Tổng công ty May 10 - CTCP đang nổi lên như một hình mẫu tiêu biểu của ngành dệt may thời hội nhập. (Ảnh: Quang Hòa/TGVN) |
Chủ động vào cuộc
Mạnh dạn bỏ đi những chăn trần bông của Dệt 8/3, quần áo dệt kim của Dệt kim Đông Xuân…, nhiều doanh nghiệp Nhà nước từng "vang bóng một thời" đã quyết không "đứng ngoài cuộc chơi". Những cuộc tái cơ cấu bắt đầu, hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư vào công nghệ, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất... để tạo nên bước chuyển mình, đón đầu cơ hội từ sân chơi hội nhập. Trước vận hội mới của đất nước, ngành dệt may đã tăng trưởng gần 20% mỗi năm. Kết quả còn được kỳ vọng hơn khi một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập.
Công ty TNHH một thành viên Dệt 8/3 (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex) là một điển hình như vậy. Để thu hút những đơn hàng từ nước ngoài, công ty đã thành lập một công ty con - Vinatex Quốc tế chuyên lo khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm và bán hàng. Bên cạnh đó, hai chuỗi liên kết dệt may khép kín (sợi - dệt - nhuộm - may) ở Hưng Yên và Đà Nẵng đã giúp công ty chủ động được nguồn nguyên vật liệu, tiết kiệm chi phí, thu hút thêm nhiều bạn hàng trong và ngoài nước.
Nhờ đó, doanh thu hồi sinh với tốc độ tăng gấp hai, gấp ba lần mỗi năm. Năm 2015, doanh thu ước tính gấp 13 lần so với thời điểm chưa tái cơ cấu.
Tổng công ty May 10 - CTCP, một thành viên khác của Vinatex cũng đang nổi lên như một hình mẫu tiêu biểu của ngành dệt may thời hội nhập. Từ khi chuyển đổi thành doanh nghiệp cổ phần đến nay, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tổng công ty liên tục tăng trưởng, vị thế thương hiệu được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2015, doanh thu của Tổng công ty đạt gần 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 50,87 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, để không lỡ chuyến tàu hội nhập, doanh nghiệp này đã có những bước đi chiến lược, bài bản nhằm tận dụng tối đa những cơ hội từ các FTA, TPP và AEC mang lại.
Trao đổi về chiến lược sắp tới của Tổng công ty, Phó Tổng Giám đốc Thân Đức Việt chia sẻ, không chờ đến khi TPP hoàn tất, doanh nghiệp đã liên tục nâng cao năng lực sản xuất, mở thêm nhiều nhà máy may sơ mi, veston ở các địa phương như Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Bình... để có thể chủ động đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu gia tăng ngay khi các FTA và TPP có hiệu lực.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn những chủng loại mặt hàng đem lại giá trị xuất khẩu cao, đặc biệt là các mặt hàng cao cấp. Đồng thời, May 10 sẽ thành lập bộ phận ODM (tự thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng) bao gồm đội ngũ marketing, đội ngũ tìm kiếm nguyên phụ liệu và thiết kế... để hướng tới ra mắt các bộ sưu tập, các sản phẩm thiết kế cao cấp của riêng thương hiệu May 10. Đây là một trong những chiến lược mũi nhọn để Tổng công ty có thể mở rộng thị trường, gia tăng thị phần xuất khẩu", ông Việt cho biết.
Không chỉ nhắm đến những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, doanh nghiệp này cũng đang tính đến chuyện đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Myanmar, Lào, Campuchia… nhằm tận dụng lợi thế từ AEC.
Phó Tổng Giám đốc Thân Đức Việt khẳng định: "Vào AEC, chúng tôi sẽ nhắm đến thị trường có tính tương đồng cao về nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu, đặc thù để phát triển hệ thống phân phối. Với lợi thế về sản phẩm có thương hiệu, đặc biệt là dòng sơ-mi, veston và thời trang công sở, chúng tôi sẽ mở các cửa hàng, đại lý phân phối tại các nước này".
"Thỏi nam châm" hút FDI
Theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), chưa tính đến tác động của TPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 51,4 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, dệt may là 15,2 tỷ USD. AmCham ước tính, con số này sẽ đạt mức 20 tỷ USD vào năm 2025.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, với những những lợi thế có được khi các FTA đi vào triển khai và TPP chuẩn bị ký kết, ngành dệt may sẽ là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ hội nhập và trở thành một "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chưa khi nào ngành dệt may lại đón dòng vốn FDI lớn như khoảng thời gian hai năm trở lại đây. Năm 2014, FDI vào lĩnh vực dệt may đạt 1,64 tỷ USD, riêng trong chín tháng đầu năm 2015, FDI vào ngành dệt may đã lên tới gần 3,5 tỷ USD.
Một số công ty tài chính quốc tế dự báo, khi TPP có hiệu lực, ngay lập tức dòng vốn FDI sẽ được rút ra khỏi Trung Quốc và cứ điểm đầu tiên mà các nhà đầu tư nghĩ đến là Việt Nam. So với nhiều nước trong khu vực châu Á như Campuchia hay Bangladesh, Việt Nam vẫn được đánh giá cao hơn do giá nhân công hợp lý, trình độ tay nghề tốt, môi trường kinh doanh và hệ thống chính trị ổn định.
Ngay từ đầu năm 2015, ngành dệt may đã chứng kiến một loạt dự án FDI "khủng". Điển hình là dự án nhà máy sản xuất và chế biến sợi của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ sắp xây dựng ở Đồng Nai với vốn đầu tư 660 triệu USD, được cấp phép vào tháng 6/2015. Như vậy, đến nay, chủ đầu tư này đã có hai dự án ở Đồng Nai, nâng tổng vốn đầu tư lên tới 995 triệu USD. Kế đến là dự án của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan, Trung Quốc) tại Bình Dương có vốn đăng ký 274 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may như xơ sợi tổng hợp, sản phẩm dệt kim, nhuộm, kéo sợi… Lý do khiến đơn vị này quyết định đầu tư vào Việt Nam là nhằm đón đầu TPP bên cạnh nguồn nhân công giá rẻ. Sau khi dự án hoàn thành, công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy giai đoạn hai với quy mô từ 700 triệu đến 1 tỷ USD.
Gần đây nhất, Aditya Birla, tập đoàn hàng đầu Ấn Độ về sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu dệt may cũng lên kế hoạch trở lại Việt Nam vào đầu năm 2016. Mục tiêu của Aditya Birla tại Việt Nam là đầu tư lĩnh vực kéo sợi, dệt vải và nhuộm hoàn tất.
Nhận định về xu hướng này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc vốn ngoại ồ ạt vào dệt may Việt Nam là cách mà các nhà đầu tư ngoại chớp cơ hội đón đầu TPP và các FTA khác. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp ồ ạt chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế. Hơn nữa, tại thị trường châu Á, giá nhân công của Việt Nam đang ở mức thấp và bằng với Indonesia. Tuy nhiên, quốc gia này không gia nhập TPP nên đây là cơ hội để dòng vốn ngoại dồn về Việt Nam.