Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp 20/11. (Nguồn: Bộ GD&ĐT) |
Hoàn thành chu trình đầu tiên của Chương trình GDPT 2018
Năm 2024 đánh dấu cột mốc hoàn thành chu trình đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên cả ba cấp học. Đây cũng là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình 2006, trước khi bước vào kỳ thi đổi mới từ năm 2025.
Bộ GD&ĐT đã công bố phương án, cấu trúc định dạng, và đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT mới. Kỳ thi này sẽ đánh giá năng lực học sinh thay vì chỉ kiểm tra kiến thức, đồng thời hướng đến ba mục tiêu: xét tốt nghiệp, đánh giá quá trình dạy và học, làm cơ sở tuyển sinh đại học.
Nhiều tỉnh thành miễn giảm học phí
Trong năm học 2024-2025, 10 tỉnh, thành phố, bao gồm Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bình Dương và Long An, đã thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến lớp 12 tại các trường công lập.
Mới đây, TP. Hồ Chí Minh cũng đã thông qua phương án miễn học phí cho bậc THCS với ngân sách khoảng 237 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. (Nguồn: Bộ GD&ĐT) |
Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các trường
Từ ngày 12/02/2024, theo Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục được tự lựa chọn sách giáo khoa thay vì phụ thuộc vào Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như trước đây. Cách làm này quay lại hồi 2020 - năm đầu triển khai Chương trình GDPT 2018, được cho là có thể tránh những bất cập của việc để UBND cấp tỉnh quyết định chọn sách giáo khoa, như có thể tạo thế độc quyền về sách giáo khoa ở địa phương; gây tình trạng thiếu khách quan, minh bạch, chưa tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh...
Sách giáo khoa được đưa ra để chọn nằm trong danh mục Bộ GD&ĐT đã phê duyệt, với 3 bộ sách theo chương trình mới là Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều. Việc lựa chọn sách phải đảm bảo phù hợp với nhu cầu giảng dạy và đặc điểm học sinh.
Lương cơ sở giáo viên tăng từ 1/7
Một trong những điểm nhấn năm 2024 là việc lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ 1/7, giúp cải thiện thu nhập cho giáo viên, góp phần tạo động lực để họ yên tâm công tác.
Cụ thể, giáo viên trung học cao cấp thuộc viên chức A2 nhóm 2 có mức lương từ 9,36 triệu đến gần 15 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên tiểu học và mầm non được xếp vào viên chức loại B, với mức lương từ 4,35 triệu đến hơn 9,5 triệu đồng/tháng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trình bày nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. (Nguồn: Bộ GD&ĐT) |
Dự thảo mới về dạy thêm, học thêm
Cuối tháng 8/2024, Bộ GD&ĐT giới thiệu dự thảo mới về dạy thêm, học thêm, nhằm thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Một trong những nội dung mới của Dự thảo là cho phép giáo viên được dạy thêm học sinh chính khóa của mình, miễn là có báo cáo và cam kết không ép buộc học sinh tham gia.
Nội dung này gây ra nhiều tranh luận từ công chúng. Một số lo ngại việc này sẽ làm gia tăng tình trạng ép học sinh học thêm, trong khi nhiều người khác cho rằng đây là nhu cầu thực tế cần được đáp ứng.
Bỏ thi thăng hạng giáo viên
Ngày 30/10/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT, quy định về tiêu chuẩn và điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học.
Theo Thông tư này, hình thức thi thăng hạng sẽ được bỏ, thay vào đó là quy trình xét thăng hạng dựa trên các tiêu chuẩn về chất lượng công tác và thành tích thi đua.
Thông tư này có hiệu lực từ 15/12/2024, với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đảm bảo rằng các giáo viên có đóng góp xứng đáng được thăng hạng một cách minh bạch.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra tại điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn, tỉnh Quảng Ngãi trước khi diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. (Nguồn: Bộ GD&ĐT) |
Công bố Dự thảo Luật Nhà giáo
Dự thảo Luật Nhà giáo được công bố với 5 chính sách quan trọng: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nghề nghiệp; Quy định về tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh; Quản lý nhà nước đối với nhà giáo.
Từ khi dự thảo đầu tiên được công bố vào tháng 5, tới nay, Bộ GD&ĐT đã 5 lần điều chỉnh, loại bỏ một số đề xuất gây tranh cãi như miễn học phí cho con giáo viên hay yêu cầu giấy phép hành nghề cho giáo viên.
Sau khi đưa Dự thảo ra thảo luận tại Quốc hội ngày 9/11, Ban soạn thảo cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và hoàn thiện dự thảo với tinh thần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật Nhà giáo phải được các thầy cô phấn khởi đón nhận; thực sự tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy.
Hiện, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để chuẩn bị các tài liệu phục vụ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo dự kiến sẽ được xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Giáo dục đại học Việt Nam thăng hạng quốc tế
Năm 2024, thứ hạng các đại học Việt Nam tiếp tục cải thiện trong khu vực và thế giới. Theo công bố của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh) về xếp hạng đại học thế giới (cho 1.751 cơ sở giáo dục đại học), Việt Nam có 10 cơ sở góp mặt, tăng 2 so với năm trước, trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội vươn lên vị trí 325 thế giới (tăng 456 bậc), xếp thứ 51 của khu vực châu Á và số 1 Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam có: 17 đại học trong bảng xếp hạng châu Á của QS (4 trường thuộc top 200); 9 đại học trong xếp hạng của Times Higher Education (THE) (4 trường thuộc top 1000); 13 đại học trong bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của THE. Những kết quả này phản ánh sự tiến bộ của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế.