📞

Để tiếng Việt không còn cách trở

07:44 | 20/08/2017
Tại lễ khai giảng khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2017 ngày 14/8 ở Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ niềm vui khi việc học và dạy tiếng Việt được xây dựng thành một phong trào rộng lớn, song hành với tình yêu của bà con kiều bào dành cho quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc gìn giữ tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện rõ trong Nghị quyết 36 ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị cũng như Chương trình hành động của Chính phủ ngày 5/4/2016. Xin Thứ trưởng đánh giá những tiến bộ nổi bật trong công tác này?

Những năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NNVNVNONN) luôn coi trọng công tác xây dựng, củng cố, phát triển phong trào tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời góp phần phổ biến, truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Giờ lên lớp của các học viên (Ảnh: D.T)

Công tác này đã được triển khai cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Chúng tôi thấy tự hào vì đã làm được nhiều việc như tổ chức các lớp tập huấn, vận động và trợ giúp các lớp học, cung cấp sách giáo khoa... Đặc biệt, hai năm gần đây, chúng tôi cũng đã triển khai “phủ sóng” sách giáo khoa cơ bản ở những vùng còn nhiều khó khăn và mở rộng giáo trình online (trực tuyến). Bên cạnh đó, việc tập huấn cho các giáo viên kiều bào được thực hiện ở cả trong và ngoài nước.

Xác định được vai trò quan trọng “còn tiếng Việt còn người Việt”, cộng đồng NVNONN

74 tuổi vẫn muốn làm giáo viên

“Sau nhiều năm không đứng lớp, tôi rất vui lại được trở về với nghề giáo viên. Là học viên nhiều tuổi nhất tại khóa tập huấn năm nay, tôi thấy mừng vì Nhà nước và Chính phủ đã mở rộng mô hình tập huấn giúp những giáo viên có tâm huyết với việc gìn giữ tiếng Việt cho con em như chúng tôi có cơ hội thực hiện ước mơ lâu nay. Sinh sống xa xứ, điều chúng tôi thấy buồn là rất nhiều con em mình không nói được tiếng Việt và khó khăn nhất là dạy tiếng Việt. Chúng tôi phải dùng tiếng Thái thì các em mới hiểu. Dù đã 74 tuổi nhưng sau khóa học này, tôi vẫn muốn được thực hiện công việc giảng dạy tiếng Việt từ lớp vỡ lòng”

Cô giáo Đào Thị Hy từ Thái Lan.

luôn quan tâm gìn giữ tiếng Việt. Theo thống kê sơ bộ, tại Mỹ hiện có khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt; tại Thái Lan hiện có 39 lớp, tại Campuchia có 33 điểm trường, lớp; tại Lào có 13 trường và trung tâm. Tại Czech, Đức, Nga, Ukraine.. cũng duy trì hàng chục trung tâm. Qua đó, tiếng Việt tiếp tục được duy trì và là sợi dây gắn kết nội bộ cộng đồng cũng như với quê hương đất nước.

Theo Thứ trưởng, đâu là những khó khăn còn tồn tại cần phải tìm các biện pháp khắc phục trong thời gian tới?

Tôi cho rằng chúng ta đã giải quyết được khó khăn lớn nhất – đó là việc học và dạy tiếng Việt đã được xây dựng thành một phong trào rộng lớn, song hành với tình yêu của bà con kiều bào dành cho quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ. Đến nay, phong trào đã phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, để tổ chức được hiệu quả cần phải có trường lớp, thầy cô, sách giáo khoa và người học.

Về sách giáo khoa, chúng ta đang tăng cường cải thiện bằng nhiều cách để có thể mang sách tới tận tay người học. Về trường lớp, chúng ta đang rất thiếu,  nhưng luôn có tình yêu của những thầy cô tâm huyết. Khi đi công tác ở nước ngoài, tôi thấy vui vì có nhiều bà con đã nhường nhà riêng, nhiều nhà chùa, trung tâm tôn giáo đã dành không gian cho các lớp học tiếng Việt, như ở Thái Lan, Mỹ, châu Âu... Chúng ta mừng vì có những hội đoàn người Việt đã trở thành chỗ dựa tinh thần và vật chất của lớp học...

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam.

Với vấn đề giáo viên, những năm qua, các giáo viên từng tham dự các lớp tập huấn trong nước đã trở thành hạt nhân dìu dắt các thế hệ giáo viên tiếp theo. Có thể nói, chúng ta đã có lực lượng giáo viên cơ bản và sẽ tiếp tục xây dựng các lớp tập huấn trong thời gian tới để sát với từng địa bàn. Một khó khăn khác là chế độ thù lao cho giáo viên chưa có và hầu hết các giáo viên tình nguyện. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp trợ giúp các giáo viên ngoài nước.

Điều quan trọng là chúng ta phải duy trì việc học tiếng Việt được chăm lo từ nhiều phía và nhận được sự hỗ trợ từ trong và ngoài nước. Tôi tin rằng khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, nhất là khi các cơ quan, đoàn thể, các hội đoàn và mỗi cá nhân người Việt có sự liên kết chặt chẽ để xóa dần đi những cách trở.

Tiếng Việt là niềm vui và cảm hứng bất tận

“Đồng hành cùng các học viên của khóa học trong suốt 5 năm qua, Khoa Việt Nam học và tiếng Việt luôn có các giảng viên nhiệt tình và tâm huyết với việc giúp gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài. Các giảng viên của tôi cũng đã đến với nhiều địa bàn trên khắp thế giới để chia sẻ và trợ giúp cho các giáo viên kiều bào. Mỗi chuyến đi và những khóa tập huấn giúp chúng tôi nhận ra tiếng Việt là niềm trăn trở của bao phụ huynh và cũng là nhịp cầu gắn kết tình cảm của những người xa xứ. Việc duy trì tiếng Việt ở nước ngoài là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, các thầy cô sẽ phải đổ mồ hôi công sức nhiều lắm nhưng tiếng Việt vẫn là niềm vui và cảm hứng bất tận trong trái tim người Việt”.

PGS. TS Nguyễn Thiện Nam - Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả của các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt trong 5 năm qua?

Khóa tập huấn này được tổ chức nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang dạy tiếng Việt tại các cơ sở của cộng đồng. Qua 5 năm tổ chức, đã có 196 học viên được đào tạo nâng cao nghiệp vụ sư phạm giảng dạy tiếng Việt. Các học viên khi về nước đều trở thành nòng cốt, tích cực tham gia các lớp giảng dạy tiếng Việt ở địa bàn, như cô giáo Nguyễn Lan Hương, tham gia khóa tập huấn năm 2016, đã tích cực mở và trực tiếp giảng dạy cho con em kiều bào ta tại trường Sao Mai, trường “Đồng hồ Mặt trời” ở Berlin, cô Nguyễn Thị Xuân Oanh, giáo viên tiếng Việt tại Udon Thani, Thái Lan đã được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vì thành tích xuất sắc trong giảng dạy...

Lần thứ năm được tổ chức, khóa tập huấn năm nay đã thu hút tới 78 học viên, trong đó có những địa bàn có đông học viên tham gia nhất như Đài Loan (35 người), Thái Lan (12 người), đặc biệt lần đầu tiên có hai học viên về từ Nhật Bản. Thứ trưởng có nghĩ đó là hiệu ứng lan tỏa của phong trào?

Tôi rất vui vì số lượng học viên tăng lên qua từng năm. Điều đó cho thấy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng phát triển và phản ánh nhu cầu được đào tạo nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy của giáo viên kiều bào ngày càng tăng.

Được biết, năm nay có những thầy cô xuất sắc như cô Vũ Thị Tin đã có nhiều năm giảng dạy tình nguyện cho cộng đồng, hiện đang giảng dạy tại chùa Khánh An, tỉnh Udon Thani, Thái Lan, cô Hà Kim Chi – người nhiều năm qua luôn tích cực giảng dạy, mở lớp cho các con em người Việt tại thành phố Torino, các cô Thạch Thị Liên, Nguyễn Mai Thúy, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Xuân Hương vẫn kiên trì bám trường bám lớp trong điều kiện dạy và học tiếng Việt nhiều khó khăn ở Campuchia. Tôi tin rằng, sau khóa học, các học viên sẽ mang về những kiến thức, kinh nghiệm quý về dạy tiếng Việt để đóng góp cho phong trào dạy và học tiếng Việt tại địa bàn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mong có một lớp học cho con em người Việt

Tôi từng trợ giúp việc mở một lớp tiếng Việt ở một trường đại học của Italy nhưng rất tiếc đến nay, lớp học này không duy trì được vì tiếng Việt không có nhu cầu cao trong trường. Thời gian sau, tôi hợp tác với Trung tâm Việt Nam học và Lãnh sự quán Việt Nam ở Torino để mở lớp tiếng Việt, nhưng lại chủ yếu dành cho những người Italy có nhu cầu tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Có một thực trạng là nhu cầu học tiếng Việt ở Torino còn ít và tối thiểu phải có ba người mới mở được lớp. Hiện tại, tôi được biết, ở Italy vẫn chưa có lớp học chính thức nào cho con em người Việt, nhu cầu học chỉ là tự phát đến từ các em và gia đình. Đây là lần đầu tiên tôi được về tham dự tập huấn. Sau khóa học này, tôi rất muốn kết nối và mở được một lớp học ở Torino, bởi thành phố có Lãnh sự quán Việt Nam, có thư viện và một trung tâm nghiên cứu Việt Nam học. Đây chính là những cơ sở có thể làm chỗ dựa cho lớp học phát triển”. - Cô giáo Hà Kim Chi từ Italy

(ghi)