📞

Điểm sàn riêng cho ngành sư phạm là bất khả thi?

10:12 | 01/09/2017
Về vấn đề điểm sàn riêng cho các trường sư phạm, ông Nguyễn Quốc Vương (Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã có bài viết riêng dành cho TG&VN chia sẻ quan điểm của mình.
Ông Nguyễn Quốc Vương. (Ảnh: NVCC)

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay với hơn 4.000 điểm 10 khiến dư luận nổi sóng. Đặc biệt, điểm chuẩn đầu vào của một số trường, ngành sư phạm quá thấp. Có những khoa, trường điểm chuẩn chỉ là 12.75 điểm. Người ta lo ngại rằng những thí sinh với hành trang “3 điểm một môn” đó sẽ trở thành giáo viên và con cái họ sẽ phải học những thầy cô như thế.

Dư luận nóng đến độ Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) phải đưa ra biện pháp giải quyết bằng cách đặt ra điểm sàn riêng cho các trường sư phạm.

Điểm sàn riêng - có khả thi?

Tuy nhiên, biện pháp đặt ra điểm sàn riêng cho các trường sư phạm có tính khả thi không cao. Thi tuyển sinh khác thi tốt nghiệp ở chỗ, điểm chuẩn thường không được xác định trước khi chấm thi. Theo thông lệ, khi làm công tác tuyển sinh sẽ “sàng lọc” các thí sinh trúng tuyển theo thứ tự điểm thi từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Đồng thời, điểm chuẩn được đưa ra căn cứ vào điểm thi của các thí sinh đứng chót bảng xếp hạng này.

Khi “chơi” theo luật này đương nhiên các trường, khoa sư phạm sẽ phải đối mặt với tình trạng không lấy được sinh viên có điểm thi cao. Từ đó, dẫn đến điểm chuẩn thấp do các em giỏi không nộp đơn xét tuyển vào sư phạm. Vì thế, theo logic thông thường, người ta sẽ nghĩ đến cách đặt ra điểm sàn riêng cho các trường, ngành sư phạm.

Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực ngành sư phạm đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, lương thấp, vị trí làm việc bấp bênh. Vậy ai dám chắc và lấy gì bảo đảm năm tới sẽ có nhiều thí sinh có điểm thi vượt mức “điểm sàn” có nguyện vọng vào học sư phạm? Hay các em sẽ ôn thêm một năm để đợi thời cơ thi vào các trường mình thích hoặc đi học nghề, lao động thay vì học để… làm thầy?

Nhìn vào lịch sử giáo dục thế giới và giáo dục đương đại của các nước khác sẽ thấy, chuyện một số trường, ngành phải đối mặt với tình trạng thí sinh đầu vào có điểm thi thấp, “nộp hồ sơ là đỗ” không phải là hiếm. Ở Nhật hiện tại có nhiều ngành, trường nhất là đào tạo sau đại học đang phải đối mặt với vấn đề như thế do già hóa dân số và sự tái cơ cấu các các ngành lao động.

Giả sử sang năm tình trạng “ế ẩm” của ngành sư phạm vẫn tái diễn trong khi lại có mức điểm sàn riêng, tình hình sẽ thế nào? Tương lai nào cho các trường và khoa sư phạm?...

Vướng mắc không chỉ nằm ở điểm sàn…

Những rắc rối liên quan đến kì thi THPT quốc gia và thi đại học - cao đẳng ở Việt Nam không phải là những vấn đề có tính chất kĩ thuật. Đằng sau nó là những vấn đề quan trọng khác cần phải được nhận thức chu đáo, tìm cách giải quyết.

Học sinh giỏi, hoc sinh thi được điểm cao không muốn vào học sư phạm. Thậm chí có em vào học rồi lại bỏ giữa chừng đi trường khác hoặc chờ thi lại sang năm vì niềm tin của các em vào tương lai đón đợi mình không lớn. Những gì các em chứng kiến từ các bậc đàn anh, đàn chị đi trước và thông tin trên báo chí về thực trạng đời sống của giáo viên, những tiêu cực trong việc tuyển dụng đã có ảnh hưởng lớn đến cái nhìn của các em và phụ huynh về nghề giáo.

Hình ảnh của người thầy cần được củng cố? (Nguồn: Vietnamnet)

Trong khi đó, giáo dục đang ở trong cuộc khủng hoảng cần cải cách để thoát ra. Đương nhiên giáo viên trở thành tâm điểm của chỉ trích cũng là một yếu tố làm cho nghề dạy học trở nên kém hấp dẫn. Thêm nữa, giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam chưa cao. Cơ hội để học sinh khám phá bản thân mình thích hợp với nghề gì và tự do lựa chọn nghề nghiệp của học sinh tương đối thấp.

Cha mẹ chọn nghề cho con trong nhiều trường hợp không dựa vào khả năng, sở thích của con. Cũng không lựa chọn dựa trên tầm nhìn về nghề nghiệp, sự tiến bộ của xã hội trong tương lai. Đơn giản phần lớn họ chỉ nhìn vào thu nhập cũng như vị trí xã hội của nghề nào đó. Hệ quả là việc thanh niên lãng phí tài năng khi không đạt đến đỉnh cao trong nghề nghiệp ở phạm vi mình có thể vì thiếu đi lòng yêu nghề và sự say mê.

Hơn nữa, cách thức tuyển sinh đơn giản chỉ dựa vào các bài kiểm tra tri thức giáo khoa trên giấy không phân biệt được những người say mê nghề nghiệp và những người vào trường chỉ lấy tấm bằng.  

Học giỏi các môn giáo khoa là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để con người giỏi trong lĩnh vực nào đó. Như nghề giáo, nếu chỉ tuyển dựa vào tri thức giáo khoa, sẽ có nguy cơ tuyển nhầm người và bỏ lọt nhân tài.

Lối thoát nào?

Nhìn nhận ở phạm vi hẹp, phương án bỏ thi tốt nghiệp THPT chuyển xét tốt nghiệp về các trường phổ thông, đồng thời trả thi đại học cho các trường đại học là phương án không thể trì hoãn. Bản thân kì thi tuyển sinh đại học cũng cần được cải cách thông qua phỏng vấn, viết luận, xét hồ sơ để các trường tuyển được sinh viên phù hợp.

Đối với tình trạng “ế ẩm” của các trường sư phạm, cần phải tiến hành tổng điều tra xã hội để nắm được tình trạng thừa thiếu giáo viên, đồng thời nắm được nhu cầu xã hội hiện tại và tương lai đối với giáo viên như thế nào. Từ đó, chúng ta có thể tái cơ cấu, sắp xếp lại các trường sư phạm. Những trường không còn vai trò nên mạnh dạn chuyển sang mô hình đào tạo khác.

Liệu đặt ra điểm sàn riêng cho ngành sư phạm có thu hút được người tài và tâm huyết với nghề giáo? (Nguồn: Phapluatplus)

Bản thân các trường sư phạm cũng cần phải cải cách mạnh mẽ. Cần tính đến cả phương án chuyển đổi mô hình các trường sư phạm thành các trường tổng hợp cho phù hợp với tình hình mới. Đào tạo sư phạm nên trọng chất lượng hơn số lượng. Phải cải tiến phương thức tuyển sinh có phỏng vấn, viết luận để tuyển được những người yêu nghề và có khả năng làm nghề thật sự. Tuy nhiên, những biện pháp đó sẽ không có hiệu quả chừng nào hình ảnh về người thầy trong xã hội chưa được “sửa đổi lại”. Đây là vấn đề lớn liên quan đến các cuộc cải cách toàn diện để sắp đặt lại các giá trị.

Trước mắt, cần phải cải cách chế độ tiền lương đối với giáo viên sao cho hợp lý. Tiếp theo, cần phải cải cách hành chính giáo dục có tính phân quyền và không quá lệ thuộc vào hành chính chung. Đây là tiền đề để minh bạch, công khai quy trình và nội dung đánh giá giáo viên, tuyển dụng giáo viên, quan chức giáo dục. Tôi nghĩ, đã đến lúc dân chủ hóa hệ thống hành chính giáo dục và đời sống trường học.

Cuối cùng, cần tính đến cơ chế để sàng lọc sao cho những người ưu tú và yêu nghề mới có thể trở thành giáo viên ngay cả sau khi đã tốt nghiệp. Ở Nhật, học sư phạm ra không có nghĩa là sẽ trở thành giáo viên. Họ phải thi để có giấy phép hành nghề do hội đồng chuyên môn độc lập với trường chấm. Đồng thời, họ còn phải dự kì thi tuyển dụng như viết luận, giảng thử, phỏng vấn... Hội đồng này cũng là hội đồng của hội nghề nghiệp độc lập với trường đào tạo.

Thế nên, ở Nhật Bản, có những cá nhân sẽ vào học một số trường rất dễ dàng. Họ hoàn toàn có quyền đăng kí tham dự thi lấy giấy phép hành nghề và thi tuyển dụng vào các trường học làm giáo viên. Nhưng khả năng “lọt lưới” ở hai kì thi sau rất thấp. Nghề luật và nghề y cũng không phải ngoại lệ. 

Có một trường đại học y (nơi tôi du học ngày trước) đã từng có “thành tích xấu” khi đầu vào tương đối dễ so với các trường y khác. Đầu vào dễ dàng là thế nhưng tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp, vượt qua kì thi lấy giấy phép hành nghề y rất khó. Kết quả này được công bố công khai hàng năm tạo ra áp lực đối với trường. Vì thế, trường liên tục cải cách nâng cao chất lượng và giờ đây đã có vị trí tương đối trong bảng xếp hạng các trường y toàn quốc của Nhật.

Nhìn lại, ở Việt Nam đang diễn ra quá trình “đại chúng hóa” đại học và tương lai sẽ đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Để đào tạo đại học có chất lượng, việc siết chặt đầu ra, trong đó có việc đánh giá độc lập của các hội nghề nghiệp là cần thiết.  

Nguyễn Quốc Vương

(Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)