📞

Đến lúc Canada muốn làm lành với Trung Quốc?

07:24 | 08/01/2019
Trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây với CTV, cựu Ngoại trưởng Canada Peter MacKay cho rằng, các quan chức cấp cao của Canada, kể cả Thủ tướng Justin Trudeau, cần đứng ra “dàn xếp” với Trung Quốc về những bất đồng đang leo thang hiện nay liên quan tới ít nhất hai vụ bắt giữ công dân Canada.

Cần sớm đưa quan hệ trở về “mức chuẩn”

Mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc rơi vào tình trạng căng thẳng kể từ khi Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), bị Canada bắt giữ tại Vancouver ngày 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Sau đó, liên tục 13 công dân Canada đã bị bắt giữ tại Trung Quốc. Bộ Các vấn đề quốc tế (GAC) của Canada xác nhận, ít nhất 8 người trong số 13 người nói trên đã được trả tự do.

Giám đốc Tài chính Tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vạn Châu được thả tại ngoại ở Vancouver, Canada. (Nguồn: AP)

Tính tới thời điểm hiện nay, chỉ có ba vụ bắt giữ các công dân Canada - gồm cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig, doanh nhân Michael Spavor và giáo viên Sarah McIver tại Trung Quốc được công khai. Công dân McIver, dạy tiếng Anh tại Trung Quốc, bị Bắc Kinh bắt giữ trong tháng 12/2018, là một trong số 8 người đã được trả tự do. Hai công dân Michael Kovrig và Michael Spavor bị  Bắc Kinh cáo buộc "tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc".

Tuy nhiên, các nhà quan sát tin rằng hai vụ bắt giữ này của Bắc Kinh là nhằm trả đũa vụ bắt giữ CFO của Huawei, người đang phải đối mặt với lệnh dẫn độ sang Mỹ.   Theo ông MacKay, việc làm dịu tình trạng căng thẳng hiện nay trong quan hệ song phương không chỉ giúp giảm rủi ro đối với các công dân Canada, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế “xứ sở lá phong”. Ông MacKay khuyến nghị Canada cần đưa mối quan hệ trở về “mức chuẩn” đối với một đối tác thương mại lớn và quan trọng như Trung Quốc.     Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, chỉ sau Mỹ. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng 1-10/2018, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 345,2 tỷ NDT (49,65 tỷ USD). 

Tách biệt chính trị với các vấn đề khác

“Người khổng lồ châu Á” này là một trong những khách hàng mua nhiều nông sản nhất của Canada, đồng thời là một thị trường đang tăng trưởng đối với các ngân hàng, các hãng bảo hiểm và các nhà sản xuất đồ xa xỉ phẩm của “xứ sở lá phong”.

Trung Quốc đứng thứ hai trong danh sách các nước mua nhiều sản phẩm gỗ mềm của Canada. Trước khi xảy ra vụ CFO của Huawei bị bắt, các doanh nghiệp Canada từng đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc, do Canada vẫn chưa giải quyết được xung đột với Mỹ trong lĩnh vực gỗ mềm. Do đó "tiềm lực" để Bắc Kinh gây phương hại cho kinh tế Canada là rất lớn.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, chỉ sau Mỹ. (Nguồn: Canadian government)

Victoria Pelletier thuộc Công ty dịch vụ toàn cầu IBM cho biết: "Điều đó đã đặt chúng ta vào một tình huống khủng khiếp... Các bước tiếp theo là rất, rất quan trọng. Chúng ta cần tách biệt chính trị xung quanh các yêu cầu dẫn độ pháp lý và tình huống chính trị xung quanh thương mại vốn có thể tác động lớn đến nền kinh tế Canada".

Hoạt động thương mại đã bị ảnh hưởng khi British Columbia- tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất từ mối quan hệ không suôn sẻ với Trung Quốc - tuyên bố hồi tháng trước rằng, Chính quyền sẽ ngừng hoạt động thương mại dự kiến sang Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh tiếp tục trừng phạt Canada, một lựa chọn là ngừng các cuộc thương lượng về thỏa thuận tự do thương mại với Trung Quốc, đặc biệt nếu Bắc Kinh tiếp tục bắt giữ công dân Canada. "Chúng ta phải làm rõ rằng những hành vi không hợp pháp như vậy phải bị trả giá", nhà bình luận Andrew Coyne của Canada nhấn mạnh.

Canada đang thăm dò khả năng tiến tới một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng ông MacKay cảnh báo, những tham vọng này của Ottawa cần phải gác lại ở thời điểm hiện nay. Trước đó, triển vọng cải thiện quan hệ song phương có vẻ khả thi khi hồi giữa tháng 11/2018, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế của Canada Jim Carr tới Bắc Kinh với hy vọng đạt được các thỏa thuận trên từng lĩnh vực cụ thể. 

Đáng chú ý, một nhóm nghị sĩ Canada đã tới Trung Quốc để thảo luận với các đối tác Trung Quốc về các lĩnh vực như thương mại, du lịch, y tế và giáo dục. Trước đó, một số nhà quan sát cho rằng, chuyến công tác này của đoàn Quốc hội Canada là để vận động Bắc Kinh trả tự do cho cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Global News, Thượng nghị sĩ đảng Tự do Joseph Day, người dẫn đầu đoàn công tác này cho biết, vụ bắt giữ hai công dân Canada trên không nằm trong chương trình nghị sự để thảo luận với giới chức Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Joseph Day khẳng định, mặc dù Canada và Trung Quốc có thể có quan điểm khác nhau về thượng tôn pháp luật, nhưng cả hai bên cần tìm ra điểm tương đồng về một số vấn đề cơ bản.

Còn ông McKay cho rằng, không có nhiều hy vọng về khả năng chuyến công tác này của đoàn nghị sỹ Canada sẽ giúp tăng cường giao lưu nhân dân hay làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại song phương.

Đặc biệt, vị cựu Ngoại trưởng cũng khuyến nghị Canada nên theo gót Mỹ và cảnh báo người dân khi tới Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã ban hành khuyến cáo đi lại mới, theo đó cảnh báo các công dân nước này tới Trung Quốc cần tăng cường cảnh giác.

(theo CTV, TTXVN)