Hiệp định TPP vừa kết thúc đàm phán cách đây không lâu và dệt may được đánh giá là ngành có lợi thế nhất. Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành, Tổng công ty May 10 đón nhận thông tin này như thế nào?
Hiệp định TPP kết thúc đàm phán là tin vui không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà cho tất cả các nước tham gia vì chúng ta đã trải qua một quá trình đàm phán dài (năm năm) và đây là một hiệp định có nhiều tiêu chí mới, nhiều yêu cầu, đòi hỏi cao.
Tôi đồng ý là dệt may sẽ là ngành có lợi thế nhất khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Xét về năng lực sản xuất của ngành dệt may thì trong 12 nước tham gia TPP, Việt Nam được đánh giá là nước có năng lực sản xuất tốt nhất. Các nước còn lại chủ yếu là các thị trường tiêu thụ và làm các dịch vụ như thiết kế, bán lẻ...
Trên thực tế, việc có TPP hay không có TPP thì mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là Tổng công ty May 10 đều có chiến lược phát triển riêng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, có TPP thì chắc chắn thị trường sẽ được mở rộng, không chỉ thị trường các nước thành viên khác trong TPP mà dung lượng xuất khẩu của hai thị trường chính của chúng tôi hiện nay là Mỹ (chiếm 45%) và Nhật Bản (trên 10%) cũng sẽ được mở rộng.
Đối với thị trường Mỹ, thuế suất bình quân cho các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của May 10 hiện nay là khoảng 20%. Khi Hiệp định TPP được ký kết, thuế sẽ giảm xuống 0%, chắc chắn giá thành sẽ rẻ hơn và lượng đặt hàng sẽ tăng lên rõ rệt.
Với ngành dệt may, sẽ có hai thách thức chính. Thứ nhất, khi thị trường mở rộng, hàng hóa tăng cường xuất khẩu sang các nước thì ngược lại hàng hóa của các nước cũng sẽ ồ ạt vào Việt Nam, cạnh tranh gay gắt với thị trường may mặc nội địa.
Thứ hai, khi TPP có hiệu lực, một trong những lo ngại lớn nhất của ngành dệt may là phải đáp ứng được quy tắc "xuất xứ từ sợi". Chỉ những mặt hàng xuất khẩu nào chứng minh được nguồn gốc xuất xứ từ vải và sợi được sản xuất tại Việt Nam thì mới được giảm thuế.
Để hóa giải thách thức này, sắp tới May 10 sẽ liên kết với các nhà sản xuất trong nước tạo thành một chuỗi cung ứng trọn gói cho các sản phẩm dệt may hoàn thiện.
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có lẽ chúng ta đã lường trước quy định về xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, dường như ngành công nghiệp phụ trợ dệt may vẫn "chậm chân" khi ngành dệt may hiện vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc?
Đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may đòi hỏi vốn rất lớn và công nghệ cao nên không phải cứ nói đầu tư là đầu tư ngay được. Nếu doanh nghiệp đầu tư 20 triệu USD vào máy móc, công nghệ dệt sợi thì cũng phải mất 20 triệu USD để xử lý môi trường. Chưa kể, để đầu tư máy móc cho một công nhân may chỉ khoảng vài chục triệu đồng, thì một công nhân sợi cần được đầu tư gấp năm, sáu lần. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp trong nước lại yếu về vốn và công nghệ.
Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta phải thu hút nhiều hơn vốn FDI vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may. Câu chuyện hội nhập ngành dệt may Việt Nam thực ra đã được bàn tới từ hơn 10 năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài biết rõ nhưng họ chưa đầu tư vì chưa rõ câu chuyện về thị trường. Phải đến bây giờ, khi một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước được ký kết và tới đây là TPP, họ mới đầu tư.
Triển vọng thu hút FDI vào ngành dệt may khi TPP được ký kết sẽ như thế nào, thưa ông?
Khi Hiệp định TPP được ký kết, ngành dệt may Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với đầu tư nước ngoài và dự báo sẽ đón một làn sóng FDI mạnh mẽ. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, riêng vốn FDI đổ vào ngành dệt may trong chín tháng đầu năm 2015 đã lên tới gần 3,5 tỷ USD. Một số công ty tài chính quốc tế cũng dự báo, khi TPP có hiệu lực, ngay lập tức dòng vốn FDI sẽ được rút ra khỏi Trung Quốc và cứ điểm đầu tiên mà các nhà đầu tư nghĩ đến là Việt Nam. So với nhiều nước trong khu vực châu Á như Campuchia hay Bangladesh, Việt Nam vẫn được đánh giá cao hơn do giá nhân công hợp lý, trình độ tay nghề tốt, môi trường kinh doanh, hệ thống chính trị ổn định.
Sắp tới, May 10 sẽ có chiến lược nào để tận dụng được những lợi thế từ TPP?
Không chờ đến khi TPP hoàn tất, thời gian qua, Tổng công ty May 10 đã liên tục đẩy mạnh sản xuất, mở thêm nhiều nhà máy may sơ mi, veston ở các tỉnh như Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Bình...
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn những chủng loại mặt hàng đem lại giá trị xuất khẩu cao, đặc biệt là các mặt hàng cao cấp. Đồng thời, May 10 sẽ thành lập bộ phận ODM (tự thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng) bao gồm đội ngũ marketing, đội ngũ tìm kiếm nguyên phụ liệu và thiết kế... để hướng tới ra mắt các bộ sưu tập, các sản phẩm thiết kế cao cấp của riêng thương hiệu May 10. Đây là một trong những chiến lược mũi nhọn để Tổng công ty có thể mở rộng thị trường, gia tăng thị phần xuất khẩu. Phần lớn nhà nhập khẩu nước ngoài đều muốn doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể cung cấp trọn gói sản phẩm thay vì chỉ gia công theo những mẫu thiết kế có sẵn.
Vì vậy, nếu làm tốt, tôi tin rằng May 10 sẽ chủ động được khâu thiết kế và tạo ra được thế mạnh mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được.
Phan Mích (thực hiện)