Tiêu bản rùa Rafetus swinghoel được thành viên chương trình rùa Việt Nam của chương trình rùa châu Á chụp tại bảo tàng Hoà Bình |
5 năm tìm kiếm
Tháng 3 năm 2007, như thường lệ anh Nguyễn Xuân Thuận, Điều phối viên chương trình rùa Việt Nam của chương trình rùa châu Á "mai phục" ở một vùng hồ lớn phía Tây thành phố Hà Nội để xác định hồ có sự tồn tại của loài rùa Rafetus Swinhoei (được coi là cùng gốc gác với cá thể rùa trong hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội)?
Đến trưa một ngày tháng 3, qua ống nhòm Thuận đột nhiên thấy làn nước xa xa có một khoanh tròn rất to. Các vòng tròn lan rộng và từ từ một chiếc đầu rùa to bằng quả bưởi nổi lên giữa mặt nước trong xanh.
Thuận chưa tin hẳn vào mắt mình, liền gỡ ống nhòm ra, dụi mắt rồi lại đeo vào. Phải đến lần thứ ba, anh mới thực sự tin rằng mình đã nhìn thấy loài rùa cực kỳ quý hiếm tại đây.
Thuận vội lấy máy ảnh chụp lia lịa. Thế rồi anh gọi điện về cho ông Douglas B.Hendrie - Giám đốc chương trình rùa châu Á (thuộc vườn thú Cleveland Metropolis) thông báo bằng giọng mừng rỡ: "Tôi đã nhìn thấy con swinhoei trên hồ rồi". Hendrie cũng không giấu vẻ vui mừng: "Thật không? Trông nó thế nào?"...
Từ năm 2001, các thành viên của chương trình rùa châu Á đã bắt tay vào việc rà soát, tìm kiếm các cá thể rùa quý hiếm ở Việt Nam. Cho đến năm 2003, các cuộc tìm kiếm được thực hiện nhiều hơn.
Sau một thời gian dài, các thành viên của chương trình mới "khoanh vùng" được loài rùa quý hiếm Rafetus swinhoei. Đoàn tập trung vào tìm kiếm ở lưu vực sông Hồng, kéo dài từ Lào Cai sang Yên Bái, về Phú Thọ, sang Hòa Bình, xuống Hà Tây. Cho tới cuối năm 2006, Đoàn chỉ phát hiện được những tiêu bản rùa, những bộ xương, đầu rùa tại các địa phương trên.
Loài rùa Rafetus swinhoei đáng chú ý vì đầu dài với phần miệng giống như mõm lợn. Kích thước của nó có thể dài trên 100cm, rộng trên 70cm và cân nặng khoảng 120 - 140kg. Mai của chúng có thể dài và rộng trên 50cm. Đầu dài trên 20cm và rộng trên 10cm. Con đực nhỏ hơn con cái nhưng có đuôi to và dài hơn.
Rafetus swinhoei đang trên bờ vực của quá trình tuyệt chủng, do việc săn bắt vì sinh kế và việc tiêu thụ mang tính địa phương cũng như do việc sử dụng mai và xương trong y học. Đầu rùa cũng thường bị lưu giữ lại làm kỷ niệm.
Theo ông Hendrie, việc phát hiện ra loài rùa Rafetus swinhoei ở khu vực phía Tây thành phố Hà Nội là một phát hiện quan trọng vì swinhoei là loài rùa đang trong tình trạng nguy cấp nhất trên thế giới.
Sau nhiều năm lăn lộn ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng, tình cờ, ông Hendrie nghe nói ở một vùng hồ phía Tây của thành phố Hà Nội xuất hiện một cá thể rùa có thể là cùng loài với Rafetus swinhoei.
Theo người dân địa phương thì vào các tháng mùa Hè, tháng nào họ cũng bắt gặp 1, 2 con rùa rất to nổi lên trên mặt hồ để thở. Thậm chí nó còn leo cả lên bờ để phơi nắng. Mừng quá, Hendrie đã liên hệ với chính quyền địa phương, xin phép dựng lều tại bờ hồ để triển khai công tác tìm kiếm, bảo vệ
Nguyễn Xuân Thuận, cử nhân khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên vừa tốt nghiệp năm 2005 được cử "chuyên trách" việc mai phục trên hồ để chụp ảnh, ghi lại các thông số mà anh quan sát được về loài rùa quý hiếm này.
Và đến tháng 3 năm 2007, Thuận đã tận mắt nhìn thấy một cá thể rùa đúng như người dân mô tả nổi lên mặt hồ. Có thể nói, tin vui ấy đã khiến các thành viên của chương trình rùa châu Á... mất ngủ! Sau bao ngày tìm kiếm, họ đã chính thức xác định được tại Việt Nam có cá thể rùa Rafetus swinhoei thứ 2 và là cá thể rùa thứ 4 trên thế giới còn sót lại tới thời điểm này.
Cụ rùa Hồ Gươm sẽ không còn cô đơn?
Từ đó đến nay, ba người là Douglas B.Hendrie, Tim McComack và Nguyễn Xuân Thuận liên tục có mặt tại khu vực hồ phía Tây của thành phố để tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về cá thể rùa này. Thuận tiết lộ, khu vực hồ ấy cách thành phố Hà Nội chừng 60km.
Mỗi đợt đi khảo sát, Thuận và các thành viên trong đoàn thường dành ra 5 ngày liên tục ở địa phương. Một ngày "đi tuần" bằng thuyền trên hồ. Hôm sau đi tuần bằng xe máy quanh khu vực hồ. Ba ngày còn lại đi phỏng vấn, tìm hiểu người dân xung quanh khu vực về thói quen, tập quán của loài rùa này.
Thuận cho biết thêm, lòng hồ mà các nhà khoa học tìm thấy loài rùa quý hiếm có diện tích khoảng 1.000ha. Mùa nước cạn, lòng hồ hạ xuống còn 900ha, mùa lũ, lòng hồ rộng ra tới 1.200 - 1.300ha. Thời điểm này, môi trường hồ khá tốt, thuận lợi cho sự phát triển của các sinh vật, kể cả loài rùa Rafetus swinhoei.
Loài rùa này thường ăn cá, ốc, cua có sẵn trong hồ. Có thể khẳng định cá là món ăn "khoái khẩu" của rùa Rafetus swinhoei. Người dân trong vùng không ít lần kéo lưới lên mà bắt gặp những con cá mắc lưới to bằng bàn tay nhưng chỉ còn một nửa mình. Nửa kia đã bị rùa xơi mất!
Cũng theo người dân địa phương thì rất có thể, trong khu vực lòng hồ này có tới... 2 cá thể Rafetus swinhoei. Họ đưa ra dẫn chứng: không ít lần họ chứng kiến 2 cá thể rùa nổi lên mặt nước (tuy không cùng thời điểm) và qua quan sát, 2 cá thể này có nhiều đặc điểm khác nhau.
Trước hết là về kích thước. Một cá thể có chiều dài chừng 60cm, cân nặng từ 80 - 90kg, còn cá thể kia nhỏ hơn. Không những thế, một cá thể có những đốm màu rằn ri trên đầu, mép màu rất vàng, mai màu trắng xanh. Cá thể rùa kia đầu mầu đen và mai cũng màu đen. Đặc biệt, giữa hồ còn có một tấm lưới để ngăn ranh giới. Và theo người dân thì mỗi phía của tấm lưới họ lại thấy một cá thể rùa khác nhau.
Thuận còn cho biết, cũng không loại trừ việc có hai cá thể rùa khác nhau trên hồ. Tuy nhiên, cũng rất có thể những người dân quan sát rùa nổi tại các thời điểm khác nhau nên mô tả hình dáng, kích thước rùa khác nhau cũng là chuyện dễ hiểu.
Hiện vẫn có những tranh cãi khác nhau về loài rùa hồ Gươm. Một bên thì cho rằng nó có thể là một loài rùa mới (dựa theo một số nghiên cứu về hình thái học của GS Hà Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội), với danh pháp là Rafetus leloii. Tuy nhiên, các tài liệu khác lại cho rằng hoặc đó là một loài giải lớn với danh pháp Pelochelys bibronii (Sách Đỏ Việt Nam năm 1992) hay Rafetus swinhoei (www.asianturtlenetwork.org).
Cũng theo trang web này thì hiện nay người ta chỉ biết 5 cá thể còn sống tại thời điểm năm 2007 của Rafetus swinhoei, trong đó một cá thể sống tại hồ Gươm của Việt Nam và 4 cá thể kia tại Trung Quốc (1 tại Vườn thú Thượng Hải, 1 tại Vườn thú Tô Châu và 2 con tại Tây Viên tự cũng thuộc Tô Châu). Con thứ sáu tại vườn thú Bắc Kinh đã chết năm 2005.
Trao đổi với báo giới, GS Hà Đình Đức cho biết chưa có cơ sở nào để khẳng định đây là loài rùa giống như loài đã phát hiện ở hồ Gươm. Bởi để khẳng định sự thật, cần có những cuộc so sánh và nghiên cứu khoa học nghiêm túc, với sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín.
Hiện tổ chức chương trình rùa châu Á đang liên hệ với các cơ quan chức năng ở Việt Nam để lên kế hoạch bảo vệ loài rùa đặc biệt quý hiếm này.
Theo Thể Thao Văn Hóa