Nhiều trường đại học phía Nam công bố phương án tuyển sinh năm 2025. |
Năm 2025, học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới với 4 môn. Trong đó thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Hiện nhiều đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025.
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực được thực hiện theo hướng phát triển ổn định, căn cứ trên nền tảng của giai đoạn trước. Kỳ thi sẽ tiếp tục được triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự.
Tuy nhiên, cấu trúc đề thi được điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, cấu trúc vẫn gồm 3 phần, trong đó, phần 1 là Sử dụng ngôn ngữ; phần 2 là Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; phần 3 là Giải quyết vấn đề.
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ điều chỉnh so với bài thi hiện tại theo hướng tập trung chủ yếu vào phần giải quyết vấn đề. Thí sinh được lựa chọn thực hiện 3 trong số 6 nhóm vấn đề trong quá trình làm bài.
Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ gồm Tiếng Việt và Tiếng Anh, thí sinh dự thi cần làm tất cả các câu hỏi trong phần này.
Phần 2: Toán học – Logic - Phân tích số liệu gồm Toán học, Tư duy logic, Phân tích số liệu cũng yêu cầu thí sinh cần làm tất cả các câu hỏi trong phần này.
Phần 3: Giải quyết vấn đề gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Trong phần này, thí sinh lựa chọn làm các câu hỏi thuộc 3 nhóm trong số 6 nhóm lĩnh vực. Từ tháng 9/2023, đội ngũ chuyên gia đơn vị này đã triển khai xây dựng ma trận ngân hàng câu hỏi và đề thi mẫu theo định hướng mới.
Như vậy, so với cấu trúc bài thi đánh giá năng lực từ năm 2024 trở về trước, cấu trúc bài thi từ 2025 sẽ có 2 điểm mới. Thứ nhất là sự xuất hiện của nhóm lĩnh vực mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 liên quan đến giáo dục kinh tế và pháp luật. Thứ hai, thí sinh được lựa chọn môn thi thay vì bắt buộc trả lời tất cả các câu hỏi trong phần 3 như bài thi cũ. Điều chỉnh này sẽ kéo theo những thay đổi trong cách thức xét tuyển của các trường đại học trong năm sau.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), cho biết, đại học này đang chuẩn bị để có thể công bố sớm nhất thông tin chính thức về kỳ thi và đề minh họa đánh giá năng lực từ năm 2025.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là cơ sở để các trường thành viên xét tuyển gồm: KHXH&NV, Bách khoa, Công nghệ Thông tin, Kinh tế - Luật, Khoa học Sức khoẻ, Quốc tế, An Giang, Khoa học Tự nhiên và hàng chục trường đại học khác xét tuyển.
Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trên máy tính nhưng thay đổi về dạng thức câu hỏi. Kết quả kỳ thi sẽ trở thành phương án tuyển sinh độc lập từ năm 2025 trở đi (thay vì kết hợp điểm kỳ thi với kết quả học tập THPT trong cùng phương thức như trước đó).
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt được thực hiện với môn thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Năm 2026, trường sẽ bổ sung các môn thi Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Nội dung đánh giá năng lực sẽ bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%, còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo cấu trúc mới từ năm 2025 có nhiều điểm mới. Cụ thể là thêm 2 dạng thức câu hỏi mới là câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có nhiều hơn 1 phương án đúng và dạng thức câu hỏi khai thác dữ liệu dùng chung.
Hiện Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã công bố đề thi minh họa các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học gồm 40 câu hỏi chia làm 3 phần. Phần 1 gồm 25 câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan được chia thành 2 dạng thức khác nhau: trắc nghiệm khách quan nhiều phương án lựa chọn có 1 phương án đúng và trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có nhiều hơn 1 phương án đúng. Phần 2 có 5 câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan khai thác dữ liệu dùng chung và phần 3 gồm 10 câu hỏi điền đáp số.
Môn Ngữ văn sẽ gồm 22 câu hỏi và chia thành 3 phần: câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, viết đoạn văn ngắn với 1 câu hỏi tự luận, viết bài luận với 1 câu hỏi tự luận.
Với môn Tiếng Anh, cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên theo hướng tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngữ liệu trong đề thi đa dạng, được lấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các câu hỏi đánh giá ở mỗi môn có độ khó khác nhau ở mỗi phần.
Trường Đại học Nha Trang xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học.
Kết quả học tập ở THPT: Với mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh phải học ở THPT một số môn nhất định theo quy định. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cần tối thiểu do trường công bố hàng năm.
Kết quả đánh giá năng lực học tập đại học: Với mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh còn phải tham gia đánh giá năng lực học tập đại học. Đánh giá năng lực tập trung vào khả năng Toán (toán, suy luận logic và xử lý số liệu); Ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và tiếng Anh); Khoa học (giải quyết vấn đề).
Riêng phần Khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.
Trường Đại học Việt Đức vẫn giữ nguyên bài thi TestAS. Theo đó, TestAS là bài thi đánh giá năng lực tư duy, chứ không đơn thuần về kiến thức cố định. TestAS có cách tiếp cận mở và có thể hòa hợp với phổ rộng các chương trình giáo dục phổ thông trên thế giới.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được nhìn nhận tiệm cận với TestAS nhiều hơn so với chương trình cũ. Do đó, việc sử dụng kết quả bài thi này để xét tuyển lứa học sinh mới vào trường sẽ không gặp trở ngại.