và thu rác. Nhiều nước do thay đổi công nghệ, hàng ngàn người thất nghiệp, đặc biệt là những nghề lao động giản đơn có nguy cơ lớn nhất.
Lúc này, chẳng phải chỉ các bạn trẻ phải chịu khó học hành và nắm bắt xu thế của thời đại. Như lời của Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đồng thời là người đã ra mắt cuốn sách “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” nhận định: “Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Mối quan ngại của tôi là các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có thể sẽ giữ lối tư duy quá cổ hủ hoặc quá ám ảnh với việc các đột phá công nghệ sẽ thay đổi tương lai loài người như thế nào”.
Để tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi và nhu cầu của CMCN 4.0, các nền kinh tế thành viên APEC đang triển khai các bước hướng tới mục tiêu trao đổi 1 triệu sinh viên mỗi năm vào năm 2020. Các bước này bao gồm cấp học bổng, cung cấp các khóa đào tạo, khuyến khích phát triển mạng lưới doanh nhân nữ, đồng thời gia tăng đào tạo về dịch vụ tài chính, sử dụng Internet… Như vậy, có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để Việt Nam nói chung và mỗi bạn trẻ nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu.
Sự thay đổi của công nghệ trong kỷ nguyên số đòi hỏi giáo dục phải giúp người học thích nghi, sáng tạo để tránh bị đào thải. Câu hỏi được đặt ra là, xây dựng kỹ năng mềm cho sinh viên như ngoại ngữ, văn hóa công sở, kỹ năng làm việc nhóm đang là yêu cầu cấp thiết?
Một dây chuyền sản xuất để sản phẩm trở thành “phế phẩm” nhiều là dây chuyền không tốt. Có đến hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ không có công ăn việc làm là lỗi của ngành giáo dục và đào tạo. Trước hết đó là trách nhiệm của các trường đại học và cao đẳng. Nói như thế không phải các cơ sở đào tạo thiếu trách nhiệm với sinh viên và cựu sinh viên. Có lẽ, chính lãnh đạo các trường cần phải thay đổi phương thức đào tạo, cách thức quản lý, áp dụng mô hình quản trị đại học tiên tiến để nhanh chóng tạo cơ hội mới cho người học.
Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ trong thời đại CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi nhiều lĩnh vực và đời sống xã hội. Người ta tiên đoán năm 2020 sẽ có điện thoại tự động dịch thuật, những robot hiểu và làm theo ngôn ngữ giọng nói. Như vậy, nghề phiên dịch cabin cũng có thể không còn.
Do đó, việc cập nhật và thay đổi các chương trình, cách thức và lộ trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học, cao đẳng. Nét đặc thù của giáo dục hiện đại là hỗ trợ và phát huy được năng lực và sở trường của từng cá thể người học. Vì thế, không nên áp đặt cho họ một chương trình cứng nhắc.
Xin cảm ơn PGS. TS!
Sinh viên quốc tế ưa chuộng bằng đại học Trung Quốc Bằng đại học Trung Quốc ngày càng giúp sinh viên quốc tế có nhiều cơ hội việc làm hơn. |
Canada tăng thêm gần 77.000 việc làm Theo số liệu công bố ngày 9/6 của Cơ quan Thống kê Canada, thị trường việc làm của nước này đã ghi nhận một làn ... |
Lao động nữ giới - chìa khóa để Ấn Độ đạt mục tiêu tăng trưởng Ấn Độ cần phải thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong thị trường việc làm nếu muốn hiện thực hóa tham vọng đạt ... |