Đề xuất nâng lương khởi điểm đối với bác sĩ; dành phụ cấp ưu đãi mức cao nhất cho nhân viên y tế cơ sở. |
Đồng thời, nhân viên y tế tại y tế cơ sở hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề theo mức cao nhất đối với công chức, viên chức; bảo đảm chi thường xuyên, các hoạt động chuyên môn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ngày 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".
Huy động trên 236 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng.
Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng. Tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều; trong đó, riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác dưới nhiều hình thức, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.
Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.
Căn cứ tình hình dịch bệnh, trên cơ sở nhu cầu và đề xuất của các đơn vị, địa phương, nguồn tài trợ, viện trợ đã được phân bổ kịp thời cho các đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống dịch, các đơn vị tiếp nhận cơ bản đã thực hiện quản lý, sử dụng theo đúng quy định.
Củng cố cả về số lượng và chất lượng nhân lực y tế cơ sở
Về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, kết quả giám sát cho thấy, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. 100% huyện có Trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sĩ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.
Nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến; tuyến xã là 15,8%. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên; mức độ hài lòng của người dân đối với thái độ của nhân viên y tế cơ sở, chất lượng dịch vụ y tế cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu lên các tồn tại, hạn chế. Theo đó, hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch; mới chỉ có các phương án phòng, chống dịch theo tình trạng khẩn cấp mà chưa có phương án trong tình trạng cấp bách (chưa đến mức khẩn cấp).
Ngoài ra còn có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh.
Những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chậm chi trả chế độ hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch và chi hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp...
Chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở còn thấp
Việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng còn một số vướng mắc. Cụ thể, nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra.
Chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng, nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đáng chú ý, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng".
Qua rà soát các báo cáo, vẫn còn một số địa phương chi cho y tế dự phòng ở mức thấp, chưa đạt ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Vẫn còn khoảng 20% số trạm y tế xã vẫn chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới.
Xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp
Với mục tiêu tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát. Trong đó, cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phải hoàn thành trước 31/12/2023.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu tổng kết và trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới một số luật như: Luật về phòng bệnh; Sửa đổi Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp hoặc ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
Bên cạnh đó, xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó đối với các tình huống khẩn cấp, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm và công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phân bổ ngân sách, huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ trong tình trạng cấp bách gắn liền với các giải pháp phòng, chống tiêu cực; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống Covid-19 nói riêng và trong quá trình phòng, chống Covid-19 nói chung.
Bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở
Về y tế dự phòng, Đoàn giám sát kiến nghị kiện toàn và ổn định tổ chức hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; có chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, chú trọng nhân lực làm việc tại trạm y tế xã về y tế dự phòng.
Chính phủ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền các chính sách, chủ trương bảo đảm tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đến năm 2024, nâng mức lương khởi điểm lên bậc 2 trong hệ thống thang bảng lương theo quy định đối với bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế; nhân viên y tế tại y tế cơ sở hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề theo mức cao nhất đối với công chức, viên chức; bảo đảm chi thường xuyên, các hoạt động chuyên môn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đặc biệt, có chủ trương, chương trình, dự án đầu tư công để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, y tế dự phòng…
| ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Việc tạo ra các danh hiệu kệch cỡm làm rối loạn thị trường giải trí "Điều đáng lên án là việc tạo ra các danh hiệu kệch cỡm, không phù hợp, không xứng đáng. Bởi điều này khiến cho xã ... |
| GS. Hà Vĩnh Thọ: Trường học hạnh phúc nên chú trọng các giá trị đạo đức Điều quan trọng giáo viên phải hiểu rằng, hạnh phúc của họ đi liền với hạnh phúc của người khác, của xã hội và lợi ... |
| Làm gì để kiểm chứng mức độ hiệu quả và hữu ích của buổi dã ngoại? TS. Vũ Thu Hương băn khoăn, làm cách gì để kiểm chứng mức độ hiệu quả và hữu ích của buổi dã ngoại đến giá ... |
| Cần những hoạt động dã ngoại mang tính giáo dục cao, để không 'cưỡi ngựa xem hoa' Không phải ngẫu nhiên, câu chuyện học sinh đi dã ngoại lại trở thành đề tài nóng, nhận được nhiều sự quan tâm như hiện ... |
| Lịch nghỉ lễ 30/4 và giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 của học sinh Hà Nội Sở GD&ĐT Hà Nội vừa thông tin lịch nghỉ dịp lễ 30/4 - 1/5 và giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 của các đơn vị, ... |