Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, không để gián đoạn các chính sách LĐ-TB&XH mà phải làm tốt hơn. (Nguồn: VGP) |
Nhiều dấu ấn trong chính sách xã hội
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhận định, làm công tác chăm sóc người có công là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tâm thế tri ân, nghĩa tình của dân tộc việt Nam. Làm về thị trường lao động, đào tạo nghề là thực hiện phần việc quan trọng như đúc kết của cha ông “nghệ phải tinh”.
Ngành LĐ-TB&XH cũng hết sức cố gắng trong việc xây dựng thị trường và quan hệ lao động hài hòa, vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam vừa tiệm cận với thông lệ quốc tế. Xây dựng được chính sách tiền lương tối thiểu là phần việc mang ý nghĩa rất quan trọng, ghi nhận bước phát triển vượt bậc của thị trường lao động Việt Nam. Những kết quả đạt được hiện nay là cả một quá trình mà những con số kết quả của năm 2024 chỉ thể hiện được một phần. Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của ngành trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của Bộ LĐ-TB&XH.
“Chúng ta phải bảo đảm làm sao tiền lương tối thiểu, chính sách lao động việc làm không phân biệt đối xử để hàng hoá bán được ra thị trường nước ngoài”, Phó Thủ tướng nêu yêu cầu.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhất trí những việc ngành LĐ-TB&XH đã làm, đánh giá cao các kết quả, thành tích ngành đã làm trong thời gian dài, đặc biệt trong năm 2024.
Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng nhấn mạnh có 3 sự kiện phải làm cùng lúc, đó là sắp xếp, tổ chức bộ máy; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; duy trì, tăng trưởng kinh tế trên 7% tạo đà cho những năm sau.
Ngoài ra, tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực Bộ LĐ-TB&XH đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn phục vụ nhu cầu của đất nước.
“Với tinh thần như vậy, đề nghị mỗi cán bộ của ngành nghiêm túc chấp hành việc bố trí. Vì các chính sách đã và đang làm, đặc biệt thành tựu ngành làm được cho đến bây giờ, đó là sự phát triển tiệm cận và càng ngày càng nâng lên tầm cao mới. Chúng ta cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại để không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Nói về những thay đổi, đóng góp của ngành trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, Bộ LĐ-TB&XH tự hào về những dấu ấn tạo lập được trên hành trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội của Việt Nam. Những kết quả này không chỉ lãnh đạo Nhà nước, người dân ghi nhận mà còn giúp Việt Nam trở thành một điển hình ấn tượng với cả thế giới.
Theo Bộ trưởng, những công việc mà ngành đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt những vấn đề mang tính thể chế. Những chính sách mà ngành đã tham mưu đặt nền móng cho đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặc biệt là Nghị quyết 42 về tầm nhìn của chính sách xã hội, chuyển từ “ổn định và đảm bảo” sang “ổn định và phát triển”.
Bộ trưởng khẳng định niềm tự hào vì nhiều thành tựu của ngành không chỉ được Việt Nam, mà cộng đồng quốc tế ghi nhận, như các lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước nhận xét, những vấn đề văn bản của ngành có tính chất dấu ấn lịch sử, mở ra một thời kỳ mới cho phát triển chính sách xã hội của Việt Nam.
Tháng 10, hội nghị G7 họp, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Việt Nam là lãnh đạo duy nhất trong số các nước châu Á được mời dự, báo cáo về công tác chăm sóc người yếu thế. Hội nghị G20 tại Brazil vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là nhà lãnh đạo được mời để chia sẻ kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo như một điển hình thành công của thế giới.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long. (Ảnh: Đức Tuân) |
Thu nhập tăng, đời sống của người lao động có sự cải thiện
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong lĩnh vực xã hội, lao động - việc làm năm 2024, ngành đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Về các nhiệm vụ cụ thể, ngành LĐ-TB&XH trong năm qua cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ LĐ-TB&XH, nhìn chung đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội; làm cơ sở, tạo nền tảng pháp lý cho thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhìn chung đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội; làm cơ sở, tạo nền tảng pháp lý cho thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Có thể thấy, tình hình lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, ước thực hiện năm 2024 đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 11/2024, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 15,8 triệu người, chiếm khoảng 33% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng trên 2,5 triệu người so với năm 2020.
Đặc biệt, các chính sách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp được thực hiện tốt. Điều này thể hiện ở các cơ chế, chính sách về lao động, tiền lương trong năm 2024 tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện.
Trong đó tập trung vào thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách tiền lương trong doanh nghiệp như điều chỉnh mức lương tối thiểu (tăng bình quân 6%), xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đáng chú ý, tiền lương, thu nhập tăng (năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020), đời sống của người lao động có sự cải thiện.
Trong những dấu ấn nổi bật, không thể không kể đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chất lượng được nâng cao, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Đến hết năm 2024 đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.066.632 người có công với cách mạng với kinh phí khoảng hơn 23.000 tỷ đồng. Nhiều hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công người có công với cách mạng và thân nhân diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả trên cả nước.
Cũng theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp cho các đối tượng; Bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh; Bình đẳng giới đạt nhiều kết quả tích cực; Công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế cũng có nhiều bứt phá, đó là luôn chủ động, tích cực hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế, tiếp tục triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tích cực, chủ động tham gia và thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực, phối hợp tốt với các Bộ thể hiện vai trò tiên phong của Việt Nam trong công tác giảm nghèo, bình đẳng giới qua việc đăng ký Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong tham gia Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, tham gia Hội đồng chấp hành UNWomen. Qua đó, góp phần củng cố, mở rộng và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội.
Với những kết quả nổi bật trên trong năm 2024 và cả giai đoạn 2000-2024, đã thực sự tạo đà thuận lợi cho phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo.
| Tinh gọn bộ máy: Tăng về chất, 'giữ chân' người tài Tinh gọn bộ máy không chỉ là việc giảm thiểu số lượng cán bộ, công chức hay cắt giảm bộ phận, mà là một cuộc ... |
| Tinh gọn bộ máy: 'Chìa khóa' để đất nước bứt phá, vươn mình trong kỷ nguyên mới Việc Đảng tự cải tiến mình, tinh gọn bộ máy và hệ thống chính trị của mình, tự đổi mới, chính là sự nêu gương ... |
| Vụ phóng hỏa đốt quán cà phê đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cướp đi mạng sống của 11 con người ... |
| TP. Hồ Chí Minh: Giáo viên trường tư có thể nhận thưởng Tết Nguyên đán lên tới 40 triệu đồng Lãnh đạo một trường tư thục ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất của trường là 40 triệu ... |