📞

Dịch giả Giáp Văn Chung: Người đến từ phương Đông

14:00 | 07/10/2018
Có một câu nói của nhà văn Hungary Márai Sándor mà dịch giả Giáp Văn Chung tâm huyết, đó là “con người ta có thể đi về phương Tây nhưng không bao giờ được quên mình đến từ phương Đông”. 

Kỹ sư giao thông Giáp Văn Chung du học tại Hungary từ năm 1970 - 1976. Thời đó, du học sinh không được đăng ký học theo nguyện vọng nên ông được phân công vào Khoa Giao thông tại Trường Đại học Bách khoa Budapest.

Tâm hồn thi sĩ                     

Vốn thích đọc sách từ nhỏ, mỗi khi đến thăm gia đình những người bạn Hungary, ông đều ngạc nhiên và thích thú vì được nhìn ngắm những tác phẩm văn học được xếp ngăn nắp, tỉ mỉ. Ban đầu, ông đọc thơ Hungary với mục đích để học tiếng vì đây là một trong những ngôn ngữ được coi là khó học nhất. Về sau, ông mê thơ và nền văn học Hungary từ lúc nào...

Sau khi tốt nghiệp, năm 1977, Giáp Văn Chung về nước và được phân công dạy ở Đại học Giao thông vận tải Hà Nội. Thời gian này, ông bắt đầu dịch một số bài thơ, truyện ngắn Hungary. Vì không quen ai trong giới văn chương nên các tác phẩm của ông chủ yếu để phục vụ cho bạn bè. Đến năm 1988, khi quay lại Hungary làm nghiên cứu sinh, ông đưa gia đình sang cùng và cuộc mưu sinh khiến ông không còn thời gian cho việc dịch thuật. 

Dịch giả Giáp Văn Chung phát biểu tại một buổi tọa đàm văn học tại Hà Nội. (Ảnh: An Bình)

Năm 1991, Giáp Văn Chung bảo vệ luận án tiến sĩ và ở lại giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Budapest. Từ năm 2000, khi cuộc sống ổn định hơn và con cái trưởng thành, ông mới có cơ hội quay lại với đam mê của mình, bắt đầu dịch một tập sách chính trị và sau đó là các tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Márai Sándor.

Được đồng nghiệp và bạn bè động viên, trong suốt mười mấy năm qua ông đã dịch khoảng 20 tác phẩm văn học Hungary sang tiếng Việt. Những tác phẩm dịch nổi tiếng của ông được nhiều người biết đến như Những ngọn nến cháy tàn, Bốn mùa, Trời và Đất, Casanova ở Bolzano, Lời bộc bạch của một thị dân của Márai Sándor; Thế giới là một cuốn sách mở của Lévai Balázs; Không số phận, Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời của Kertész Imre; Cánh cửa của Szabó Magda; Chiến tranh và chiến tranh của László Krasznahorkai... Bạn bè đều ngạc nhiên về sức làm việc kỳ lạ của người đã chuyển ngữ xuất sắc các tác phẩm đương đại của Hungary sang tiếng Việt.

Giao lưu văn hóa Việt Nam - Hungary

Với những đóng góp lớn lao ấy, không quá ngạc nhiên khi  Giáp Văn Chung đã được chính phủ Hungary trao tặng Giải thưởng Pro Cultura Hungarica (Vì nền văn hóa Hungary) vào năm 2011. Sáu năm sau, ông lại được Tổng thống Hungary vinh danh với Huân chương Magyar Arany  Érdemkereszt (Huân chương Công trạng Chữ thập vàng) vào tháng 9/2017. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước Hungary cho những nỗ lực bền bỉ của ông nhiều năm qua để dịch thuật, giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Không chỉ dịch văn học Hungary, Giáp Văn Chung đã cùng một số bạn chủ biên và cùng viết lời giới thiệu làm một tuyển tập truyện ngắn Việt Nam sang tiếng Hungary, được Nhà xuất bản Nhật ký Hungary ấn hành, trong đó có những truyện như Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Vũ điệu cái bô (Nguyễn Quang Thân), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)... Ông cảm thấy vui mừng khi xem truyền hình Hungary, có độc giả đã nói rằng tuyển tập truyện ngắn rất hay và trở thành cuốn sách yêu thích của họ. Bởi vậy, công việc dịch thuật khá bận rộn với những cống hiến thầm lặng nhưng ông vẫn thường về Việt Nam với những hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa hai nước

Mới đây, Giáp Văn Chung đã trở về nước cùng với những tọa đàm giới thiệu văn học Hungary đương đại do Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội tổ chức. Điều mà ông trăn trở là đội ngũ dịch tiếng Hungary sang tiếng Việt không nhiều, trong khi những dịch giả như ông đều đã tuổi cao nhưng vẫn chưa có lớp kế cận. Mặc dù vậy, Giáp Văn Chung vẫn ngày ngày kiên trì, cần mẫn với công việc của mình.

Giáp Văn Chung không chạy theo trào lưu những cuốn sách best seller (bán chạy nhất). Ngay từ đầu, ông chỉ chọn những tác phẩm có giá trị lâu bền và tầm ảnh hưởng lớn. Ông xác định bất kể là khó khăn đến đâu, ông cũng quyết tâm thực hiện đến cùng. Để thực hiện được ước mơ ấy, ông đặt mục tiêu lần lượt giới thiệu các tác giả lớn, cận hiện đại của Hungary. Mỗi tác giả ông phải dịch ít nhất hai, ba tác phẩm để độc giả có thể biết về các tác giả tiêu biểu đó và qua họ có thể hình dung tổng quát về diện mạo của văn học Hungary.

Một người bạn, người đồng nghiệp gần gũi của Giáp Văn Chung là Giáo sư Trương Đăng Dung đã động viên ông phải tiếp tục công việc dịch thuật để cho các nhà văn và độc giả Việt Nam thấy được thế giới đang viết như thế nào. Khi dịch tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của Giáo sư Trương Đăng Dung ra tiếng Hungary, ông cũng đã rất xúc động khi nhận được lời khích lệ là “anh đã làm thơ của tôi sống lại một lần nữa qua ngôn ngữ khác”.

Đằng sau những cuốn sách, tập thơ ý nghĩa ấy, người ta lại thấy ở Giáp Văn Chung một vốn tiếng Việt phong phú và chuẩn mực dù ông được đào tạo ở chuyên ngành về đầu máy toa xe và nhiều năm sinh sống ở nước ngoài. Có thể nói, ông phải nắm chắc mọi sắc thái, cung bậc của tiếng Việt và yêu tiếng mẹ đẻ của mình đến thế nào mới có thể trở thành một dịch giả tài năng như vậy.