Với hơn 2,5 triệu ca mắc Covid-19, châu Âu vẫn là châu lục bị ảnh hưởng dịch bệnh tồi tệ nhất thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Với 2.500.091 ca nhiễm, trong đó có 192.158 ca tử vong, châu Âu hiện là châu lục bị ảnh hưởng dịch bệnh tồi tệ nhất thế giới. Trong khi đó, tại khu vực Mỹ Latinh, dịch bệnh đang lây lan với tốc độ đáng lo ngại, nhanh nhất từ trước tới nay. Trên phạm toàn cầu, thế giới đã ghi nhận 8.680.649 ca nhiễm, trong đó 459.976 người đã tử vong.
Nga có số bệnh nhân Covid-19 cao nhất tại châu Âu - 576.952 người và 8.002 ca tử vong. Tiếp đến là Anh (lần lượt là 301.815 bệnh nhân và 42.461 người không qua khỏi), Tây Ban Nha (245.575 bệnh nhân và 28.315 người tử vong), và Italy (238.011 người nhiễm bệnh và 34.561 trường hợp tử vong).
Tại khu vực Mỹ Latinh, dịch bệnh đang lây lan với tốc độ đáng lo ngại, nhanh nhất từ trước tới nay. Nguy hiểm nhất là Brazil, sau gần 4 tháng bùng phát dịch bệnh Covid-19, số ca nhiễm mới tại quốc gia Nam Mỹ này vẫn tiếp tục xu hướng tăng và đến nay tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã vượt qua con số 1 triệu người cho dù theo đánh giá của các chuyên gia thì thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn đỉnh dịch.
Tuy nhiên, Cuba được coi là điểm sáng tại khu vực. Đúng 100 ngày kể từ khi tuyên bố bắt đầu chiến dịch chống Covid-19 từ ngày 10/3, Chính phủ Cuba đã cho phép bắt đầu giai đoạn đầu tiên của quá trình tái khởi động nền kinh tế - xã hội tại 13/15 tỉnh, thành của cả nước. Hai địa phương duy nhất vẫn buộc phải duy trì các biện pháp cách ly và phòng chống dịch là thủ đô La Habana và tỉnh lân cận Matanzas.
Tại châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới. Ngày 20/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo có thêm 27 ca mắc Covid-19 mới ở đại lục, trong đó 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 4 ca nhập cảnh. Theo NHC, trong số 23 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng thì 22 ca ở thành phố Bắc Kinh trong khi 1 ca còn lại được phát hiện ở tỉnh Hà Bắc (Hebei).
Số liệu mới nhất trên trang worldometers.info cho thấy, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 83.352 ca, trong đó có 4.634 ca tử vong. 78.410 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.
Tại Ấn Độ, trong 24 giờ qua, số ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay. Theo thông báo ngày 20/6 của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, trên cả nước ghi nhận thêm 14.516 ca nhiễm mới và 375 trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 và số ca tử vong từ khi dịch bệnh bùng phát lên lần lượt là 395.048 người và 12.948 người.
Tính đến nay, đất nước sông Hằng đã có tổng cộng 213.831 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện.
Trong khi đó, Saudi Arabia từ ngày mai (21/6) sẽ dỡ bỏ một lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và khôi phục tất cả hoạt động kinh tế và thương mại.
Ngày 20/6, Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia (SPA) dẫn một nguồn tin từ Bộ Nội vụ nước này cho biết lệnh giới nghiêm sẽ được dỡ bỏ vào 6h ngày 21/6. Tuy nhiên, lệnh cấm đối với một số hoạt động như Umrah (hành hương của tín đồ Hồi giáo tới thánh địa Mecca), các chuyến bay quốc tế, nhập cảnh vào nước này qua các biên giới trên bộ và các sự kiện tụ tập xã hội hơn 50 người vẫn có hiệu lực.
Saudi Arabia, quốc gia có dân số khoảng 30 triệu người, đã cho phép người lao động trở lại làm việc, các trung tâm thương mại mở cửa trở lại và các tín đồ Hồi giáo được phép cầu nguyện tại các nhà thờ theo 3 giai đoạn kể từ tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó, lệnh phong tỏa đối với thành phố Jeddah, điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 2 nước này chỉ sau thủ đô Riyadh, dự kiến cũng sẽ kết thúc vào ngày 21/6.
Để ngăn chặn dịch bệnh, Saudi Arabia đang triển khai các bước đi cứng rắn nhằm hạn chế tốc độ lây lan dịch bệnh, như ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc, dừng gần như hầu hết tất cả các hoạt động không thiết yếu.
Theo worldometers.info, tính đến 21h ngày 20/6 (giờ Việt Nam), Saudi Arabia ghi nhận 154.233 bệnh nhân Covid-19, trong đó 1.230 người đã tử vong. Nước này đã từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau khi tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực.