📞

Đi dã ngoại để rèn các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Nguyệt Hà 10:27 | 30/03/2023
Việc tổ chức chuyến dã ngoại, trải nghiệm thực tế là một trong những hoạt động quan trọng của công tác giáo dục nhưng nó cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ...
PGS. TS. Trần Thành Nam nêu quan điểm, khi tổ chức các chuyến đi dã ngoại, luôn có nguy cơ rủi ro về an toàn.

Đó là chia sẻ của PGS. TS. Trần Thành Nam, (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) với báo Thế giới và Việt Nam xung quanh câu chuyện học sinh đi dã ngoại.

Ông đánh giá thế nào về hoạt động dã ngoại trong trường học những năm gần đây? Theo ông, kỹ năng sinh tồn khi tham quan, dã ngoại của giới trẻ hiện nay ra sao?

Khi giáo dục chuyển trọng tâm từ dạy chữ sang dạy người, dạy học chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực và phẩm chất toàn diện thì các hoạt động thực tế, trải nghiệm, dã ngoại ngày càng trở nên quan trọng và không thể thiếu được trong chương trình học tập trường học.

Thậm chí, nhiều trường tư đã tự xây dựng khu trải nghiệm của riêng mình. Nhiều dự án xây dựng không gian trải nghiệm cho học sinh cũng đang được đầu tư nhằm cung cấp các dịch vụ giáo dục cho nhiều trường công.

Những chương trình tham quan, dã ngoại thường giúp nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng sống cho học sinh, mang đến cho học sinh những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Bởi các em được tiếp xúc với những môi trường khác nhau, những người khác tại địa phương. Từ đó, kích thích sự tò mò sáng tạo, nâng cao sự hiểu biết về thế giới qua các chủ đề từ động vật đến thực vật, từ kiến thức lịch sử đến khoa học tự nhiên.

Đồng thời, những chuyến đi này còn giúp học sinh rèn luyện và phát triển kỹ năng sống như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, cải thiện khả năng tư duy và trở thành những người học tích cực hơn.

Sống trong một thế giới với nhiều áp lực học tập căng thẳng, những chuyến đi dã ngoại cũng là cơ hội để học sinh được xả stress, cân bằng lại sức khỏe tinh thần và cũng tạo ra nhiều kỷ niệm đáng nhớ để kết nối giữa học sinh với nhau, với giáo viên trở nên bền chặt hơn. Chính mối quan hệ được thiết lập từ thuở nhỏ có thể giúp các em trưởng thành vững vàng hơn.

Để có một chuyến đi dã ngoại thành công, bổ ích, an toàn, nhà trường, thầy cô, phụ huynh và các em học sinh cần chú trọng khâu chuẩn bị ra sao? Cần phải có một chương trình rèn luyện kỹ năng cho học sinh thế nào?

Việc tổ chức những chuyến đi dã ngoại cũng có thể dẫn đến những điều đáng quan ngại. Thứ nhất, những hoạt động dã ngoại thường tốn kém và không phải gia đình nào cũng có cơ hội để đóng góp tham gia. Điều này có thể gây ra những sự phân biệt đối xử không nên có giữa các học sinh với nhau, tạo nên sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận với môi trường học tập trải nghiệm của những học sinh thuộc gia đình có điều kiện và không có điều kiện.

Khi tổ chức các chuyến đi dã ngoại, luôn có nguy cơ rủi ro về an toàn, đặc biệt, với những học sinh còn nhỏ tuổi và phải ở xa cha mẹ. Rất nhiều rủi ro gồm nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn thương tích tại nơi tham quan, mất mát tài sản, tình huống khẩn cấp hay các vấn đề sức khỏe khác.

Các vấn đề quản lý chuyến đi cũng có thể mang đến rắc rối, ví dụ như việc phân công nhiệm vụ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, quản lý nhân sự và phân bố nguồn lực phải hợp lý và rõ ràng. Công tác hậu cần, quản lý hành trang, chăm sóc sức khỏe và quy tắc an ninh cũng phải được phổ biến đến từng học sinh.

Vấn đề về thời gian học tập để hoàn thành chương trình. Nếu những chuyến đi được tổ chức thường xuyên có thể khiến cho học sinh và giáo viên mất đi một số thời gian dành cho việc học tập. Vì vậy, một số bài tập rèn luyện năng lực có thể bị bỏ qua hoặc không thực hiện.

Bên cạnh đó, nếu xác định việc đi tham quan, dã ngoại cũng là một hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thì công tác tổ chức hoạt động phải có tính giáo dục và cần phải được giáo viên trao đổi cùng các đơn vị tổ chức để đảm bảo đạt được các mục tiêu giáo dục.

Nếu coi đây là một hoạt động giáo dục để rèn kỹ năng, khuyến khích tư duy sáng tạo và tạo ra các kỷ niệm, tình bạn cũng phải nghĩ đến các hình thức đánh giá sáng tạo. Ví dụ, đánh giá qua các sản phẩm mà học sinh tạo ra trong chương trình tham quan, dã ngoại hoặc một bài thu hoạch nói về những cảm nghĩ của em sau chuyến đi.

Trang bị các kỹ năng cho trẻ là việc làm vô cùng cần thiết và cần phải bồi dưỡng thường xuyên. Ông nhận định thế nào về tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng gia đình?

Rèn luyện kỹ năng sống cho con tại gia đình là rất quan trọng để giúp trẻ phát triển những năng lực và phẩm chất cần thiết để trở thành người tự lập và thành công trong cuộc sống. Gia đình là môi trường đầu tiên, cha mẹ là người thầy quan trọng nhất cần làm gương để trẻ học hỏi và phát triển những kỹ năng sống này.

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cần chú ý để giúp trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp để có thể giao tiếp hiệu quả với những người xung quanh, đưa ra ý kiến của mình và biểu đạt cảm xúc của bản thân một cách rõ ràng.

Các em cần được cha mẹ hướng dẫn rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất cho các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Các em cũng cần được người lớn hướng dẫn để tự tin đưa ra quyết định đúng đắn trong các tình huống khác nhau (gieo mầm cho kỹ năng lãnh đạo sau này). Các em cần được cha mẹ khuyến khích sự tưởng tượng để rèn năng lực tư duy sáng tạo và đổi mới.

"Nếu xác định việc đi tham quan, dã ngoại cũng là một hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thì công tác tổ chức hoạt động phải có tính giáo dục và cần phải được giáo viên trao đổi cùng các đơn vị tổ chức để đảm bảo đạt được các mục tiêu".

Để rèn kỹ năng cho con, cha mẹ chỉ cần tạo điều kiện để trẻ tự do thực hiện các hoạt động, khám phá và học hỏi qua việc hướng dẫn, cùng làm với trẻ. Cha mẹ hãy khuyến khích con tham gia giúp việc nhà, các hoạt động xã hội tình nguyện hoặc câu lạc bộ sở thích để rèn luyện sức khỏe thể chất, kỹ năng giao tiếp, hợp tác và lãnh đạo.

Hãy để con được tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến trẻ, để giúp con học cách giải quyết vấn đề, ra quyết định và quyết đoán. Quan trọng nhất, cha mẹ cần xây dựng một không gian an toàn, đầy đủ tình yêu thương và sẵn sàng hỗ trợ tại gia đình để con cái có thể an tâm phát triển tốt nhất.

Một trong những điều quan trọng để có một chuyến đi an toàn là gì, thưa ông? Cần có cảnh báo nguy cơ gì để học sinh nắm rõ và lưu ý thực hiện?

Mặc dù việc tổ chức chuyến đi tham quan, trải nghiệm thực tế là một trong những hoạt động quan trọng của công tác giáo dục nhưng nó cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Do đó, việc tổ chức luôn phải cẩn trọng với các nguyên tắc an toàn từ việc lựa chọn địa điểm và hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi của học sinh khối lớp. Không chỉ lựa chọn địa điểm tham quan phù hợp đảm bảo an toàn, nhà trường cũng cần tìm hiểu trước về địa hình, khí hậu, cơ sở hạ tầng, giao thông, thời tiết để có các chuẩn bị phương tiện và thiết bị phù hợp.

Nguyên tắc an toàn thứ hai là phải lập kế hoạch chi tiết cho chuyến tham quan từ lịch trình, địa điểm, các tình huống và mức độ nguy hiểm có thể xảy ra, các quy trình quản lý rủi ro. Tiếp đến là thẩm định và lựa chọn đơn vị tổ chức chuyến dã ngoại đã có kinh nghiệm, có kỹ năng kiểm soát và giải quyết các tình huống khẩn cấp, phân công các giáo viên có kinh nghiệm cùng giám sát.

Thứ ba, đảm bảo các thiết bị an toàn được mang theo từ quần áo, dây đeo an toàn, kính chắn gió, đèn pin…đảm bảo cho từng học sinh.

Thứ tư, lưu ý đảm bảo nguồn thực phẩm và nước uống an toàn. Chuẩn bị đầy đủ và đảm bảo nguồn gốc thực phẩm để giúp học sinh có đủ năng lượng và sức khỏe hoàn thành chuyến đi.

Cuối cùng, các dấu hiệu nhận diện và cách liên lạc cần được quán triệt đến từng học sinh. Với học sinh lớn phải thống nhất nguyên tắc liên lạc thường xuyên (ví dụ trên nhóm Zalo) để đảm bảo từng em đều an toàn và được cập nhật ngay lập tức những tình huống khẩn cấp để những người phụ trách, tổ chức chuyến dã ngoại có thể hành động kịp thời. Thậm chí, giáo viên cũng nên duy trì cập nhật thông tin đến với phụ huynh trong suốt chuyến đi của học sinh.

Đi dã ngoại là những dịp học sinh được học hỏi trên thực tế rất nhiều điều, không chỉ là kiến thức… Vậy ông có thể chia sẻ thêm các câu chuyện liên quan đến các tình huống thường gặp phải trong các chuyện đi dã ngoại để tránh những điều đáng tiếc?

Đi dã ngoại không chỉ rèn các kỹ năng sống mà còn rèn cả được lòng dũng cảm và kỹ năng sinh tồn. Dã ngoại ở những vùng đất mới bao giờ cũng khiến đứa trẻ phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình để đối đầu với những nguy cơ, những nỗi sợ hãi như phải ngồi cáp treo mà sợ độ cao, hay những nguy cơ tai nạn khi phải vượt qua con suối hoặc trượt ngã, gặp chấn thương khi vượt qua vách đá có độ dốc lớn…

Tuy nhiên, nó cũng là một cơ hội tuyệt vời để giáo viên giúp trẻ dũng cảm đối diện và học những kỹ năng đảm bảo sự an toàn. Ví dụ, để rèn sự kiên cường thay vì đi cáp treo hãy khuyến khích trẻ đi bộ. Gặp khe suối thì phải hướng dẫn trẻ cách quan sát dòng nước, tìm chỗ nước nông, dòng chảy an toàn, điểm đặt chân không bị trơn trượt để đi qua. Với sự hướng dẫn trong trải nghiệm thực tiễn như vậy sẽ hình thành nên lòng dũng cảm, bình tĩnh trước những tình huống núi cao vực sâu trong cuộc sống.

Xin cảm ơn ông!