Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, khi giới trẻ ý thức được việc đọc sách là quan trọng sẽ tạo ra sinh khí cho xã hội. (Ảnh: NVCC) |
Là người truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ trong việc đến gần hơn với sách, ông nhìn nhận như thế nào về văn hóa đọc sách của người trẻ thời nay?
Nhìn tổng thể nhóm đọc sách trong giới trẻ vẫn ít hơn nhóm không đọc. Tuy nhiên, điểm tích cực là số người đọc sách ngày một nhiều lên, trong đó có những bạn đọc nhiều, đọc rộng và sâu. Nhiều câu lạc bộ, diễn đàn đọc sách, thư viện miễn phí do chính các bạn trẻ lập ra đang hoạt động tích cực. Đấy là những điểm sáng đáng được trân trọng. Nó là tín hiệu cho thấy nếu tất cả đều nỗ lực thì văn hóa đọc sẽ phát triển được ở giới trẻ.
Để kiến tạo và xây dựng văn hóa đọc trong xã hội, nhất là với đất nước được xem là dân số trẻ như Việt Nam thì người trẻ đóng vai trò như thế nào, theo ông?
Tuổi trẻ có nhiều ưu điểm nổi trội như sức khỏe, sự nhiệt huyết, sự nhạy cảm với thời cuộc. Khi giới trẻ ý thức được việc đọc sách là quan trọng và chú tâm vào nó sẽ tạo ra sinh khí cho xã hội, thứ mà cụ Phan Châu Trinh ngày xưa gội là “dân khí”. Khi “dân khí” lên thì “dân trí” sẽ được cải thiện dần. Người trẻ sẽ tạo ra sức hấp dẫn khuyến khích được các nhóm ở các độ tuổi khác đọc sách và tham gia khuyến đọc. Tức là, họ sẽ trở thành hạt nhân của phong trào khuyến đọc. Khi đa phần thanh thiếu niên đọc sách, văn hóa đọc sẽ có sức mạnh lôi cuốn lớn.
Vậy để phát triển văn hóa đọc thời kỳ chuyển đổi số, theo ông cần những giải pháp gì?
Chúng ta cần cả chính sách vĩ mô là các bộ luật về thư viện, khuyến đọc, chính sách quốc gia về phát triển văn hóa đọc, chính sách ở các địa phương. Đồng thời, cần cả các phong trào, giải pháp đi từ dưới lên như hoạt động của các thư viện cơ sở, thư viện phục vụ cộng đồng, thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, các câu lạc bộ đọc sách. Chúng ta cũng nên đổi mới giáo dục thật sự để việc đọc trở thành nền tảng của việc học thay vì trường học và giáo viên chỉ làm mỗi một việc đơn điệu là luyện thi.
"Khi bỏ quên văn hóa đọc người ta sẽ bị biến thành người tiêu thụ văn hóa nghe nhìn thuần túy nhưng lại có ảo tưởng rằng mình làm chủ công nghệ. Công nghệ sẽ không hữu ích và sẽ có hại nếu nó không có văn hóa đi kèm". |
Các phong trào liên quan đến thanh niên cũng cần lấy văn hóa đọc và khuyến đọc làm nền tảng để thu hút thanh niên và phát huy sức mạnh của thanh niên. Các phong trào đang làm hiện nay như khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học… đều phải lấy nền tảng là văn hóa đọc nếu muốn nó đi vào chiều sâu và thực chất.
Hơn thế, nên khuyến khích thanh niên chủ động, sáng tạo trong việc tạo ra các diễn đàn, câu lạc bộ đọc sách và sáng lập các thư viện với nhiều mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn.
Có kinh nghiệm quốc tế gì mà ông muốn chia sẻ trong việc đưa sách đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là người trẻ?
So với Việt Nam, Nhật Bản có nền tảng văn hóa đọc tốt hơn nhiều cả về xuất phát điểm, bề dày truyền thống, hệ thống chính sách - pháp luật, cơ sở vật chất lẫn thành tựu. Từng gia đình, từng người dân cần ý thức sâu sắc về văn hóa đọc để có tủ sách gia đình và giúp cho con mình đọc sách. Bản thân người lớn cũng phải là người đọc sách thường xuyên mọi lúc mọi nơi có thể.
Bên cạnh đó, có thể học theo Nhật Bản khi thực hiện việc tặng một cuốn sách đầu đời cho mọi trẻ em khi ra đời trên lãnh thổ Việt Nam. Ở Nhật, người ta gọi là chương trình Book Start. Khi con tôi sinh ra ở Nhật cũng được nhận quà tặng này từ thành phố nơi tôi sống.
"Theo tôi quan trọng nhất không phải là nền tảng kỹ thuật mà là việc làm sao thanh niên có thói quen đọc sách và coi đọc sách là sinh hoạt hàng ngày trong thời đại số". |
Nhìn tổng thể, các bậc phụ huynh ở Nhật rất coi trọng việc giáo dục con cái. Họ ý thức được rằng, Nhật Bản là một nước nghèo về tài nguyên thiên nhiên và có môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, vì vậy, để có thể tồn tại và sống tốt trong xã hội, cá nhân cần phải có trí tuệ thông qua học hành.
Do đó, việc xây dựng tủ sách gia đình, đọc sách cho con nghe, hướng dẫn con đọc sách tại gia đình trở thành lẽ đương nhiên. Trẻ em trong các gia đình Nhật Bản được đọc sách khá sớm. Bản thân con tôi khi sinh ra ở Nhật đã được tặng cuốn sách đầu tiên và tôi được hướng dẫn cách đọc sách cho con nghe khi cháu mới 3 tháng tuổi.
Những trở ngại, rào cản của văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số là gì?
Việc quá sùng bái công nghệ và mạng Internet là một lực cản. Mặc dù chúng rất hữu ích nhưng không thể thay thế việc đọc sách và suy ngẫm sâu sắc. Người ta mải chạy theo số lượng, tốc độ nhanh mà quên mất chiều sâu và hiệu quả lâu dài. Khi bỏ quên văn hóa đọc người ta sẽ bị biến thành người tiêu thụ văn hóa nghe nhìn thuần túy nhưng lại có ảo tưởng rằng mình làm chủ công nghệ. Công nghệ sẽ không hữu ích và sẽ có hại nếu nó không có văn hóa đi kèm.
Muốn những công dân có thói quen đọc sách cần rất nhiều yếu tố, cần bắt đầu từ gia đình rồi tới việc cải cách giáo dục để nâng cao năng lực đọc của người Việt.
Với số lượng độc giả trẻ đang ngày càng tăng như hiện nay, việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thế nào để thu hút bạn đọc trẻ?
Thị trường sách điện tử tất yếu sẽ tăng. Muốn sách điện tử đến với bạn trẻ rộng rãi thì phải có chế tài bảo vệ bản quyền tác giả tốt. Nếu bản quyền không được bảo vệ các tác giả sẽ không trao quyền cho các nhà xuất bản phát hành bản điện tử. Tuy nhiên, theo tôi quan trọng nhất không phải là nền tảng kỹ thuật mà là việc làm sao thanh niên có thói quen đọc sách và coi đọc sách là sinh hoạt hàng ngày trong thời đại số. Cái đó mới là quan trọng số một.
Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã dịch và viết khoảng 90 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Ông tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Lịch sử, từng có 8 năm du học và làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Tự nhận mình là “Người bán sách rong”, Nguyễn Quốc Vương rong ruổi khắp đất nước với vai trò là diễn giả sôi nổi ở lĩnh vực khuyến đọc trong nhiều năm qua. Một số cuốn tiêu biểu như: - Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Hạnh phúc với cuộc sống thường ngày... - Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam… Giải thưởng: Giải Sách hay 2020 dành cho cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản. |
| ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Cần chú trọng nội dung sách điện tử để bắt kịp xu hướng của giới trẻ Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc ... |
| Con người đón 'sóng thần' công nghệ thế kỷ XXI Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, các trường phổ thông có thể chủ động đưa trí tuệ nhân ... |
| 'Vũ khí' của thanh niên thời đại số Tinh thần tiến thân, cập nhật và tận dụng thời cơ, nâng cao trình độ năng lực trong thời đại công nghệ 4.0 chính là ... |
| TS. Trịnh Lê Anh: Để người Việt trẻ 'bơi' được trong môi trường quốc tế Bằng kinh nghiệm của mình, TS. MC Trịnh Lê Anh (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thanh niên thời ... |
| Chuyên gia giáo dục: Nếu không đổi mới theo hướng số hóa, các trường đại học dễ 'thua ngay trên sân nhà' Tiến sĩ Phạm Hiệp, Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô chia sẻ, trong thời đại công nghệ, ... |