Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 6,9%
TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho biết, trong năm 2018, Việt Nam đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,08%, mức cao nhất sau khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. Tăng trưởng tới từ sự phục hồi vững chắc của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp với những yếu tố thuận lợi từ thời tiết và thị trường thế giới cũng như sự bứt phá của ngành công nghiệp chế tác.
Đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Khu vực này trong năm 2018 xuất siêu khoảng 32,81 tỷ USD (tương đương 14% GDP). Điều này tiếp tục cho thấy vai trò đầu tàu thương mại của khu vực này. Mặt khác, nó cũng chỉ ra điểm yếu của nền kinh tế khi phụ thuộc vào khu vực FDI.
Tọa đàm công bố Báo cáo đánh giá Kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018 ngày 10/1. (Ảnh: Ly Ly) |
Xét theo đối tác đầu tư FDI, Nhật Bản dẫn đầu trong năm 2018 với tổng số vốn đăng ký đạt 8,60 tỷ USD và 429 dự án cấp mới. Tính lũy kế tới hết năm 2018, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số một về đầu tư FDI vào Việt Nam với 62,57 tỷ USD, theo sau là Nhật Bản với 57,02 tỷ USD.
Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý IV/2018. Trái với những nhận định trước đây về rủi ro lạm phát tăng cao trong quý cuối năm, việc giá năng lượng bất ngờ đảo chiều từ tháng 10 đã góp phần không nhỏ kìm hãm lạm phát. Lạm phát được duy trì dưới 4%, thậm chí là dưới 3% vào tháng 12. Tính chung cả năm, lạm phát bình quân đạt 3,54%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.
Thương mại quý IV/2018 tiếp tục có những bước tiến tích cực, tuy không còn ghi nhận mức tăng trưởng cao như cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 9,2% và 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đây cũng là quý thứ 6 liên tiếp Việt Nam có thặng dư thương mại và đạt 0,9 tỷ USD.
Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng đưa ra dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ đạt 6,9%, tăng 0,1% so với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua.
“Chỉ tiêu về tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt qua trong bối cảnh Việt Nam đang có một số thuận lợi khách quan. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ khi giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới trồi sụt thất thường”, ông Thành lưu ý.
Về triển vọng kinh tế năm 2019, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, triển vọng về dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để từ đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thay vì sa đà vào việc cố gắng bảo vệ và duy trì khu vực doanh nghiệp Nhà nước vốn dĩ không thể hoạt động hiệu quả bằng khu vực tư nhân”, ông Thành khuyến nghị.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc khi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được thông qua.
Viện trưởng VEPR cảnh báo, vấn đề lớn nhất của Việt Nam vẫn nằm ở chính sách tài khóa. “Trong nhiều năm gần đây, bức tranh ngân sách và nợ công không được cải thiện. Quy mô nợ công lớn và sát ngưỡng cho phép (65% GDP) khiến gánh nặng chi trả nợ lãi ngày càng cao. Nguồn thu ngân sách vẫn chỉ đủ hoặc dư thừa không đáng kể sau khi thực hiện tiêu dùng của nhà nước, không có tiết kiệm (phải vay nợ) để thực hiện đầu tư phát triển”, ông Thành nói.
Những lợi thế khách quan
Báo cáo của VEPR nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn tác động tới tương lai của kinh tế toàn cầu. Trong ngắn hạn, chiến tranh thương mại có thể làm suy giảm triển vọng kinh tế thế giới nói chung và thương mại toàn cầu nói riêng. Tuy nhiên, tác động quan trọng hơn của cuộc chiến nằm ở sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Theo Báo cáo, dòng dịch chuyển sản xuất nhận được nhiều sự quan tâm nhất là chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước láng giềng châu Á. Phòng Thương mại Mỹ tại Nam Trung Quốc đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc thì có đến 60% doanh nghiệp sẽ trì hoãn hoặc hủy các kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc, và 70% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát sẽ rời khỏi Trung Quốc.
TS. Nguyễn Đức Thành cũng khẳng định, căng thẳng thương mại Mỹ -Trung đang tạo tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam. (Nguồn: Thuonggiaonline.vn) |
Báo cáo cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất. Việt Nam sẽ là một điểm đến sáng giá nhất do tính tương đồng về văn hóa và môi trường thể chế. Giá nhân công rẻ, khéo tay cùng với tình hình ổn định kinh tế-chính trị cũng là những lợi thế khác của Việt Nam. “Để nắm bắt được cơ hội này, đòi hỏi Việt Nam phải cố gắng rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước”, Báo cáo cho hay.
TS. Nguyễn Đức Thành cũng khẳng định, căng thẳng thương mại Mỹ -Trung đang tác động tới nền kinh tế Việt Nam. Nếu có chính sách tỷ giá phù hợp, thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ các xung đột thương mại nói trên. Dù vậy, Việt Nam vẫn sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như bất lợi về lợi thế quy mô như Trung Quốc và Ấn Độ.