Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Nguồn: VOV) |
Trong những năm qua, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ.
Người sử dụng lao động tại các thị trường tiếp nhận đánh giá người lao động Việt Nam khéo tay, chăm chỉ, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng.
Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện
Ước tính số lượng người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hiện nay có khoảng 580.000 người, cụ thể Đài Loan (Trung Quốc) có 230.000 người; Nhật Bản có gần 250.000 người; Hàn Quốc có gần 50.000 người; còn lại ở các thị trường khác (Trung Đông-châu Phi, Đông Nam Á và châu Âu). |
Điều này không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm, giảm sức ép về tạo việc làm cho người lao động trong nước (chiếm tỷ lệ khoảng 7-9% số lượng lao động được giải quyết việc làm và tạo việc làm hàng năm của cả nước), mà còn qua đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình.
Mặt khác, người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao được trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiên từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và khu vực trên thế giới.
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực lao động, việc làm nói chung và người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói riêng, Nhà nước đã thể chế hóa thành quy định pháp luật, hợp tác với các nước và khu vực trên thể giới thông qua các điều ước và thỏa thuận quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong quá trình đó, luật dành cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, bảo đảm tối ưu quyền và lợi ích của những người con xa xứ. Bằng chứng là tháng 11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69).
Luật sửa đổi này đã đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây, đồng thời giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong thực hiện vừa qua và điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.
Cùng với đó, việc hợp tác quốc tế về tổ chức và quản lý lao động di cư, phát triển việc làm ngoài nước và bảo vệ quyền của người lao động di cư cũng tương thích với các điều ước, thỏa thuận quốc tế Việt Nam ký kết và tham gia.
Nhìn vào các điều luật trong Luật số 69, có thể thấy quyền chủ động và tự nguyện của người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định rõ ràng, vị thế của người lao động ở nước ngoài được bảo đảm, quyền và lợi ích của người lao động được coi trọng, người lao động được xem là trọng tâm, gánh nặng về chi phí ở nước ngoài được giảm tải, tính hợp pháp được đặt lên hàng đầu, các trường hợp phát sinh từ nguồn Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được quan tâm, kiến thức phòng tránh các vấn đề phát sinh cho người lao động được trang bị đầy đủ.
Dịch Covid-19 và những vấn đề phát sinh
Hiện nay tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các khu vực trên thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cũng như nguy cơ tiềm ẩn khoảng hoảng kinh tế, chính trị, thiên tai và dịch bệnh trên thế giới đang ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Điều này tạo ra những cơ hội và thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Đặc biệt, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng với những biến chủng mới đang làm tăng lên mối lo ngại ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, tác động trực tiếp đến đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Do không có các chuyến bay thương mại, cũng như chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh chặt chẽ của các nước, hàng chục nghìn người lao động đang “xếp hàng” không ra nước ngoài làm việc được, trong khi những người lao động hết hạn hợp đồng không trở về nước được. Điều này đã tạo ra sức ép tâm lý lớn, một số lao động đã thông qua mạng xã hội có những phản ứng tiêu cực.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn lúng túng, chưa tích cực trong việc phối hợp với đối tác và người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là vấn đề bảo đảm các quyền và lợi ích của người lao động về điều kiện làm việc, sinh hoạt và chi phí vé máy bay về nước.
Lợi dụng những thông tin phản ánh tiêu cực của người lao động trên mạng xã hội, một số báo, đài nước ngoài và tổ chức phản động đã đưa ra những tố cáo xuyên tạc các chủ trương, chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam.
Lao động Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Incheon, Hàn Quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Hành trang lớn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Nhằm giải quyết, tháo gỡ các vấn đề, bảo đảm tối đa quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Việt Nam đang nỗ lực triển khai những bước đi, phương hướng cụ thể, thiết thực.
Bảo đảm về mặt pháp lý cho người lao động, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định pháp luật quy định và hướng dẫn chi tiết Luật số 69 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật và chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách đồng bộ của các cơ quan chức năng và tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương, cơ sở.
Ổn định, phát triển thị trường lao động nước ngoài truyền thống thông qua việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, chú trọng khai thác thị trường lao động, công việc có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động.
Kịp thời hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh với người lao động. Đặc biệt phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại sớm tổ chức các chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và đón người lao động hết hạn hợp đồng về nước.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, đồng thời qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động (về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật) đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài;
Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thanh tra, kiểm tra, điều tra kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực này.
Với sự quan tâm, sát sao của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực phối hợp của các tổ chức, cơ quan chức năng trong và ngoài nước, những người lao động đi làm việc ở nước ngoài bên cạnh kỹ năng, kiến thức trong công việc còn có hành trang bên mình chính là những chủ trương, chính sách để bảo đảm quyền và lợi ích của họ, để những người con xa xứ luôn yên tâm có điểm tựa nơi Tổ quốc.
| Covid-19 làm gia tăng bất bình đẳng toàn cầu Sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội vốn đã tăng ở các nước đang phát triển, nay càng trở nên trầm trọng ... |
| Lào sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 Đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay ... |