GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ quan điểm cá nhân về điểm ưu tiên khi xét tuyển đại học. |
Trong báo cáo mới đây gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ điều chỉnh chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực trong mùa tuyển sinh năm 2023.
Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến giảm tuyến tính từ mức điểm gây mất công bằng đối với tổng 3 môn thi THPT để xét tuyển, theo quy định tại quy chế.
Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên.
Như vậy, nếu một thí sinh đạt 30 điểm, điểm ưu tiên của em sẽ là 0 điểm dù có thuộc đối tượng hoặc khu vực ưu tiên.
Bộ GD&ĐT lý giải, năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên. Ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở lên thiếu công bằng.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến và việc rà soát điểm ưu tiên năm 2020, 2021, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên với các thí sinh không hưởng chính sách ưu tiên, Bộ GD&ĐT dự kiến tính mức điểm ưu tiên như trên.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quy định nói trên của Bộ GD&ĐT là chưa hợp lý, thiếu khách quan và "không giải quyết được cốt lõi vấn đề".
GS Đức nêu quan điểm, nếu thí sinh ở cùng một khu vực, thuộc cùng một đối tượng thì mức điểm ưu tiên vẫn phải bằng nhau mới đảm bảo sự công bằng.
"Điểm ưu tiên ở đây là ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng thuộc diện chính sách nên đối tượng như nhau thì phải được cộng điểm ưu tiên như nhau. Không thể ưu tiên theo học lực: Thí sinh học giỏi ưu tiên ít, thí sinh học kém ưu tiên nhiều như Bộ đề xuất. Tôi cho rằng, điều này không phù hợp, không logic và không công bằng với thí sinh", GS Đức nói.
Cũng theo ông, quy định mới nói trên của Bộ GD&ĐT có lẽ chỉ giải quyết được việc đối phó với dư luận xã hội, khi thời gian qua có những thí sinh điểm rất cao vẫn không vào được đại học.
Tuy nhiên, cách tính ưu tiên này, theo GS Đức - vừa không công bằng vừa không giải quyết được cốt lõi vấn đề.
"Thay vì điều chỉnh chính sách về điểm ưu tiên, theo tôi, Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh đề thi tốt nghiệp THPT. Đề thi cần có tính phân hóa cao hơn mới đáp ứng được mục tiêu sử dụng để xét tuyển vào đại học và tránh hiện tượng mưa điểm 10 hay "30 điểm vẫn trượt đại học", ông nói.
Trước đó, trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến tư vấn tuyển sinh 2022, diễn ra tháng 7 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT dẫn lại câu chuyện những năm trước đây có thí sinh đạt 30 điểm - số điểm tuyệt đối cho một tổ hợp xét tuyển (không môn nào nhân hệ số) vẫn không đỗ được vào ngành "hot".
Lý do bởi điểm chuẩn ngành này rất cao, nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên đã đạt trên 30 điểm và trúng tuyển. "Đây là câu chuyện chúng ta đang phải giải quyết bằng những chính sách cụ thể", PGS Thủy nói.
Bà Thủy nhấn mạnh, sự điều chỉnh chính sách về mức độ cộng điểm ưu tiên nói trên sẽ đảm bảo công bằng trong tiếp cận với giáo dục đại học, tiếp cận vào những trường đại học tốt nhất của Việt Nam cho tất cả thí sinh.
"Tôi tin rằng những bạn đã đạt thành tích cao như vậy, chắc chắn cũng không muốn mình trúng tuyển vào đâu đó mà phải có sự ưu tiên hơn những người khác. Chính vì thế, cũng sẽ không có chuyện điểm chuẩn cao hơn 30 điểm nữa, đảm bảo quyền lợi công bằng hơn cho các em", PGS Thủy cho hay.
Tại quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ GD&ĐT, mức điểm cộng ưu tiên vẫn được tính như sau:
Về ưu tiên theo khu vực, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Về ưu tiên theo đối tượng chính sách, mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng ƯT1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng ƯT2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm. Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.
Tuy nhiên, quy chế cũng nhấn mạnh, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ được xác định theo công thức nói trên.
| Điểm đặc biệt về ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2022 ở vòng xét cuối 36 ứng viên Giáo sư (GS) và 358 ứng viên Phó Giáo sư (PGS) năm 2022 vừa được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành ... |
| Công bố 356 ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS năm 2022 Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 356 ứng viên được các Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị ... |
| Trong lễ khai giảng năm học 2022-2023, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ ở độ tuổi trưởng thành hơn như ... |
| Trường Đại học Văn Lang chính thức được phép tuyển sinh và đào tạo ngành Y khoa Theo thông tin từ Trường Đại học Văn Lang, trường này vừa chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ký quyết định ... |
| 'Giáo dục là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng ASEAN' Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, giáo dục cũng được xác định là ... |