Số ca nhiễm Covid-19 tại Mexico đang tăng lên hàng ngày. (Nguồn: Reuters) |
* Bộ Y tế Mexico ngày 11/4 ghi nhận thêm 375 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 4.219 trường hợp, trong đó có 273 ca đã tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Panama cũng đã ghi nhận thêm 260 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 3.234 trường hợp, trong đó có 79 ca tử vong.
Tình trạng thiếu các thiết bị y tế chuyên dụng cần thiết để đối phó với dịch bệnh Covid-19 đang là nỗi lo của nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Phi.
* Ngày 11/4, Bộ trưởng Y tế Sudan Akram Ali Altom cho biết nước này cần huy động gấp khoản tiền lên đến 120 triệu USD để đối phó với đại dịch Covid-19, trong bối cảnh thiếu hụt các thiết bị y tế cần thiết.
Theo ông Altom, cơ quan chức năng Sudan đang xây dựng chiến lược để đối phó với dịch Covid-19 trong trường hợp dịch bệnh kéo dài đến cuối tháng 6/2020. Và để có được nguồn lực phục vụ kế hoạch này, Sudan phải huy động 120 triệu USD để mua sắm các trang bị, vật tư y tế cũng như xây dựng các cơ sở xét nghiệm, điều trị đủ tiêu chuẩn.
Đến nay, Sudan mới chỉ ghi nhận 19 trường hợp dương tính với chủng mới của virus SARS-CoV-2, trong đó 2 người đã tử vong, nhưng dịch Covid-19 xuất hiện đúng thời điểm nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế.
Với điều kiện cạn kiệt về nguồn lực hiện tại, hệ thống y tế Sudan không thể đối phó hiệu quả nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Nước này hiện chỉ có khoảng 100 máy thở và số lượng giường bệnh hạn chế phục vụ điều trị Covid-19.
Để chủ động đối phó với sự xâm nhập và lây lan của SARS-CoV-2, Sudan bắt đầu tiến hành kiểm tra sức khoẻ những hành khách nhập cảnh qua đường hàng không từ tháng 2/2020. Vào tháng 3, nước này đã tạm dừng khai thác các chuyến bay chở người và đóng cửa các tuyến biên giới, trừ mục đích thương mại.
Chính phủ Sudan cũng ban bố lệnh giới nghiêm, đóng cửa các cơ sở giáo dục, cấm tụ tập đông người. Tuy nhiên, một bộ phận người dân Sudan không chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
* Hãng hàng không Air Algérie ngày 11/4 đã thực hiện 2 chuyến bay từ thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về thủ đô Algiers để hồi hương khoảng 600 công dân Algeria bị mắc kẹt ở quốc gia này bởi lệnh cấm các chuyến bay thương mại do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Động thái này được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune để hồi hương công dân Algeria bị mắc kẹt ở nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 đến nay, Algeria đã hồi hương hơn 8.000 công dân nước này bị mắc kẹt ở nhiều nước châu Âu, Trung Đông và cả châu Phi.
Cùng ngày, theo truyền thông địa phương, đơn hàng thứ 2 về các trang thiết bị y tế để đối phó với đại dịch Covid-19, được nhập khẩu từ Trung Quốc, đã về đến thủ đô Algiers. Đơn hàng này gồm 30 tấn trang thiết bị bảo hộ, máy hô hấp nhân tạo, khẩu trang…
Trước đó, chính quyền Algeria tiết lộ đã đặt hàng từ Trung Quốc 100 triệu khẩu trang phẫu thuật và 30.000 bộ dụng cụ xét nghiệm sàng lọc cũng như nhiều trang thiết bị y tế khác.
* Ngày 11/4, Tổng thống Tunisia Kais Saied đã cử một đoàn bác sỹ sang Italy để hỗ trợ quốc gia Nam Âu đối phó với đại dịch Covid-19.
Đoàn tình nguyện viên Tunisia, bao gồm các bác sỹ trong lĩnh vực gây mê, hồi sức và an toàn sinh học cũng như các y tá chăm sóc đặc biệt sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ các đồng nghiệp Italy trong điều trị các bệnh nhân Covid-19.
Tổng thống Kais Saied khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc Tunisia cử đoàn bác sỹ đến Italy thể hiện tình đoàn kết của quốc gia Bắc Phi này với Italy cũng như tinh thần trách nhiệm của Tunisia trong các vấn đề quốc tế.
Hiện tại, dịch Covid-19 tại Tunisia đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện ở 13/24 tỉnh, thành trong cả nước. Ngày 11/4, cơ quan chức năng Tunisia đã ghi nhận thêm 14 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 685 người, trong đó 28 trường hợp đã tử vong và 43 người đã được điều trị khỏi hoàn toàn.