Máy bay phản lực F-16 là loại vũ khí Ukraine đang rất cần để thực hiện các chiến lược đối phó với Nga. (Nguồn: National Interest) |
Vấn đề chỉ là thời gian
Sau nhiều tháng Ukraine tích cực vận động hành lang, Mỹ ngày 19/5 đã bật đèn xanh cho các phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, làm dấy lên hy vọng
Tuy nhiên, đừng mong sớm thấy F-16 trên bầu trời Ukraine. Các đồng minh cần thêm thời gian. Hiện tại, một số ứng viên hàng đầu cung cấp máy bay chiến đấu do Mỹ phát triển - bao gồm Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch - chỉ cam kết giúp đào tạo phi công Ukraine mà không hứa hẹn gì thêm.
Tin liên quan |
Thượng đỉnh G7 ra tuyên bố chung về Ukraine, Tổng thống Zelensky sẽ trực tiếp đến tham gia Hội nghị? |
Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra nói với các phóng viên tại Brussels ngày 22/5: “Lúc này, hãy đảm bảo rằng chúng ta đang tận dụng tối đa các hoạt động đào tạo. Tương lai sẽ ra sao, vẫn còn phải chờ xem”.
Một số quốc gia như Bỉ thậm chí đã tuyên bố thẳng thắn rằng họ không có F-16 dự phòng để cung cấp cho Ukraine.
Tuy nhiên, kịch bản này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần khi các đồng minh phương Tây dần nâng cấp loại vũ khí mà họ chuyển giao cho Ukraine.
Lúc đầu còn có sự do dự, nhưng sau đó, một cường quốc - thường là Mỹ - sẽ thực hiện bước đầu tiên, tiếp theo là liên minh gồm các quốc gia châu Âu gần như cùng lúc noi gương Mỹ.
Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: “Đây là một dấu hiệu cho thấy cách Mỹ đã hỗ trợ trong từng giai đoạn cho Ukraine”.
Hiện tại, không quốc gia nào sẵn sàng gửi máy bay phản lực đầu tiên cho Ukraine. Điều đó có thể dễ dàng thay đổi theo thời gian. Ben Hodges, cựu Tướng chỉ huy Quân đội Mỹ tại châu Âu, cho rằng “việc chuyển giao F-16 thực sự sẽ tạo ra sự khác biệt”.
Những chiếc máy bay phản lực hiện ở đâu?
Sự chậm chạm trong việc ra quyết định có chuyển giao máy bay phản lực cho Ukraine hay không liên quan đến những cân nhắc cả về chính trị và kỹ thuật.
Rất ít quốc gia dư thừa F-16 và những cỗ máy hiện đại đòi hỏi quy trình đào tạo và dịch vụ hậu cần đáng kể.
Mỹ cũng phải ủy quyền cho các quốc gia khác tái xuất loại máy bay này. Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, cho biết: “Hà Lan đang được coi là ứng viên đầu tiên có thể cung cấp máy bay chiến đấu này”.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết nước này hiện có 24 chiếc F-16 đang hoạt động, “có thể triển khai hoạt động” và “sẽ tiếp tục được sử dụng cho đến giữa năm 2024. Sau đó, chúng sẽ sẵn sàng cho một điểm đến khác”. Ngoài ra, Hà Lan cũng có 18 chiếc F-16 “không còn được sử dụng” và “cũng có thể được cung cấp cho một điểm đến khác”.
Người phát ngôn trên lưu ý rằng 12 trong số 18 chiếc F-16 này ban đầu dự kiến được chuyển giao cho một công ty tư nhân, nhưng việc này đã bị trì hoãn.
Về phần Mỹ, có thể dự đoán rằng “cha đẻ” của F-16 vẫn duy trì phi đội F-16 khổng lồ của họ. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu có khả năng Mỹ sẽ cung cấp máy bay này cho Ukraine hay không, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall đã đáp rằng: “Tôi không biết. Ý tôi là, tôi nghĩ có một số khả năng”.
Bên cạnh đó, Anh đã tích cực ủng hộ thành lập một “liên minh máy bay phản lực” của phương Tây. Nhưng bản thân nước này lại không có chiếc F-16 nào để “tặng” cho Ukraine.
Một số quốc gia khác cũng đã phát đi tín hiệu rằng họ chỉ sẵn sàng cho việc đào tạo phi công.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuần trước cho biết nước này sẽ không bàn giao những máy bay phản lực hiện đại nhất của họ. Nước này hiện sở hữu phi đội gồm 48 chiếc F-16.
Mỹ giúp nhưng không thể "ngày một ngày hai"
Washington đã cho thấy rằng mặc dù họ hiện đang hỗ trợ Ukraine tiếp cận F-16, mục tiêu của quyết định này là giúp Kiev trong dài hạn - và sẽ không có tác động ngay lập tức trên chiến trường.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Kendall ngày 22/5 cho biết: “Sẽ mất vài tháng để Ukraine có thể nhận được máy bay chiến đấu F-16 và có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Nó sẽ giúp Ukraine tăng cường khả năng chiến đấu, nhưng đó sẽ không phải là một yếu tố thay đổi cuộc chơi”.
Hiện các đồng minh đang xúc tiến kế hoạch đào tào tạo cho phi công Ukraine.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz (quốc gia không có F-16) ngày 22/5 cho biết Berlin và Washington đang “phối hợp chặt chẽ” trong vấn đề này, nhưng nhấn mạnh rằng chương trình đào tạo sẽ phải “mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm, tùy thuộc vào kinh nghiệm của các phi công”.
Người phát ngôn cũng cho biết các căn cứ không quân Spangdahlem và Ramstein ở Đức có thể là địa điểm khả thi cho việc đào tạo. Người phát ngôn từ chối bình luận về những hỗ trợ cụ thể mà Berlin có thể cung cấp.
Ukraine và lời cam kết
Mặc dù trước đó có những lo ngại rằng việc phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu tiên tiến cho Ukraine có thể làm leo thang xung đột, các quan chức dường như đã gạt bỏ những lo ngại đó.
Theo một nhà ngoại giao châu Âu, Ukraine có thể sử dụng F-16 theo nhiều cách khác nhau, như giám sát và bảo vệ không phận, đồng thời cam kết không tiến hành bất kỳ chiến dịch ném bom nào trên lãnh thổ Nga.
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã nhận được “sự đảm bảo chắc chắn” từ người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng các máy bay phản lực sẽ không được sử dụng trên lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng “họ có thể sử dụng máy bay này ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Ukraine nơi có lực lượng chiếm đóng của Nga”.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo rằng các nước phương Tây nếu bàn giao F-16 cho Ukraine sẽ phải gánh chịu “những rủi ro lớn”. Đó là một thông điệp mà Moscow đã đưa ra cho mỗi giai đoạn hỗ trợ mới của phương Tây.
Theo nhà ngoại giao châu Âu, Mỹ có thể cân nhắc một cách nghiêm túc ý tưởng bàn giao F-16 cho Ukraine nếu Kiev không đạt được kết quả đáng kể trong cuộc tấn công sắp tới hoặc nếu phương Tây thấy họ không thể cung cấp cho Ukraine các nhu cầu thiết yếu khác và quyết định bù đắp bằng máy bay phản lực.
Khi được hỏi về khả năng Ukraine nhận được F-16 vào mùa Thu, một quan chức quốc phòng cấp cao của Trung Âu tỏ ra lạc quan: “Tôi nghĩ là có thể”. Tương tự, một nhà ngoại giao cấp cao từ Đông Âu quả quyết “Tại sao không?”.
| Tình hình Ukraine: Wagner rút khỏi Bakhmut, Kiev bị không kích trong 3 giờ, 6 UAV xâm nhập Crimea Ngày 25/5, Lực lượng quân sự tự nhân Wagner (có trụ sở tại Nga) thông báo đã bắt đầu rút các tay súng khỏi Bakhmut, ... |
| Tình hình Ukraine: Nga nêu mối nguy từ viện trợ vũ khí phương Tây, trao đổi tù nhân giữa hai nước Mỹ và Phần Lan tiếp tục công bố các gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine, tập trung vào đạn dược và tên ... |
| Cạnh tranh ở châu Phi: Ukraine nêu tham vọng, Trung Quốc ra lời kêu gọi, AU cảnh báo về 'chiến trường địa chiến lược' Châu Phi, với 1,3 tỷ dân, đã trở thành trung tâm của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa nhiều nước trong bối cảnh đang phải ... |
| Tình hình Ukraine: Nga nêu 3 kịch bản cho Kiev; Mỹ vẽ 'bức tranh màu hồng', hé lộ số viện trợ khủng Ngày 25/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ tiếp diễn trong thời gian ... |
| Hàn Quốc nói gì về thông tin Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể thăm Ukraine? Ngày 26/5, Seoul đã lên tiếng về nguồn tin từ phía Nhật Bản cho hay, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có thể đến ... |