Hình minh họa. (Nguồn: viaglobalhealth) |
Nguy cơ lây nhiễm từ các thiết bị thăm khám
Thực tế hiện nay có nhiều người bị sốt, ho và có các triệu chứng bệnh lý về đường hô hấp, họ sẽ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế ở tuyến đầu. Để xác định tình trạng bệnh lý của người bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành điều tra tiền sử dịch tễ, bệnh sử, thăm khám như nghe tim phổi, làm các xét nghiệm, chụp X-quang hạy chụp CT ngực…
Các cơ sở y tế ở tuyến đầu khi tiếp xúc lần đầu tiên với người bệnh chưa thể xác định được bệnh nhân có bị nhiễm Covid-19 hay không. Vì thế, việc sử dụng các thiết bị như ống nghe và các thiết bị X-quang để thăm khám có thể bị nhiễm virus và sẽ làm lây lan trong bệnh viện.
Các loại ống nghe thường không có vỏ bọc, đồng thời, trong quá trình sử dụng, ống nghe có thể chạm nhầm vào mắt, miệng người bệnh. Bên cạnh đó, ống nghe phải gắn trực tiếp vào tai bác sĩ khiến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao hơn các thiết bị thăm khám khác.
Đối với chụp X-quang phổi, người bệnh phải di chuyển từ phòng bệnh sang phòng X-quang. Để thực hiện quy trình thăm khám này, phải có thêm nhân viên y tế tham gia và sử dụng các thiết bị phức tạp hơn. Việc này có thể làm lây lan mầm bệnh sang nhân viên y tế (từ bác sĩ đến y tá, kỹ thuật viên X-quang) và cả những bệnh nhân khác khiến họ có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn.
Ưu điểm của phương pháp siêu âm phổi
Năm 2016, tạp chí y học Acta Medica Academica đã đăng một nghiên cứu của bác sĩ tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Latisana (Italy) Roberto Copetti với tựa đề “Siêu âm phổi có phải là ống nghe của thiên niên kỷ mới hay không? Chắc chắn là có!”.
Trong bài viết, bác sĩ Copetti nhấn mạnh, siêu âm phổi có một số lợi thế so với việc sử dụng ống nghe. Khoảng 95% trường hợp khám phổi bằng ống nghe tim phổi thông thường không xác định được tình trạng phổi bị đông đặc trong khoảng kích thước dưới 30mm. Những bất thường này thường thấy trong giai đoạn đầu của viêm phổi, trong khi đó, siêu âm phổi có thể xác định được.
Thêm vào đó, vì siêu âm là một kỹ thuật không bức xạ nên khi khám cho trẻ em và phụ nữ có thai sẽ không phải lo ngại về nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ. Đặt trong bối cảnh tình hình Covid-19 đang lây lan, việc thăm khám bằng phương pháp siêu âm phổi rất phù hợp.
Ngoài ra, những nghiên cứu khác cũng cho thấy độ chính xác của siêu âm trong việc phát hiện các bệnh lý của phổi, từ viêm phổi do vi khuẩn và virus đến hội chứng suy hô hấp cấp tính, không thua kém so với chụp X-quang và thăm khám lâm sàng.
Ngay tại Việt Nam, một số thầy thuốc cũng cho rằng, siêu âm có giá trị tương đương với chụp CT trong một số bệnh lý ở phổi. Ngoài ra, siêu âm có ưu điểm hơn là làm tại giường, làm lại nhiều lần, thực hiện nhanh và chi phí thấp. Vì thế, siêu âm phổi có thể được coi là phương tiện thăm dò tại giường đạt “tiêu chuẩn vàng”.
Theo bài viết mới đây đăng trên tạp chí The Lancet của các bác sĩ tại Italy - quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, việc siêu âm hiện nay rất cần thiết nhằm hạn chế các đợt bùng phát dịch bệnh vì nó có thể cho phép thực hiện đồng thời thăm khám lâm sàng và chụp ảnh phổi tại giường bởi cùng một bác sĩ.
Để giảm thiểu việc phải sử dụng nhiều thiết bị và nhiều chuyên gia y tế trong quá trình thăm khám và điều trị, nhóm nghiên cứu đã giới thiệu quy trình thăm khám và đánh giá trẻ bị nghi ngờ nhiễm Covid-19 bằng siêu âm phổi. Thiết bị là máy siêu âm bỏ túi bao gồm đầu dò không dây và máy tính bảng, cả hai thiết bị này được bao bọc trong 2 bao nhựa riêng biệt sử dụng một lần.
Chỉ với một bác sĩ nhi khoa và một trợ lý, cả hai được mặc đồ phòng hộ cá nhân theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ cầm đầu dò và tiến hành siêu âm phổi cho người bệnh, trợ lý giữ màn hình điều chỉnh, chụp và lưu hình ảnh, không chạm vào bệnh nhân và các phương tiện xung quanh.
Sau khi siêu âm xong, dụng cụ siêu âm được cho vào túi chuyển đến khu xử lý riêng biệt, tháo đầu dò và máy tính bảng ra khỏi vỏ bọc, bỏ vỏ bọc và túi rác thải lây nhiễm, dùng vải mềm tẩm dung dịch sát khuẩn lau khử khuẩn các thiết bị này.
Thiết bị siêu âm bỏ túi. (Nguồn: Lancet) |
Đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế
Trong bài viết được đăng trên chuyên mục Respiratory Medicine (Thuốc về hô hấp) của tạp chí Lancet, bác sĩ Jonathan Cheung và các đồng nghiệp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ liên quan đến kiểm soát đường thở của người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Đồng thời, theo nhóm tác giả, cần phải thực hiện nghiêm ngặt kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện để tránh lây nhiễm chéo trong quá trình nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh. Nếu không có phương tiện phòng hộ đảm bảo an toàn, cán bộ y tế có thể bị phơi nhiễm.
Đặc biệt, nếu các cơ sở y tế không thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện một cách nghiêm ngặt thì chính các nhân viện y tế có thể đưa virus SARS-CoV-2 từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác thông qua tiếp xúc trực tiếp từ nhân viên y tế với nhiều người bệnh và có thể tạo ra sự bùng phát dịch bệnh ngoài cộng đồng.
Trong đợt bùng phát Covid-19, để hạn chế lây nhiễm, cần phải lựa chọn những phương pháp đảm bảo an toàn trong chăm sóc và điều trị người bệnh tại các bệnh viện. Vì thế, siêu âm phổi với quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ là phương pháp được lựa chọn ít rủi ro lây nhiễm hơn so với sử dụng ống nghe và X-quang trong chẩn đoán và theo dõi điều trị người bệnh.