Giữ gìn nét truyền thống
Bình Đà là vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa Đông Sơn của cư dân Việt cổ. Lễ hội Bình Đà là một lễ hội truyền thống có giá trị lịch sử sâu sắc với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo, khác lạ như lệ cúng bò, lễ rước và thả bánh thánh; lễ tế trào bằng hình thức mật cúng… Đồng thời lễ hội Bình Đà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đầu tiên của thành phố Hà Nội. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 4-6/3 Âm lịch với nhiều hoạt động nghi lễ mang đậm chất Đồng bằng Bắc Bộ.
Các hoạt động lễ hội Bình Đà 2019. (Nguồn: PV) |
Những điểm nhấn mới
Lễ hội Bình Đà 2019 là một trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu nhằm tưởng nhớ bậc tiền nhân đã có công lao với đất nước.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết, Lễ hội Bình Đà năm nay sẽ được tổ chức bài bản, trang trọng, an toàn và tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phần lễ trang trọng theo đúng nghi thức truyền thống, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức.
Bà Lê Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai phát biểu. (Nguồn: PV) |
Đặc biệt là dàn dựng màn trình diễn về truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân đặc sắc, quy mô lớn. Bên cạnh đó, phần hội cũng được Ban tổ chức lên kế hoạch, sắp xếp hợp lý, thu hút sự tham gia đông đảo nhân dân trên địa bàn, du khách thập phương. Phần hội năm nay bao gồm: Thi đấu cờ tướng, trò chơi dân gian bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu; thi đấu giao lưu giải cờ tướng, cầu lông, bóng bàn. Đáng chú ý, trong khuôn khổ lễ hội, huyện Thanh Oai còn trưng bày 22 gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề tiêu biểu của các xã, thị trấn trong và ngoài huyện.
Ngoài ra, năm nay Lễ Hội Bình Đà tổ chức lễ dầng hương vào chiều tối ngày mồng 5/3 Âm lịch (tức ngày 9/4/2019 ) để đón các đoàn đại biểu trong và ngoài thành phố về tham dự.
Lễ dâng hương Lễ Hội Bình Đà 2019. (Nguồn: PV) |
Lễ hội Bình Đà là môi trường sinh hoạt văn hóa lớn, thu hút rất đông đảo các du khách đến tham dự, góp phần quan trọng tạo ra sức mạnh đoàn kết cộng đồng, tạo môi trường giáo dục về lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tiếp nối. Do đó, sự thành công của lễ hội có ý nghĩa quan trọng, là nguồn động lực to lớn động viên Nhân dân và cán bộ trong huyện ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng Thanh Oai phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, vững chắc. Qua đó, cũng là cơ hội quảng bá những nét đặc sắc trong phong tục, lễ nghi của con người Thanh Oai nói chung, đồng thời quảng bá những đặc sản, du lịch đất và người Thanh Oai nói riêng.
"Theo truyền thuyết, sau khi chia tay Quốc mẫu Âu Cơ, Quốc tổ Lạc Long Quân dẫn 50 người con về vùng biển để khai hóa. Quốc tổ dừng chân tại thôn Bình Đà, xã Bình Minh, xa xưa gọi là làng Bảo Đà Bảo Cựu. Cuối đời, ngài hóa thân ở tại làng Bình Đà và dân làng an táng ngài ở núi Tam Thai, hay còn gọi là khu Ba gò, cách đền thờ khoảng 500m về phía Tây Nam và lập đền thờ đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Rồi đến cuối mùa Xuân năm 1077, Hoàng tử Linh Lang con vua Lý Thái Tông, về tuyển quân, đóng doanh trại ở đây. Sau khi bị hi sinh khi đánh quân Tống thì được triều Lý truy phong là Đại Vương Linh Lang. Chúng tôi thờ Ngài là đương cảnh Thành Hoàng của làng cho đến bây giờ"- Ông Bùi Đăng Thịnh, thủ từ đền làng Bình Đà, kể lại truyền thuyết về Làng Bình Đà. |