Các nhạc công trong band nhạc ở Khua Lao. (Ảnh: Hoàng Phúc) |
Đến phố ẩm thực Tống Duy Tân (Hà Nội) sẽ dễ thấy ngay nhà hàng Khua Lao bởi phong cách đặc biệt của nó. Với tông màu nâu vàng truyền thống làm chủ đạo, nhà hàng tái hiện ấn tượng hình ảnh That Luang-Tháp vàng nổi ngay mặt tiền-bên cạnh biển hiệu Khua Lao nổi bật giữa những cánh hoa Champa-quốc hoa Lào lung linh.
Nơi gặp gỡ thấm đẫm văn hóa Lào
Rảo bước trong không gian đậm đà bản sắc văn hóa Lào, tôi vừa cảm nhận chất giọng nam cao và phần bè của nam trầm. Phải là những người có âm vực rộng mới có thể thể hiện nhạc phẩm trọn vẹn đến vậy.
Đợi dứt bài, tôi mới tiến đến trò chuyện và vô cùng ngạc nhiên khi biết cả hai anh chàng vừa cầm micro thả hồn trên sân khấu là người Lào. Nếu không nghe kỹ, thì không thể biết được đó là người nước ngoài, bởi từ cách phát âm đến chất giọng và kỹ thuật hát đều chuẩn ca sĩ Việt. Tôi chia sẻ, ở Việt Nam, rất ít nam ca sĩ chọn hát bài này, đa phần là nữ hát, vì vậy tôi rất ngạc nhiên và thích thú khi nghe nam ca sĩ người Lào hát bài này.
Để lại chiếc micro trên sân khẩu, một trong hai anh chàng tiến đến phía tôi, chìa tay làm quen và tự giới thiệu: “Tôi là ca sĩ bất đắc dĩ kiêm chủ quán Khua Lao. Tên tôi là Phoumphithath Oupaseuth, còn tên tiếng Việt là Hoàng Duy Phúc. Cứ gọi tôi là Phúc”. Quay sang người song ca với mình, anh nói: “Đây mới là ca sĩ “xịn” - tên Poukky. Đảm nhiệm hai guitar, một bass, một solist là Saly và Koung, còn tay trống điêu luyện là Babbo. Với cách nói chuyện rất Việt và sự nhiệt tình của chủ quán, khiến tôi ngay lập tức cảm thầy gần gũi, thân thiện.
Thấy bên cạnh tôi còn chỗ trống, một vị khách Tây Âu tới ngồi cạnh và hỏi mượn tờ thực đơn. Tôi đưa cho anh và cũng tiện miệng giới thiệu một vài món như mỳ Italy, salad rau… nhưng anh cảm ơn và nói “tôi thích món Lạp” (món truyền thống đặc trưng của Lào). Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì anh nói luôn: “Tôi vừa đi du lịch bên Lào hai tuần, rất ấn tượng với món Lạp. Tôi sẽ tham quan Việt Nam hai tuần rồi tới Campuchia và trở lại Thụy Điển”.
Ban nhạc Lào chơi nhạc ở Khua Lao vào các tối thứ sáu và tối thứ bảy hàng tuần. Anh Phúc chia sẻ, mình muốn mọi người nghe những bài hát Lào và ăn những món ăn Lào cho bớt nỗi nhớ nhà.
Mọi người đã đến đây đều cảm thấy vui vẻ, ấm áp. Điều đó thể hiện trên những gương mặt hớn hở, những cuộc trò chuyện, giao lưu rôm rả. Chủ quán tâm niệm, đã vào đến nhà hàng thì đều là thành viên gia đình và có bếp Lào-Khua Lao phục vụ.
Khua Lao trở thành điểm hẹn của những người yêu văn hóa Lào, rồi cũng tình cờ trở thành nơi giao duyên khi nhiều cặp đôi đã làm quen tại đây rồi sau đó nên vợ, nên chồng. Có những gia đình Lào – Việt tuần nào cũng cùng nhau đến nhà hàng. Vợ anh Phúc cũng là người Việt – một cô giáo rất giỏi tiếng Lào, nhưng hiện phải tạm dừng việc giảng dạy để lui về quản lý nhà hàng Khua Lao ở Chùa Láng và chăm sóc con nhỏ.
Cũng nhờ Khua Lao mà anh Phúc cũng quen biết nhiều người làm ở Bộ Ngoại giao Việt Nam hay Đại sứ quán Lào, Campuchia ở Hà Nội. Thỉnh thoảng anh cũng nhận làm phiên dịch trong các sự kiện ngoại giao Lào-Việt. Các đối tác quốc tế liên quan đến Lào tại Hà Nội cũng thường đến Khua Lao gặp gỡ và bàn bạc công việc. Anh Phúc chia sẻ: “Tôi thấy rất tự hào vì Khua Lao đã góp phần quảng bá văn hóa quê hương giữa lòng Hà Nội”.
Tác giả đang trao đổi với chủ nhà hàng Khua Lao Phoumphithath Oupaseuth Hoàng Duy Phúc. (Ảnh: Nguyễn Cường) |
Đặc sắc ẩm thực Lào
Được anh Phúc mời mục sở thị khu bếp của nhà hàng, tôi mới biết nhà hàng có ba đầu bếp. Một đầu bếp đứng tuổi - là bếp chính, phụ trách các món truyền thống. Vì những người đến đây thường là người Lào học tập và làm việc ở Việt Nam, hoặc những người Việt Nam ở Lào về nước, họ muốn thưởng thức những món ăn một thời kỷ niệm như các món Lạp, xôi, canh cá…
Một đầu bếp trẻ hơn phụ trách chế biến các món ăn Lào mới như set cơm, thịt nướng... Hàng năm có khoảng 1.500 du học sinh Lào sang Việt Nam, đa phần họ đều thích các món mới, món nhanh, chỉ thỉnh thoảng mới lựa chọn những món ăn truyền thống…. Và đầu bếp còn lại sẽ phụ trách quảng bá những “món bản sắc” - 40 món nộm của Lào. Nếu có thời gian, chủ quán cũng sẽ sắn tay áo tham gia chế biến những món nộm đặc trưng này.
Hiện nay, Khua Lao có hai cơ sở là ở Chùa Láng và Tống Duy Tân. Ở Chùa Láng, thực khách chủ yếu là sinh viên Lào nên thực đơn chính là 40 món nộm. Sau một thời gian Khua Lao hoạt động hiệu quả, vợ chồng anh quyết định mở thêm ở Tống Duy Tân, với sự đầu tư bài bản và thực đơn cũng phong phú hơn.
Vốn là người yêu ẩm thực, ban đầu Phúc tự làm các món ăn Lào và bán online. Đến khi được mọi người khuyến khích mở nhà hàng, anh mạnh dạn triển khai, không ngờ được hưởng ứng, chia sẻ, thực khách đến với bếp Lào ở Chùa Láng của anh dần đông lên. Được đà, Phúc lại dấn thêm một bước với ước mong mở được điểm bếp Lào ở phố ẩm thực Tống Duy Tân để mọi người dân Lào đến Việt Nam đều dễ thấy.
Thế nhưng, kiếm được cửa hàng cho thuê ở Tống Duy Tân đã khó, giá thuê còn nan giải hơn nhiều. Nhưng, nhờ sự quyết tâm, cuối cùng vợ chồng anh Phúc cũng tìm được một địa điểm hợp lý để khai trương cơ sở thứ hai.
Các món nộm của nhà hàng Khua Lao. (Ảnh: Hoàng Phúc) |
Thực đơn ở đây phong phú hơn, đáp ứng yêu cầu của cả các thực khách Lào - Việt khó tính nhất. Bên cạnh đó, anh Phúc rất quan tâm đến khẩu vị của khách ở các miền ở Việt Nam. Chẳng hạn, khách miền Nam thì sở thích khá giống người Lào là đậm đà và ngòn ngọt. Khách miền Trung thì thích món ăn mặn hơn một chút, còn người Bắc thì ăn nhạt hơn. “Có một điều mình thấy dù quán ở Bắc nhưng lại rất nhiều người Nam vào ăn. Bởi có rất nhiều du khách miền Nam ra Bắc du lịch và họ thường đến phố ẩm thực và ăn đêm”, anh cho biết.
Chủ quán Khua Lao trầm ngâm nhớ lại: “Tôi đến làm việc và sinh sống ở Việt Nam đến nay đã tám năm và lập gia đình với cô gái quê Đà Lạt. Hai vợ chồng đều là giảng viên. Vì đại dịch Covid-19 đưa đẩy mà chúng tôi cùng chuyển hướng sang kinh doanh ẩm thực Lào và may mắn hoạt động khá tốt”. Hiện nay, những công việc liên quan đến các thủ tục hành chính đã có vợ và chị chủ nhà tốt bụng lo, còn nguồn nguyên liệu chuẩn Lào thì có hai anh bạn thân ở Sơn La đảm nhiệm. Chính vì vậy, anh Phúc phần nào yên tâm khi nghĩ đến cơ sở thứ ba cho Khua Lao.
Càng về tối, khu ẩm thực càng đông vui. Khi hương vị bia Lào mềm môi, chúng tôi cùng nhau cất cao câu hát:
Hà Nội-Vientiane bút rạ cao bay
Tiếng đàn bầu ngân vang hòa với tiếng khèn
Mối tình ta vững bền
Bao đời nay vẫn đẹp tươi thắm
Sáng hơn trăng Rằm.
Vâng đêm nay chúng tôi không ai nói với ai nhưng trong lòng đều cảm thấy, trăng hôm nay dường như còn sáng hơn siêu trăng hôm trước.
| Một số điều cần lưu ý khi giao tiếp với người Lào Văn hóa, đời sống của người Lào ảnh hưởng nhiều của Phật giáo. Chính vì vậy, khi giao tiếp với người Lào, cần lưu ý ... |
| Báo du lịch Canada: Vịnh Hạ Long - top 5 điểm đến đẹp nhất thế giới 2022 Trang du lịch The Travel của Canada đưa Vịnh Hạ Long vào danh sách những điểm đến đẹp nhất năm 2022, đứng thứ 5. |
| Giao lưu văn hóa thiếu nhi ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia năm 2022 Tối 13/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình giao lưu văn hóa ... |
| Đại sứ quán Việt Nam, Lào tại Trung Quốc giao lưu hữu nghị Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh, củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt với Lào là ưu tiên hàng đầu trong chính ... |
| Khai mạc triển lãm ảnh và trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa Hà Nội-Vientiane Sáng 10/8, UBND thành phố Hà Nội long trọng tổ chức khai mạc triển lãm ảnh và trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa ... |