Bộ đội Biên phòng Quảng Trị bắt giữ đối tượng vượt biên trái phép và vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào đưa vào nội địa tiêu thụ, ngày 12/11. (Nguồn: Biên phòng) |
Tội phạm ma túy
Ở địa bàn ngoại biên, các đối tượng tội phạm vận chuyển ma túy từ các tỉnh nội địa của Lào về tập kết tại các địa điểm sát biên giới với Việt Nam sau đó tìm cách câu kết, móc nối để hình thành đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba.
Đáng chú ý, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn diễn ra tại địa bàn tỉnh Bolikhamsai, Khammouane của Lào.
Tại Campuchia, thời gian qua, do tác động bởi dịch Covid-19 nên hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy có xu hướng giảm, tuy nhiên còn tiềm ẩn phức tạp.
Nguồn ma túy chủ yếu từ Lào qua các tỉnh phía Bắc Campuchia về tập kết tại địa bàn các tỉnh tiếp giáp với biên giới Việt Nam (Takeo, Kandal, Svay Rieng, Prey Veng), sau đó lợi dụng thời cơ để vận chuyển vào Việt Nam qua địa bàn biên giới các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, An Giang…
Ở địa bàn nội biên, hoạt động của tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, số lượng ma túy mua bán, vận chuyển ngày càng lớn. Trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, hoạt động của tội phạm ma túy tuy giảm nhưng còn tiềm ẩn phức tạp.
Trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, do lực lượng chức năng Việt Nam ngăn chặn triệt để ở địa bàn Sơn La nên các đối tượng chuyển hướng hoạt động mạnh sang địa bàn Điện Biên và các tỉnh Bắc miền Trung rồi tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba. Đáng chú ý là nổi lên hoạt động của toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ khí từ Lào vào Việt Nam qua khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, Quảng Trị.
Trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, do lực lượng chức năng hai nước tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới để phòng, chống dịch nên hoạt động của tội phạm ma túy giảm, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp.
Trên tuyến biên giới biển, trong những năm gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hoạt động vận chuyển cần sa từ nước ngoài vào Việt Nam qua cảng Đình Vũ (Hải Phòng), hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy xảy ra ở địa bàn biên giới các tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau…).
Đáng chú ý, tháng 12/2020, tại vùng biển Kiên Giang, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 82 kg ma túy tổng hợp dạng đá trôi dạt trên biển.
Buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
Theo thống kê của bộ đội biên phòng, trên tuyến biên giới đất liền, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép pháo, hàng hóa tiêu dùng, dược liệu, thực phẩm đông lạnh, nội tạng động vật, gia súc (trâu)... diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh.
Trong khi đó, tại khu vực biên giới các tỉnh Kon Tum, Đồng Tháp, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang và Quảng Trị, diễn ra tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo, thuốc lá, đường, sữa, mỹ phẩm, thuốc tân dược, máy tính, điện thoại, gỗ, kim loại quý (vàng),...
Đáng chú ý, tình trạng đối tượng buôn lậu chống người thi hành công vụ xảy ra tại khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang.
Ở tuyến biên giới biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng điện tử đã qua sử dụng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu ngoại, than, xăng dầu, kim loại quý (vàng, kim cương), xương động vật, sừng tê giác,… thường xảy ra trên vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau.
Thủ đoạn nổi lên là lợi dụng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, lập các công ty “ma” để buôn lậu hàng hóa với số lượng lớn, cất giấu hàng cấm trong các container để xuất, nhập khẩu...
Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng kiểm tra, xử lý tàu vận chuyển dầu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngày 10/9. (Nguồn: Biên phòng) |
Tội phạm mua bán người
Trong những năm gần đây, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng câu kết hình thành các tổ chức, đường dây khép kín, hoạt động trên nhiều địa bàn từ nội địa ra biên giới và đi nước ngoài.
Đối tượng triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội (zalo, facebook...) để lập các hội nhóm kín, sau đó tìm kiếm, môi giới, dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ và trẻ em để bán ra nước ngoài. Hoạt động của loại tội phạm này nổi lên tại địa bàn các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Bạc Liêu, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau.
Trong khi đó, hoạt động lừa gạt nam giới để đưa lên các tàu đánh cá xảy ra tại địa bàn biên giới tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau.
Đáng chý ý, hoạt động “đẻ thuê” hoặc tìm phụ nữ có thai ngoài ý muốn để đưa ra nước ngoài đẻ và bán trẻ sơ sinh vẫn diễn biến phức tạp, rất khó khăn cho công tác đấu tranh.
Xuất, nhập cảnh trái phép
Trên các tuyến biên giới đất liền và vùng biển phía Nam, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép thường xuyên là một trong những vấn đề “nóng”, trong đó, nổi lên hoạt động tổ chức, môi giới đưa dẫn người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để lao động “chui” hoặc tiếp tục xuất cảnh trái phép sang Lào, Campuchia.
Trong những năm qua, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây tổ chức, môi giới đưa người Trung Quốc xuất nhập cảnh trái phép.
Tình hình dịch Covid-19 bùng phát ở các nước láng giềng dẫn đến tình trạng một số lượng lớn người Việt Nam lao động, cư trú tại Trung Quốc, Lào, Campuchia nhập cảnh trái phép về nước trốn cách ly gây sức ép lớn trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch của Bộ đội Biên phòng.
Tội phạm và vi phạm pháp luật khác
Bên cạnh đó, một số loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật đáng kể tại khu vực biên giới các tỉnh Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên là đánh bạc, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, khai thác trái phép lâm sản, thủy sản, khoáng sản, tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ, vi phạm quy chế về khu vực biên giới,...
Ngoài ra, ở khu vực cửa sông, cửa biển các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, còn xuất hiện tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép cát, sỏi.