📞

Dịch Covid-19: Ấn Độ tung ra thị trường thuốc tiêm cho bệnh nhân nặng, cuộc đua thuốc điều trị 'gặt' nhiều thành quả 

Chu An 15:29 | 22/06/2020
TGVN. Tối 21/6, Hãng dược Cipla của Ấn Độ thông báo đã tung ra thị trường nội địa loại thuốc tiêm Remdesivir kháng virus hàm lượng 100 mg ở dạng bột đông khô để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 thể nặng. 
Ấn Độ tung ra thị trường nội địa thuốc tiêm Remdesivir cho bệnh nhân nặng. (Nguồn: Business-Standard)

Remdesivir là thuốc kháng virus phổ rộng do Công ty dược sinh học Gilead Sciences của Mỹ bào chế. Công ty này đã gia hạn giấy phép chống độc quyền cho một số công ty dược ở Ấn Độ và Pakistan, trong đó có hãng Cipla, để sản xuất và tiếp thị thuốc Remdesivir.

Giám đốc điều hành Cipla Umang Vohra, cho biết, việc hãng tung ra thị trường trong nước thuốc tiêm remdesivir là một mốc quan trọng trong nỗ lực cùng với các nước khác trên thế giới cứu hàng triệu người mắc Covid-19.

Hãng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với mọi đối tác trong hệ thống sinh thái y tế để mọi người dân đều có thể tiếp cận được với các biện pháp điều trị đầy hứa hẹn trong tương lai. Tuy nhiên, ông Vohra không tiết lộ về giá loại thuốc tiêm này.

Cipla sẽ thương mại hóa thuốc tiêm remdesivir qua các cơ sở của riêng hãng cũng như qua các địa chỉ đối tác. Hãng sẽ cung cấp thuốc thông qua Chính phủ và các kênh thị trường mở để đảm bảo thuốc được phân phối công bằng.

Hồi tuần trước, hãng dược Glenmark của Ấn Độ cũng đã tung ra thị trường trong nước thuốc kháng virus Favipiravir điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và vừa phải, với giá 1,35 USD/viên.

Tính đến sáng 22/6, Ấn Độ xếp thứ 4 trên thế giới về số ca mắc Covid-19 nhiều nhất, với 174.387 ca, trong đó có 13.699 ca tử vong.

Liên quan đến các nghiên cứu để tìm ra thuốc điều trị Covid-10, theo nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Computational ­Biology Chemistry, một loại thuốc mới kháng virus có tên alpha-ketoamide 13b vừa được chứng minh tính hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của SARS-CoV-2 thông qua mô phỏng trên máy tính.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash của Australia đã tiến hành mô phỏng khái quát thuốc alpha-ketoamide 13b trên một siêu máy tính, qua đó nhận thấy loại thuốc này có khả năng chặn đứng việc nhân bản SARS-CoV-2.

Nhà nghiên cứu cấp cao Tom Karagiannis cho biết, alpha-ketoamide 13b đã "phong tỏa" chặt khu vực enzim chính của virus hoạt động và cơ chế này đóng vai trò phá hủy protein của virus bên trong các tế bào, từ đó cản trở việc nhân bản virus SARS-CoV-2.

Hoạt động mô phỏng trên máy tính cho thấy quá trình phong tỏa nói trên diễn ra ổn định trong nhiều lần mô phỏng kéo dài.

Alpha-ketoamide 13b là một hợp chất mới và được nhóm nghiên cứu của Giáo sư Rolf Hilgenfeld tại Đức phát triển dựa trên các hợp chất ketoamide sau đợt bùng phát dịch SARS hồi năm 2003.

Nhà nghiên cứu Karagiannis cho biết, các nhà khoa học Đức mới đây cũng đã chỉ ra cơ chế hoạt động của hoạt chất alpha-ketoamide trong việc nuôi cấy tế bào và bày tỏ hy vọng, hoạt chất này có thể đạt hiệu quả qua đường hô hấp.

Ông Karagiannis cho biết thêm, ông và các cộng sự sẽ tiếp tục thẩm định các loại thuốc mới kháng virus SARS-CoV-2 có nhiều triển vọng.

Trong khi đó, tại Anh, các nhà nghiên cứu cho biết, thuốc Dexamethasone có sẵn rộng rãi có thể là chìa khóa trong việc giúp điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 bị bệnh nặng nhất cần phải thở máy hoặc thở oxy.

Phát hiện này vẫn là sơ bộ, chưa được công bố trên một tạp chí đánh giá ngang hàng. Việc dùng Dexamethasone liều thấp trong 10 ngày đã giảm nguy cơ tử vong đối với một phần ba số bệnh nhân nhập viện cần thở máy tham gia thử nghiệm.

"Đó là một kết quả có ý nghĩa thống kê cao", Martin Landray, phó điều tra viên chính của thử nghiệm và là giáo sư tại Đại học Oxford cho biết.

"Đây là một kết quả hoàn toàn thuyết phục. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nghiên cứu trên các bệnh nhân trong cộng đồng”.

(theo CNBC TV18, CNN)