Sức hút Việt Nam
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,4 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,02 tỷ USD.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tác giả bài viết. (Ảnh: NVCC) |
Các số liệu trên cho thấy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, đặt niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh tại đất nước này và tiếp tục mở rộng đầu tư.
Không chỉ thế, có thể dễ dàng thể nhận thấy, sự thành công của Việt Nam trong thu hút vốn FDI thời gian qua còn nhờ vào một số yếu tố khác.
Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về vấn đề ổn định chính trị-xã hội. Đây là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Sự ổn định chính trị - xã hội ở Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất.
Thứ hai, trong những năm gần đây, chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được nâng cao do Chính phủ chú trọng đầu tư vào giáo dục công. Người lao động được bồi dưỡng về văn hóa, đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn. Điều này đã góp phần tăng năng suất lao động của Việt Nam và đây cũng là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn FDI.
Thứ ba, Việt Nam sở hữu “bản đồ” hiệp định thương mại (FTA) vô cùng phong phú. Việc tích cực đàm phàn, ký kết FTA trong thời gian qua đã giúp Việt Nam nâng tầm quan hệ kinh tế, thương mại với các nước. Từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quan tâm, chú ý nhiền hơn đến thị trường Việt Nam.
Thứ tư, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề hoàn thiện khung pháp lý, tạo mọi điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư. Đơn cử như Luật Đầu tư tại Việt Nam sửa đổi chủ yếu nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI.
Thứ năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao, dù phải ứng phó với vô vàn khó khăn như dịch bệnh và tình hình thế giới bất ổn. Ngành sản xuất ở tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, tạo đà cho các doanh nghiệp lớn dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Đầu tư xanh là cơ hội cho nhà đầu tư FDI. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Khai phá trọn vẹn tiềm năng
Dù vậy, Việt Nam vẫn còn những tiềm năng cần được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đúng mức.
Về tiềm năng đã được khai phá, trong các ngành sản xuất, chế biến chế tạo, sử dụng thâm dụng lao động, nhà đầu tư nước ngoài nên chuyển dần sang các thang giá trị cao hơn, với hàm lượng công nghệ và giá trị đầu vào nhiều hơn. Bởi dư địa của các lĩnh vực ra công lắp ráp đã hết, các khuyến khích và lợi thế truyền thống cũng hạn chế, trong khi trình độ lao động của Việt Nam sẽ nâng dần.
Với mức độ trưởng thành của lực lượng lao động, Chính phủ Việt Nam đang đánh giá lại và sẽ tập trung ưu tiên các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ dẫn dắt; có sử dụng đầu vào nhiều từ các doanh nghiệp nội địa; có chuyển giao công nghệ, phát triển khoa học công nghệ cho khu vực trong nước để thích ứng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Việt Nam đang tái cấu trúc các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ theo hướng bền vững, xanh. Đây là lợi thế của các nhà đầu tư FDI có trình độ, vốn và có thị trường đầu ra tại các nước phát triển. |
Trong các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh doanh (logistic, bảo hiểm, tài chính) và khai thác thị trường tiêu dùng trong nước: Với tiềm năng với dân số gần 100 triệu, chưa kể cộng đồng chung khối ASEAN, đây là lĩnh vực còn chưa thực sự phát triển ở Việt Nam, chưa cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tái cấu trúc các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ theo hướng bền vững, xanh. Đây là lợi thế của các nhà đầu tư FDI có trình độ, vốn và có thị trường đầu ra tại các nước phát triển. Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu này.
Về tiềm năng chưa được khai phá, trong khu vực công nghiệp chế biến thực phẩm: Việt Nam là nước nông nghiệp, với nhiều sản phẩm xuất khẩu thô, chưa qua chế biến sâu. Vì vậy, doanh nghiệp FDI có thể đầu tư vào khâu chế biến các sản phẩm này. Hiện tại, lĩnh vực sản xuất thực phẩm chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, với năng suất và chất lượng còn thấp.
Trong khu vực dịch vụ, du lịch văn hóa: Du lịch cảnh quan thiên nhiên mang đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp FDI. Nếu làm bài bản, phát triển phân khúc cao cấp, kết hợp với các dịch vụ du lịch, hội nghị, hỗ trợ kinh doanh (như mô hình tại Singapore)... thì doanh nghiệp sẽ gặt hái được thắng lợi lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp FDI nên “để mắt” đến khu vực công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản phẩm số khai thác khả năng ứng dụng toán và công nghệ thông tin. Bản thân thị trường Việt Nam và ASEAN đã sở hữu tiềm năng vô cùng lớn trong các lĩnh vực kinh tế số. Sự thành công chiếm lĩnh thị phần của Grap, Ladaza, Sendo... là những ví dụ cho thấy tiềm năng này.