Cụ bà thuộc Viện dưỡng lão Domenico Sartor ở Castelfranco Veneto, gần Venice, Italy, ôm con gái khi cô đến thăm trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan chóng mặt tại nước này, tháng 11/2020. (Nguồn: Getty) |
Cuối năm 2019, ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) bắt đầu xuất hiện căn bệnh lạ gây viêm phổi cấp, căn bệnh mà ở thời điểm đó vẫn chưa ai biết được rằng nguyên nhân của nó chính là do virus SARS-CoV-2 gây ra.
1 năm chưa có ngày bình yên
Không ai có thể ngờ rằng, căn bệnh đó sau này đã bùng phát trở thành đại dịch toàn cầu và sau một năm hoành hành, đến nay nó khiến hơn 56 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 1,3 triệu người. Thế giới vẫn chưa được một ngày bình yên kể từ khi Covid-19 xuất hiện.
Nếu như vào cuối năm 2019, giới chuyên gia đã từng đưa ra dự báo về những gam màu lạc quan trong bức tranh triển vọng thế giới năm 2020, như sự thịnh vượng toàn cầu đang tăng lên, các quốc gia đều cải thiện điều kiện sống, xung đột bạo lực giảm bớt…, thì một cú sốc không thể lường trước đã ập đến. Đó là sự xuất hiện và lây lan tới chóng mặt, vượt ra ngoài biên giới của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Từ đây, Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 được cho là xuất phát từ một chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào khoảng giữa tháng 11/2019.
Cho đến nay, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 56,6 triệu ca nhiễm và 1,35 triệu trường hợp tử vong. Cú sốc Covid-19 đã buộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu ngày 30/1, rồi sau đó xác nhận đây là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3.
Việc WHO công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu sau 3 tháng kể từ khi căn bệnh này xuất hiện đã phản ánh khả năng lây lan virus trên diện rộng về mặt địa lý khiến WHO lo ngại và mục đích của WHO là mong muốn tất cả các nước trên thế giới cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, có thể thấy con virus tuy bé nhỏ nhưng lại biến ảo vô cùng khó lường. Trong khoảng 1 năm qua, đã có lúc dịch có dấu hiệu lắng xuống như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, hay các nước châu Âu, nhưng rồi sau đó lại nhanh chóng bùng phát trở lại.
Rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu hiện đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai gia tăng nhanh chóng mặt. Đáng lo ngại hơn nữa là khoảng thời gian để số ca nhiễm tăng thêm 10 triệu người đang ngày càng ngắn lại.
Kể từ sau những ca mắc bệnh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, đến thời điểm ngày 3/4/2020, thế giới đã cán mốc 1 triệu người nhiễm. Lúc này tính trung bình cứ 8 giây lại có thêm 1 ca nhiễm. Nhưng từ sau thời điểm này con số lây nhiễm tăng chóng mặt.
Ngày 27/6, tức là 6 tháng sau ca nhiễm đầu tiên, số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã tăng lên 10 triệu ca. Từ thời điểm này, chỉ 7 tuần sau, đến ngày 9/8, số ca mắc đã tăng lên 20 triệu. Và chỉ mất hơn 5 tuần sau đó nữa thì số ca mắc đã tăng lên là 30 triệu ca (thời điểm ngày 16/9).
Ngày 18/10, số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã vượt 40 triệu ca. Như vậy, thời gian để số ca mắc tăng từ 30 triệu lên 40 triệu lại bị rút ngắn lại, chỉ trong vòng hơn 4 tuần.
Và chỉ chưa đầy 1 tháng (từ ngày 18/10 đến 8/11), tổng số ca bệnh trên thế giới đã tăng thêm 10 triệu ca (từ 40 triệu lên 50 triệu). 9 ngày sau đó, thế giới đã chạm mốc 55 triệu ca nhiễm (vào ngày 17/11)…
Các khoảng cách thời gian cứ thu hẹp dần càng củng cố thêm nhận định của WHO đưa ra hồi đầu tháng 10 vừa qua rằng, thế giới đang bước vào giai đoạn dịch bệnh “nguy hiểm”.
Chưa có điểm dừng
Trước tình thế cấp bách như hiện nay, các cuộc chạy đua nước rút để sớm tìm ra loại vaccine Covid-19 hiệu quả giúp kiểm soát dịch bệnh tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo WHO, hiện có hơn 165 "ứng cử viên" vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn phát triển. Hàng loạt loại vaccine tiềm năng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và một số loại đang trong giai đoạn xin giấy phép. Nhiều nước cũng rục rịch chuẩn bị các kịch bản tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà ngay đầu năm 2021 tới.
Quá trình phát triển vaccine Covid-19 trên khắp thế giới trong một năm qua đã xô đổ nhiều kỷ lục về thời gian và chi phí.
Nga là quốc gia đầu tiên cấp phép cho vaccine Covid-19 với tên Sputnik V, gây rất nhiều tranh cãi về hiệu quả khi chỉ mới đi qua 2 giai đoạn thử nghiệm và chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 3.
Nhưng đến nay, vaccine của Nga vẫn tiếp tục vừa được sử dụng vừa được thử nghiệm và chưa được sản xuất đại trà để cung cấp cho các quốc gia đặt hàng.
Trong khi đó, tuần qua, một thông tin tích cực được đưa ra về kết quả thử nghiệm vaccine Covid-19 của Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) được cho là có hiệu quả lên đến 90%, đã mang lại thêm nhiều hy vọng và động lực cho giới khoa học và nhân loại trong cuộc chiến tìm vaccine chặn đứng đại dịch toàn cầu.
Sau Pfizer, một nhà sản xuất thuốc khác của Mỹ là Moderna cũng cho biết, ứng cử viên vaccine mRNA của họ cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ, theo dữ liệu sơ bộ từ các thử nghiệm giai đoạn cuối. Moderna cho biết vaccine thử nghiệm mRNA-1273 của họ dường như có hiệu quả 94,5% - nhiều hơn so với của Pfizer’s của Mỹ và Sputnik V của Nga.
Tuy nhiên, cho dù ngày càng có nhiều người hy vọng, sẽ sớm có một loại vaccine hiệu quả giúp thế giới kiểm soát đại dịch Covid-19, thì thực tế cho thấy, chặng đường phía trước vẫn sẽ còn dài.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cuối tuần qua vẫn cảnh báo thế giới không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Theo ông Ghebreyesus, “không còn nghi ngờ vaccine sẽ là công cụ quan trọng để kiểm soát đại dịch và chúng ta đang được khích lệ bởi kết quả sơ bộ từ các thử nghiệm lâm sàng được công bố trong tuần này.
Chưa bao giờ trong lịch sử, việc nghiên cứu vaccine lại tiến triển nhanh như vậy. Nhưng cần phải đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ những thành tựu khoa học này. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Thế giới không thể “bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ” mà quên đi nhiều công cụ quan trọng khác".
Một năm trôi qua, Covid-19 thực sự đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân trên thế giới, đặt ra câu hỏi lớn về phát triển và phục hồi bền vững cho các nền kinh tế. Trong khi đó, thời điểm kết thúc đại dịch vẫn là câu hỏi chưa thể có câu trả lời.