📞

Dịch cúm H5N8 ảnh hưởng tới xuất khẩu của Pháp

15:35 | 03/12/2016
Đợt bùng phát mới dịch cúm gia cầm H5N8 đã tác động không nhỏ tới các nhà chế biến sản phẩm từ gan ngỗng của Pháp.

Ngày 3/12, Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, đợt bùng phát dịch cúm gia cầm được ghi nhận sau khi giới chức mới phát hiện chủng virus H5N8 tại một trang trại nuôi gia cầm ở vùng Tarn, miền Tây Nam nước này. Nơi đây vốn được coi là "trung tâm sinh lợi" của ngành công nghiệp sản xuất gan ngỗng.

Hoạt động xuất khẩu các sản phẩm từ gan ngỗng tới các nước ngoài EU đã bị đình lại sau đợt bùng phát dịch cúm gia cầm cách đây một năm và các nhà chế biến đang chờ được giới chức EU "bật đèn xanh" cho việc nối lại hoạt động này ngay sát kỳ nghỉ lễ Giáng sinh - thời điểm gan ngỗng trở thành món ăn được ưa chuộng đặc biệt.

Một công nhân đang đóng gói thức ăn chế biến từ gan ngỗng. (Nguồn: AFP)

Nhật Bản, một trong những thị trường nhập khẩu gan ngỗng hàng đầu, cũng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu mặt hàng này của Pháp từ tháng 11 vừa qua sau khi vius cúm H5N8 được phát hiện tại 69 trang trại ở khu vực Tây Nam Pháp.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp Pháp cảnh báo hậu quả của đợt bùng phát dịch mới lần này khiến nền kinh tế Pháp sẽ "khó phục hồi như thời điểm trước khi xuất hiện dịch". Tuy vậy, bộ này cũng cho biết hoạt động xuất - nhập khẩu sản phẩm gan ngỗng vẫn sẽ được duy trì giữa các nước thành viên EU.

Trước đó, giới chức Pháp thông báo đã tiêu hủy khoảng 7.000 con gia cầm trong khi khoảng 4.500 con khác đã chết vì nhiễm virus cúm gia cầm tại miền Tây Nam nước này. Trong số hàng nghìn trường hợp bị tiêu hủy, có nhiều trường hợp nghi nhiễm hoặc đã được xác nhận nhiễm virus H5N8 tại nhiều địa phương cùng nhập gia cầm từ nông trại nói trên ở Tarn.

Trước đó, hồi tháng 11, Bộ Nông nghiệp Pháp cũng đã kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh nghiêm ngặt nhằm tránh để virus lây lan trong các khu vực có nguy cơ cao. Theo đó, những chủ nông trại phải nhốt gia cầm trong chuồng, hoặc sử dụng lưới bảo vệ để tránh gia cầm tiếp xúc với các loài chim hoang dã cũng như cấm săn bắn ở các khu vực có nguy cơ cao.

Trong diễn biến liên quan, ngày 2/12, Cơ quan An toàn thực phẩm Phần Lan thông báo nước này đã ban hành các biện pháp phòng ngừa sau khi ghi nhận virus cúm H5N8 trên xác của một số con công và loài vịt hoang dã đã chết ở quần đảo Aaland, miền Tây Nam nước này.

Virus cúm H5N8 chưa được phát hiện ở người, song hàng triệu con gia cầm ở châu Á, chủ yếu ở Hàn Quốc, bị tiêu hủy hồi năm 2014, trước khi lan sang châu Âu. Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới cảnh báo, dịch cúm gia cầm H5N8 có thể dễ xảy ra ở châu Âu do chim hoang dã có thể làm lây lan virus khi di cư xuống phía Nam.

(theo Reuters, Telegraph)