Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, đổi mới chương trình - sách giáo khoa quan trọng là tạo ra con người như thế nào? (Ảnh: NVCC) |
Thực hiện cơ chế một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương lớn trong cuộc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của sách giáo khoa trong cuộc đổi mới này?
Nhìn ở mặt lý luận khi Nhà nước chấp nhận một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa thì điều đó có nghĩa là đã thừa nhận “tính tương đối” của sách giáo khoa. Sách giáo khoa không còn là nơi duy nhất tập hợp các “chân lý đúng tuyệt đối” nữa. Đây sẽ là cơ sở để cả cơ quan quản lý giáo dục, trường học và giáo viên nhận ra vai trò, ý nghĩa to lớn của “thực tiễn giáo dục” mà các giáo viên thực hiện ở trường học, từ đó khuyến khích giáo viên sáng tạo.
Nếu thực hiện đúng tinh thần đổi mới này, thì sách giáo khoa sẽ chỉ là một trong những tài liệu tham khảo quan trọng khi tiến hành giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện nó từ đề ra quy chế, tiến hành thẩm định tới lựa chọn, phát hành đã gặp rất nhiều vấn đề lớn.
Việc thực hiện cơ chế không đi kèm với các nghiên cứu và công tác truyền thông mạnh cho ý nghĩa của thực tiễn giáo dục đã gây phản tác dụng. Từ đó, có rất nhiều ý kiến đề nghị trở lại cơ chế một chương trình - một bộ sách giáo khoa đã rất lạc hậu trước đó.
Như vậy, có thể nói, thành bại của cuộc cải cách lần này sẽ nằm ở chỗ chúng ta sẽ ứng xử như thế nào với sách giáo khoa. Tiếp tục coi nó là “chân lý tuyệt đối duy nhất đúng” hay coi nó như một tài liệu tham khảo chủ yếu, quan trọng để tự chủ, sáng tạo trong thực tiễn giáo dục với nội dung, phương pháp do chính mình biên soạn, phát triển...
Theo ông, đâu là vấn đề trong bức tranh xã hội hóa sách giáo khoa hiện nay?
“Xã hội hóa” là một uyển ngữ được dùng phổ biến trong khi nói về giáo dục ở nước ta. Chính vì vậy mà nó đã bị hiểu sai trong rất nhiều trường hợp. Cơ chế một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa thực chất là chế độ kiểm định sách giáo khoa đã được thực hiện trên thế giới từ lâu.
Ở Nhật Bản, họ thực hiện từ thời Minh Trị, sau đó bị gián đoạn một thời gian và sau 1945 họ lại tiếp tục thực hiện chế độ này. Trong cơ chế này, nhà nước, Bộ Giáo dục chỉ nắm giữ quyền soạn thảo chương trình, đề ra quy chế kiểm định, thẩm định bản thảo, yêu cầu sửa chữa bản thảo và đưa ra đánh giá cuối cùng quyết định xem bản thảo đó có thể trở thành sách giáo khoa hay không.
Tất cả công việc làm sách giáo khoa là do các công ty xuất bản tư nhân làm. Lãi họ hưởng, lỗ họ chịu, hoàn toàn không sử dụng tiền ngân sách và nhà nước cũng không can thiệp vào công việc nghiệp vụ của họ.
Ở Việt Nam, tuy thực hiện cơ chế này nhưng lại gặp khó ở hành lang pháp lý. Kết quả là, tuy thực hiện “nhiều bộ sách giáo khoa” nhưng các bộ sách giáo khoa đó hầu hết lại do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn, một hai bộ còn lại cũng do các NXB quốc doanh thực hiện, không thấy có bóng dáng của các công ty sách tư nhân tham gia.
Như vậy, tuy “xã hội hóa” nhưng sức mạnh năng động của khối tư nhân hầu như chưa được tận dụng và phát huy. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá thành sách giáo khoa.
Nếu có thêm bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT biên soạn, những bất cập hiện nay liệu có được giải quyết hay không?
Tôi nghĩ, Bộ GD&ĐT không nên và không cần thiết biên soạn bộ sách giáo khoa nào. Nếu Bộ GD&ĐT biên soạn sách giáo khoa, điều đó có nghĩa rằng, tất cả các bộ sách khác sẽ bị vô hiệu và các công ty sách ngoài quốc doanh “không có cửa” biên soạn sách giáo khoa.
Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý hành chính cao nhất về giáo dục, là nơi ra đề, đưa ra đáp án, thanh tra, kiểm tra… Tức là quyền lực của Bộ rất lớn.
Điều này sẽ khiến cho các trường, các giáo viên mặc nhiên coi sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT là chuẩn, là an toàn. Họ sẽ chỉ chọn bộ sách đó.
Như vậy sẽ trở lại cơ chế một chương trình - một bộ sách giáo khoa như trước. Các bộ sách khác sẽ “chết yểu” và lãng phí.
Theo tôi, lúc này, phải khuyến khích các nhân tố năng động tham gia vào việc biên soạn, phát hành sách.
Ở Nhật Bản, cơ chế một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa được thực hiện như thế nào? Ông có thể chia sẻ cụ thể?
Ở Nhật, sau khi tiến hành cải cách giáo dục năm 1947, Nhật thực hiện cơ chế kiểm định sách giáo khoa. Trong cơ chế này, Bộ Giáo dục nắm giữ quyền đưa ra chương trình, ban hành quy chế thẩm định bản thảo sách giáo khoa. Tất cả việc lựa chọn tác giả, biên soạn sách giáo khoa trao cho các nhà xuất bản tư nhân.
Bởi vậy, mỗi môn học ở Nhật có tới cả 8-9 nhà xuất bản tham gia. Các bản thảo đăng ký kiểm định sẽ được đọc kỹ, góp ý, yêu cầu sửa đổi bằng văn bản, sau đó được kết luận là đạt hay không đạt. Nếu đạt sẽ được coi là sách giáo khoa (với dấu kiểm định ở trên sách).
Ở Nhật, giáo dục nghĩa vụ là 9 năm nên nhà nước sẽ mua sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9 cấp phát miễn phí cho học sinh. Vì vậy, việc học sinh chọn bộ nào không ảnh hưởng gì tới tài chính nói chung. Trong một nhà, mỗi anh chị em học một bộ sách khác nhau cũng không làm thay đổi tổng số tiền được chi cho sách giáo khoa. Nhật cũng miễn học phí cho giáo dục nghĩa vụ.
Một số địa phương có kinh tế tốt thì miễn học phí và cấp phát sách cho cả học sinh Trung học phổ thông. Sách giáo khoa ở Nhật ban đầu do các trường lựa chọn, về sau trao quyền lựa chọn cho các Ủy ban giáo dục. Các trường tư thì hiệu trưởng dựa trên hội đồng tư vấn của trường mình lựa chọn.
Đổi mới chương trình - sách giáo khoa theo ông cần chú trọng yếu tố gì? Việc đánh giá tác động ra sao? Đâu là giải pháp?
Đầu tiên, quan trọng là phải làm rõ triết lý theo đuổi, mục tiêu hướng tới. Đổi mới để tạo ra con người như thế nào, con người đó sẽ kiến tạo xã hội có hình dáng ra sao? Từ đó, mới có thể thiết kế cụ thể và không bị lạc đường, lúng túng giữa chừng.
Việc biên soạn sách giáo khoa cần tạo ra cơ chế thông thoáng để khối tư nhân, các công ty sách tư nhân tham gia vào biên soạn. Bộ GD&ĐT chỉ cần tạo ra một quy chế tốt, mạch lạc, công bằng, vững pháp lý là ổn. Khi có cơ chế thông thoáng và pháp lý tốt, các tác giả giỏi, các bộ sách hay sẽ xuất hiện.
Nhà nước cũng cần định ra giá trần sách giáo khoa để tránh việc các công ty xuất bản sách đưa giá lên cao ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Nhà nước cần nghiên cứu và thực hiện cấp phát miễn phí sách giáo khoa cho học sinh phổ thông (ít nhất là hết THCS) để tránh lãng phí sách giáo khoa và đảm bảo công bằng trong giáo dục.
Xin cảm ơn ông!
Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã dịch và viết khoảng 90 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu như: - Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Hạnh phúc với cuộc sống thường ngày... - Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam… Giải thưởng: Giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản. |