📞

Điện ảnh - nhịp cầu lan tỏa các giá trị văn hóa

MINH KHÔI 20:00 | 17/11/2022
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ sáu vừa qua đã trở thành diễn đàn để các nghệ sĩ và nhà hoạt động điện ảnh chia sẻ những kinh nghiệm trong việc kết nối và lan tỏa những giá trị văn hóa của quốc gia thông qua các tác phẩm điện ảnh...
Sân khấu đậm sắc màu Hà Nội tại lễ bế mạc HANIFF 2022. (Ảnh: Lê An)

Mảnh đất hấp dẫn

Hà Nội - mảnh đất địa linh nhân kiệt đã đi vào thơ ca, nhạc, họa và cả những thước phim của môn nghệ thuật thứ bảy. Nhiều bộ phim về đề tài Hà Nội đã trở thành bất hủ và khắc sâu vào tâm khảm khán giả nhiều thế hệ như Sao Tháng Tám, Hà Nội mùa đông năm 1946, Hà Nội 12 ngày đêm, Em bé Hà Nội, Người Hà Nội, Sống mãi với Thủ đô

Không riêng Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Ninh Bình, Hà Giang…, những vùng đất nổi tiếng với những di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh kỳ quan thiên nhiên độc đáo, từng là phim trường cho nhiều bộ phim nổi tiếng trong và ngoài nước.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên-Huế cho biết, Huế đã xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng như Đông Dương, Cô gái trên sông, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu…

Tỉnh xác định điện ảnh là nền công nghiệp văn hóa chủ lực của địa phương cùng với các chính sách tạo mọi điều kiện cho các nhà làm phim đến quay và xây dựng phim trường lớn. Huế cũng phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm...) cùng cơ sở vật chất rất tốt phục vụ cho hội nghị, hội thảo và sự kiện.

Tương tự Huế, sơ hữu nhiều danh thắng kỳ thú, Ninh Bình có nhiều lợi thế trong phát triển các sản phẩm văn hóa sáng tạo dựa trên “mỏ vàng” di sản, trong đó có điện ảnh.

Ninh Bình ngày càng thu hút khách du lịch, được nhiều nhà làm phim chọn làm bối cảnh cho các bộ phim nước ngoài như Người Mỹ trầm lặng, Kong - skull island, Budapest - Nơi tình yêu bắt đầu, Câu chuyện chàng tân binh SAS... Một số phim trong nước như Tấm Cám - chuyện chưa kể, Thiên mệnh anh hùng, Trạng Tí… giúp địa phương lan tỏa hình ảnh tới đông đảo công chúng.

Từng là biên kịch phim Chuyện của Pao, nhà văn Đỗ Bích Thúy khẳng định, bộ phim này đã tác động sâu sắc đến đồng bào H'Mông ở Hà Giang.

Sau khi phim đoạt giải Cánh diều vàng 2005, ngay lập tức, bối cảnh chính của phim (Nhà của Pao) trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đặt chân đến vùng cực Bắc của Tổ quốc, đến cao nguyên đá...

Cũng từ đó, đồng bào dân tộc nhận thức một cách sâu sắc rằng, thời trang của dân tộc mình, nhà của mình… được người dân tộc khác yêu mến như thế nào. Họ được khơi dậy lòng tự hào và từ đó khôi phục những điều đã mất, gìn giữ những điều đang có.

Bà Đỗ Bích Thúy chia sẻ: “Nếu chúng ta làm những bộ phim đặc sắc, tôn vinh vẻ đẹp của dân tộc thì chúng ta không chỉ quảng bá văn hóa, mà những bộ phim đó còn tác động đến nhận thức của dân tộc rất lớn, họ trỗi dậy tự hào về dân tộc mình, không còn mặc cảm nữa.

Để làm được những bộ phim như thế ở các vùng dân tộc thiểu số thì những nhà làm phim phải thật sự dũng cảm và có tình yêu lớn với văn hóa, với con người dân tộc thiểu số, miền núi vì chi phí và khó khăn quá lớn”.

Nỗ lực đưa văn hóa lên màn ảnh

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, khẳng định, bằng con đường cảm nhận nghe - nhìn, các giá trị văn hóa đã được lan tỏa, thẩm thấu đến mọi đối tượng khán giả. Mỗi bộ phim chất lượng có tính hấp dẫn cao thường mang đến cho người xem những xúc cảm, bài học đạo lý và cách ứng xử tinh tế.

Ông Tú nhấn mạnh, thời gian tới, phim ảnh hấp dẫn sẽ còn tiếp tục dẫn dắt công nghiệp thời trang, du lịch và phát huy thế mạnh để quảng bá kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi cộng đồng, quốc gia.

Ông chia sẻ: “Một đất nước có nền điện ảnh và phim truyện truyền hình phát triển luôn cung cấp cho khán giả các bức toàn cảnh về lịch sử, văn hóa truyền thống cũng như những biểu trưng văn minh vật chất, văn minh tinh thần đang diễn ra trong cuộc sống đương đại. Nhờ sự quảng bá có hiệu quả này mà khán giả có dịp mở rộng hiểu biết, thiện cảm hơn với các dân tộc, vùng miền”.

Để có thể thành công trong việc đưa văn hóa lên màn ảnh, theo PGS. TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cần có chiến lược khai thác văn hóa dân tộc và văn hóa dân gian trong xây dựng tác phẩm điện ảnh, cũng như tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có chiến lược và thành công trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ...

Bà Hồng dẫn chứng, Việt Nam có nhiều bộ phim như Song Lang đã khơi dậy giá trị của cải lương trong tâm thức người Việt, Trạng Quỳnh quảng bá trò chơi thả diều dân gian, hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã góp phần giúp Phú Yên trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách.

Diễn viên Mai Thu Huyền, nhà sản xuất phim Kiều cho biết, mỗi bộ phim mà chị tham gia với vai trò diễn viên, đạo diễn hay sản xuất đều luôn luôn ý thức về những giá trị văn hóa, nhân văn trong tác phẩm, cũng như chú trọng quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt.

Bên cạnh công tác sản xuất phim, việc tổ chức các sự kiện điện ảnh thú vị như HANIFF 2022 vừa qua cũng là một nhịp cầu quảng bá đất nước và con người Việt Nam, đồng thời góp phần lan tỏa tích cực hình ảnh về Hà Nội - “Thành phố vì hòa bình” đến đông đảo đại biểu trong và ngoài nước.