Chợ nổi Cái Răng - một trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn nhất ở Cần Thơ. |
Khách sạn chúng tôi ở nằm kề bên bờ sông Hậu, buổi tối rảnh rỗi, mấy anh em hay rủ nhau ra bờ sông làm mấy chai Sài Gòn lùn lai rai với vài món nhậu gọi là đặc sản dân dã miền Tây. Chuyện trên trời dưới biển, loanh quanh thế nào cuối cùng vẫn đến chủ đề chợ nổi.
Cần Thơ xa xưa còn gọi là Tây Đô, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ. Với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên chợ nổi đã hình thành gắn liền với văn hóa sông nước, miệt vườn đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở Cần Thơ, là một nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước miền Tây, thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Trò chuyện với chúng tôi, cô lễ tân ở khách sạn nói rằng các anh đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng, chưa nghe đờn ca tài tử trên sông Hậu thì coi như chưa đến đất Tây Đô… Khi biết chúng tôi muốn đi chợ nổi thì cô đã nhiệt tình chỉ dẫn đường đi lối lại, giá cả và không quên nhắc các anh phải dậy từ 5 giờ để đi vì chợ họp sớm, nắng lên là tan chợ.
Để đồng hồ báo thức, đúng 5 giờ chúng tôi có mặt ở sảnh khách sạn đã thấy Taxi Mai Linh chờ sẵn. Vào trong xe tôi nói vui rằng đi đến đâu cũng thấy màu xanh cuộc sống… Anh tài Mai Linh cũng vui vì lời khen rồi tự giới thiệu tên là Hưng, quê ở Thái Bình, cả gia đình anh vào sinh sống ở Cần Thơ đã trên 10 năm. Ngày trước, bố anh đi bộ đội thuộc Quân khu 9. Khi về hưu, không hiểu nghĩ ngợi thế nào mà ông lại kéo cả gia đình vào Cần Thơ sinh sống... Bây giờ thì anh đã có gia đình và thành công dân của Cần Thơ.. Nghe câu chuyện, tôi lại nhớ đến câu ca dao: " Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về ". Không phải bỗng nhiên mà con người, vùng đất trù phú này lại được khái quát thành câu ca dao có từ bao đời nay như vậy…
Ta xi đến chân cầu Cái Răng thì trời tờ mờ sáng. Theo chỉ dẫn, chúng tôi đi bộ men theo con hẻm nhỏ xuống bờ sông. Đang đi bỗng sau lưng có tiếng gọi: Dì Năm ơi, có khách đi chợ nè. Rồi một người đàn bà từ dưới bến sông đi lên hỏi:
- Các chú đi chợ heng ?
- Dạ
- Xuống ghe đi tui chở
- Mà giá cả tính nhiêu vậy dì Năm ?
- Cả đi về là 200 ngàn à...
- Ủa, cả đi về chừng 1km, sao mắc dữ zậy ta ?
- Chú ơi... giá cả xăng dầu cái gì cũng tăng hết trơn à... chở khách ở đây có giá chung rồi, tui không có lấy mắc đâu…
Chúng tôi ngồi bồng bềnh trên sóng nước, gió ở mặt sông thổi lên mơn man, phía đông những đám mây dần ửng hồng báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Trời sáng dần, mặt sông bống chốc trở nên nhộn nhịp. Ghe thuyền đi lại như mắc cửi, tiếng máy nổ phành phạch, tiếng sóng vỗ ì oạp, tiếng mời chào, tiếng gọi nhau râm ran tạo nên một bầu âm thanh sống động. Ghe thuyền nào có hàng bán cũng cắm 1 cây sào phía trước mũi để treo các loại hoa quả cần bán gọi là treo " Bẹo". Màu vàng nhạt của soài, bưởi, khóm, nhãn; màu xanh của sầu riêng, vú sữa, dâu, mít, dưa hấu; Màu tím sẫm của măng cụt; màu đỏ tươi rói của chôm chôm…Tất cả như một bức tranh tĩnh vật đủ sắc màu của hoa trái miệt vườn miền Tây Nam Bộ…
Các thương lái mua hàng không cần phải hỏi, chỉ cần nhìn bẹo treo trên cột mà đến mua, việc mặc cả mua bán cũng diễn ra vui vẻ chóng vánh...
Mặc dù họp trên sông, nhưng chợ nổi không chỉ có buôn bán cây trái, các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày từ cái kim, sợi chỉ đến thực phẩm, đồ gia dụng đều có mặt ở đây. Hàng ăn, cà phê giải khát, kể cả đờn ca tài tử cũng theo chân người xuống chợ nổi. Đến đây, du khách có thể thưởng thức các món ăn dân dã mang đậm chất miền Tây Nam Bộ như: hủ tiếu, bún nước lèo, cháo cá lóc ăn rau đắng, bún cá, bánh tét nhân chuối, bánh xèo, bánh ít, bánh phồng, bánh cam, bánh canh ngọt, đậu hũ, bánh bột lọc v.v… với giá bình dân, lạ miệng. Cho ghe tấp vào một hàng hủ tiếu, dì Năm kêu chúng tôi ăn sáng, uống cà phê chờ dì đi đổ xăng rồi quay lại đón… Ngồi nhâm nhi ly đen đá, ngắm nhìn quang cảnh mua bán nhộn nhịp trên sông mới thấy cảnh sắc ở chợ nổi thật riêng biệt, độc đáo. Có lẽ ngoài miền Tây Nam Bộ ra, không địa phương nào có được. Kế bên thuyền chúng tôi ngồi là một nhà bè, bên trong kê dăm bộ bàn ghế nhựa, ở mặt tường phía ngoài có ghi mấy dòng chữ nguệch ngoạc: Lý Hùng - Bánh ít, Đậu hũ - Đờn ca tài tử... Ngó sang đã thấy mấy vị khách Tây ba lô vừa ăn đậu hũ, vừa gật gù mỗi khi ông chủ ôm cây đàn kìm đổ những câu vọng cổ:
Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ
Chiều chiều quạ nói với diều
Ô Môn Bình Thủy có nhiều cá tôm
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về...
Hay là:
Cần Thơ đi dễ khó về
Trai đi có vợ gái về có con
Tới đây thì ở lại đây,
Chừng nào bén rễ xanh cây rồi về…
Đã có dịp đi chợ nổi Ngã bảy Phụng Hiệp, chợ nổi Phong Điền và bây giờ là chợ nổi Cái Răng tôi mới dần cảm nhận thấy hết những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của chợ nổi. Có thể nói chợ nổi là một phần không thể thiếu trong dòng chảy của văn hóa sông nước, miệt vườn đồng bằng miền Tây Nam Bộ. Du khách đến Cần Thơ ngoài tham quan chợ nổi còn hấp dẫn bởi các di tích lịch sử văn hóa như: Hội Linh cổ tự ở An Lạc; Chùa Ông hay Quảng Triệu hội quán, được xây dựng từ năm 1894, với những nét kiến trúc vô cùng độc đáo. Đến khu di tích lịch sử cách mạng Tầm Vu để được thấy và nghe kể về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta qua hai cuộc kháng chiến hào hùng… và sau cùng về bến Ninh Kiều đi tàu du lịch đêm trên dòng Hậu Giang nghe đờn ca tài tử để hiểu thêm về vùng đất phương Nam và một thuở ông cha ta đi mở mang bờ cõi.
Ghi chép của: Hà Huy Hoàng