Chiều 6/9, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại”.
Đây là một hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua Nghị quyết số 24C/18.65 vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam".
Từ trái sang: Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại Hội thảo. (Ảnh: Quang Hòa) |
Tham dự Hội thảo có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Việt Nam cùng đại diện của 30 Cơ quan đại diện nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Ngoài ra, sự kiện đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (tham gia trực tuyến); các nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong và ngoài nước cùng toàn bộ 94 Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt khẳng định, Bộ Ngoại giao và những người làm công tác đối ngoại luôn tự hào khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Bộ trưởng đầu tiên của Ngành. Người đã khai sinh nền ngoại giao cách mạng và tạo dựng tiền đề cho nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại ngày nay.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Quang Hòa) |
Những giá trị, di sản, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính phổ quát, vượt thời đại, là những vấn đề mà Việt Nam và nhân loại vẫn đang nỗ lực bảo vệ và theo đuổi. Những tư tưởng của Người về văn hóa, giáo dục cũng chính là sứ mệnh mà UNESCO đang thúc đẩy như: coi trọng đa dạng văn hóa, diệt giặc dốt gắn với xóa nạn mù chữ; học tập suốt đời gắn với giáo dục toàn cầu; trồng cây gắn với bảo vệ môi trường...
Với những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1987, UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh, khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất chúng, đã “cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".
Việc UNESCO thông qua Nghị quyết khẳng định sự đúng đắn, chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; là sự ghi nhận, tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng, hạnh phúc.
Đó cũng là sự động viên, cổ vũ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc Đổi mới, phát triển đất nước trước những khó khăn trong thời kỳ đó, để Việt Nam có được những thành tựu ngày hôm nay.
Phát biểu chào mừng sự kiện, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình đánh giá rất cao sáng kiến, nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc chuẩn bị và tổ chức chuỗi các hoạt động về cuộc đời, sự nghiệp, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước, trong đó, có Hội thảo “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại”.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Quang Hoà) |
Ông Lê Hải Bình cho rằng, di sản Hồ Chí Minh không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn thuộc về nhân dân tiến bộ toàn thế giới, nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái; biểu tượng của đạo đức cách mạng cao đẹp, tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, là sứ giả của hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.
Theo ông Lê Hải Bình, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, hiệu quả thiết thực và giá trị tinh thần hết sức quý báu.
Thứ nhất, đây là hoạt động trọng tâm, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam; nhân kỷ niệm 35 năm UNESCO thông qua Nghị quyết số 24C/18.65 về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam.
Thứ hai, Hội thảo được tổ chức với sự tham gia đông đảo của các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các nhân chứng lịch sử, chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế. Qua đó, cho thấy tình cảm, ký ức đậm sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.
Thứ ba, những nội dung, tham luận và các ý kiến được trình bày tại Hội thảo một lần nữa là sự khẳng định đối với những cống hiến to lớn, ý nghĩa thời đại sâu sắc của cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây cũng sẽ là sự gợi nhắc về một “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, một Việt Nam hiện thân từ lời dạy và di sản Hồ Chí Minh, đang từng ngày hội nhập, không ngừng vươn lên phát triển bền vững, phồn vinh, hạnh phúc.
Hội thảo gồm hai phiên chính: “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại” và “Các hoạt động lan tỏa di sản Hồ Chí Minh”.
Tại đây, các diễn giả trong và ngoài nước đã chia sẻ về những kỷ niệm, câu chuyện, tình cảm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; trao đổi, đề xuất sáng kiến về các hình thức, hoạt động cụ thể để tiếp tục quảng bá, lan tỏa hơn nữa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thế hệ mai sau.
Tại Hội thảo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đeo chiếc thẻ đại biểu tham gia kỳ họp thứ 24 Đại hội đồng UNESCO năm 1987. (Ảnh: Quang Hòa) |
Tại Hội thảo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam Nguyễn Dy Niên cho biết, Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất đã được thông qua với đa số tuyệt đối, không có phiếu trắng, không có phiếu chống đúng như lời “tiên tri” của báo Đoàn kết Italy ngày 5/9/1969 (cách thời điểm bỏ phiếu 18 năm) viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất trên thế giới không bị ai phản đối”.
Ông khẳng định, di sản Hồ Chí Minh là kho báu để chúng ta thể hiện sự giàu có và trí tuệ của dân tộc Việt Nam và của thế giới.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Cha già kính yêu, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta và là tấm gương cổ vũ cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, được nhân dân thế giới rất kính trọng, yêu quý.
Bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là tài sản quý báu không chỉ của dân tộc ta mà còn của toàn thể nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Lan tỏa giá trị di sản Hồ Chí Minh tới nhân dân thế giới là một nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Quang Hòa) |
Tại sự kiện, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đã chia sẻ lý do UNESCO khuyến nghị các nước thành viên tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời để giải phóng đất nước và dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của toàn thế giới vì hòa bình, dân tộc, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đại hội đồng UNESCO cho rằng, việc tổ chức hoạt động kỷ niệm quốc tế nhân ngày sinh của các nhân vật văn hóa và trí tuệ lỗi lạc sẽ góp phần đạt được các mục tiêu của UNESCO và nâng cao hiểu biết quốc tế.
Thượng tướng Pascualino Angiolillo, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Thực nghiệm Quân đội Venezuela (UNEFA) khẳng định: “Tư tưởng và tầm nhìn của Người trường tồn theo thời gian, soi sáng con đường giải phóng đất nước cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới”.
Trong 35 năm qua, các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những điểm nhấn quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa của Việt Nam, đã và đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả thông qua các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo chính quyền, người dân sở tại.
Những công trình mang tên Người ở các quốc gia đã trở thành biểu tượng hữu nghị giữa Việt Nam và các nước; đồng thời, các hội thảo, phim ảnh, sáng tác nghệ thuật do chính học giả, nghệ sĩ sở tại thực hiện đã giúp thế hệ trẻ hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, giúp Việt Nam gần gũi hơn với thế giới thông qua Chủ tịch Hồ Chí Minh.