📞

Dịch sốt xuất huyết lan rộng: Phòng từ gốc

12:25 | 19/10/2009
Hà Nội đang trở thành ổ dịch sốt xuất huyết với số ca nhập viện tăng gấp 14.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy mà đa số người dân lại vô cùng lơ là, chủ quan, thậm chí là bất hợp tác với cán bộ vệ sinh phòng dịch cơ sở. Điều này xuất phát từ nhận thức chưa đúng về hóa chất diệt muỗi...
Hà Nội đang trở thành ổ dịch sốt xuất huyết với số ca nhập viện tăng gấp 14.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy mà đa số người dân lại vô cùng lơ là, chủ quan, thậm chí là bất hợp tác với cán bộ vệ sinh phòng dịch cơ sở. Điều này xuất phát từ nhận thức chưa đúng về hóa chất diệt muỗi...

 

Giải pháp tình thế

 

Hiện nay, hầu hết sản phẩm thuốc diệt côn trùng có thành phần hóa học gốc Pyrethrine - chiết xuất từ cây hoa cúc. Hoạt chất này khi tiếp xúc với môi trường sẽ bị ôxy hóa, chuyển thành các chất ít độc hại. Ưu điểm của nó là an toàn cho người, động vật máu nóng, nồng độ tương đối thấp. Đa phần các sản phẩm này đều được kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến người và động vật.

 

Khi có đợt phòng chống dịch bệnh khẩn cấp, các cơ quan vệ sinh dịch tễ cơ sở thường phun thuốc này trong không gian, tùy vào liều lượng, địa bàn, thời tiết phun mà thuốc diệt muỗi có tác dụng trong 3-6 tháng với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Phương pháp phun không gian tạo ra những hạt nhỏ hóa chất trong không khí nhằm diệt muỗi trưởng thành. Hóa chất sẽ bám lên bề mặt tường, tủ, bàn ghế và khi côn trùng đậu vào sẽ bị hoá chất làm tê liệt hệ thần kinh rồi chết. Đây là phương pháp chủ yếu được sử dụng trong phòng chống sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue...

 

Tuy nhiên, việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ là giải pháp tình thế, không thể thay thế các biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi trong phòng bệnh sốt xuất huyết như đậy kín vật chứa nước, thay nước, úp lu vại, vệ sinh môi trường...

 

Chủ động phòng trừ từ gốc

 

Dịch sốt xuất huyết thường có tính chu kỳ, chu kỳ ngắn là khoảng từ 3-5 năm và chu kỳ dài là từ 5-10 năm, lại xảy ra một đợt dịch lớn. Đây là thời điểm 10 năm sau đợt dịch sốt xuất huyết lớn vào năm 1998. Để hạn chế tối đa hậu quả của dịch bệnh, việc phòng dịch phải thực hiện song song, cả phun thuốc trừ muỗi trong không gian, kết hợp với việc loại trừ môi trường sinh trưởng của bọ gậy (còn gọi là cung quăng hay loăng quăng). Bởi nếu không diệt muỗi mang mầm bệnh, muỗi lại đẻ ra bọ gậy và nếu vẫn còn môi trường cho bọ gậy phát triển, thì chúng sẽ lại nở thành muỗi trưởng thành, đi truyền bệnh cho người.

 

Nhiều khi, ổ dịch tồn tại ngay trong lu nước, bể non bộ hay lọ nước mưa ở góc sân… nhưng người dân lại rất chủ quan với điều này. Việc phun thuốc phòng trừ chỉ diệt được muỗi trong không gian, còn với bọ gậy mang mầm dịch thì phải hạn chế tối đa môi trường sinh trưởng của chúng.

 

Cần sự hợp tác của người dân

 

Bệnh sốt xuất huyết do muỗi Aedes aegypti truyền virus Dengue gây bệnh cho con người khi đốt máu. Chu kỳ phát triển của muỗi truyền bệnh trải qua 4 giai đoạn: muỗi cái đẻ trứng, trứng nở thành bọ gậy, bọ gậy phát triển thành muỗi trưởng thành. Khi có đợt dịch sốt xuất huyết xảy ra, biện pháp đầu tiên của cơ quan chức năng là tổ chức các đợt phun thuốc diệt muỗi trưởng thành để tạm thời chặn đứng sự truyền bệnh từ muỗi. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phối hợp giữa người dân với cơ quan vệ sinh dịch tễ cơ sở còn gặp rất nhiều trở ngại do ý thức và nhận thức về tầm quan trọng của việc phòng dịch ở người dân còn hạn chế.

 

Do tâm lý sợ bị ngộ độc khi phun thuốc diệt muỗi trong nhà mình nên khi nhân viên y tế đến nhà đề nghị phun thuốc, người dân thường không mở cửa, giả vờ đi vắng, từ chối khéo… Tuy nhiên, thuốc diệt muỗi đang sử dụng hiện nay đã được kiểm định và nó an toàn cho người. Chỉ khi tự ý sử dụng tràn lan, thuốc này mới có thể gây ngộ độc. Tốt nhất sau khi phun thuốc từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ, nên mở cửa cho thoáng khí.

 

Ngoài ra, người dân nên chủ động làm sạch môi trường quanh nhà, triệt tiêu tận gốc môi trường sinh sản và phát triển của trứng muỗi như đậy kín lu, bể nước, san phẳng, khơi thông các vũng nước mưa... Có như vậy, dịch sốt xuất huyết mới bị đẩy lùi và chặn đứng từ gốc.        

 

Lâm Tâm