Mới đây lãnh đạo Bộ VHTT&DL đã có thêm một cuộc làm việc với Sở VHTT Hà Nội và Hãng phim truyện Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ VHTT&DL xung quanh vấn đề này.
- Thông tin về mức kinh phí sản xuất phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn” có thể lên đến 200 tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận thời gian qua. Xin ông cho biết về vấn đề này?
- Đây mới chỉ là dự toán ban đầu mà Hãng phim truyện Việt Nam dự định đưa ra để xin ý kiến từ phía các đơn vị đầu tư và cơ quan quản lý. Trong cuộc họp mới đây giữa Bộ VHTT&DL với đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Hãng phim truyện Việt Nam, chúng tôi cũng đã đề nghị lãnh đạo Hãng phải xây dựng dự toán thật tiết kiệm, cố gắng “liệu cơm gắp mắm” chứ không thể để “vống” lên cao quá được.
Đất nước ta còn nhiều khó khăn, số tiền đầu tư sản xuất phim là tiền của nhân dân, trích ra từ Ngân sách Nhà nước chứ không phải từ nguồn xã hội hóa hay Hãng tự bỏ tiền túi ra. Chính vì vậy Hãng cần phải làm có trách nhiệm sao cho xứng với giá trị hiệu quả và yêu cầu đặt ra. Liều với tiền của cá nhân là một chuyện, nhưng tiền của nhân dân, của Nhà nước thì không thể liều được!
- Tuy nhiên, kinh phí làm phim thường đi đôi với chất lượng?
- Kinh phí và chất lượng không phải lúc nào cũng song hành với nhau. Nếu có nhiều tiền mà chỉ lo hình thức bề ngoài, không biết xây dựng tình huống hay đặc tả đúng hình tượng nhân vật thì phim làm sao hay được.
Đặt vấn đề kinh phí sang một bên, chúng ta có thể tính tới nhiều hình thức sáng tạo nghệ thuật khác để hoàn thành tốt bộ phim như: không huy động những đại cảnh lớn, thành quách hoành tráng mà thu lại ở góc độ khác hoặc dùng kỹ xảo ít tốn kém...
Dĩ nhiên nếu vậy thì nhà sản xuất sẽ không thể thực hiện được hết những đại cảnh lớn ấn tượng, song không phải vì thế mà chúng ta không làm nổi một bộ phim hay.
- Vậy theo Thứ trưởng, trong điều kiện như hiện nay, có nhất thiết chúng ta phải có bằng được bộ phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn”?
- Nếu chúng ta chỉ loanh quanh mãi ở ngòi mà không dám bước ra sông hay biển thì biết đến bao giờ mới thu được những mẻ lưới lớn? Đúng là nền điện ảnh của chúng ta hiện giờ còn nhiều khó khăn nên việc xây dựng một bộ phim lịch sử cũng không phải chuyện đơn giản.
Nhưng vấn đề là trong xu thế hội nhập, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng việc giao lưu hợp tác với nhiều quốc gia khác để học tập kinh nghiệm ở nhiều khâu: trang điểm, kỹ xảo, bối cảnh phim trường... Công trình còn đang ở phía trước và tất cả đều cần phải cố gắng, không đơn thuần là hô khẩu hiệu mà phải cố gắng từ trong suy nghĩ đến khi bắt tay vào thực hiện.
- Nhưng cho đến giờ chúng ta vẫn chưa có một phim trường đạt tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng đủ yêu cầu thực hiện bộ phim này như kế hoạch ban đầu?
- Đúng thế, chính vì vậy Bộ VHTT&DL cũng đang gấp rút thực hiện đề án xây dựng phim trường Cổ Loa. Hiện nay một số phòng quay nội cảnh tại đây đang được sửa chữa cải tạo và quy hoạch lại để phục vụ cho nhà sản xuất quay một số cảnh.
Bên cạnh đó một số địa điểm khác cũng sẽ được tận dụng như: Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam... Còn đại cảnh thì do vấn đề kinh phí hạn hẹp không cho phép nên Hãng sẽ phải cộng tác với một số hãng điện ảnh nước ngoài (Trung Quốc) để tái hiện lại bối cảnh lịch sử của ta trên nước bạn.
- Đã có nhiều ý kiến lo ngại về khả năng bộ phim sẽ bị “quốc tế hóa” bởi sự xuất hiện rầm rộ của chuyên gia ngoại?
- Tôi không nghĩ sẽ có sự quốc tế hóa. Chúng ta chưa có đủ khả năng để hoàn toàn tự làm bộ phim này, vì thế cần có sự hỗ trợ của những chuyên gia giỏi đến từ nước ngoài. Tất nhiên việc làm này phải dựa trên cơ sở làm đẹp thêm văn hóa Việt Nam chứ không phải mời họ về để áp đặt hay làm lai tạp bộ phim.
Trước mắt đó là giải pháp cần thiết, còn sau này Bộ cũng như các cơ quan quản lý sẽ phải tính đến hướng đào tạo để nền điện ảnh của chúng ta có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Về vấn đề này, chúng ta không nên bảo thủ mà cần có sự cởi mở.
- Còn về tiến độ thực hiện bộ phim đã quá chậm chạp, lãnh đạo Bộ có chỉ đạo như thế nào để phim kịp ra mắt vào dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội?
- Trước mắt Hãng phim truyện Việt Nam phải hoàn thành và nộp tổng dự toán lên Bộ vào ngày 30 - 4 tới. Sau đó Bộ sẽ cùng với Bộ Tài chính và lãnh đạo UBND TP Hà Nội tiến hành thẩm định và phê duyệt. Về phía Bộ cũng đã yêu cầu Hãng phim truyện Việt Nam đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn cố hữu căn bệnh “nước đến chân mới nhảy” nên điện ảnh còn chưa thoát được tính nghiệp dư. Điện ảnh Việt Nam đang nợ lịch sử rất nhiều và cần cố gắng để trả món nợ ấy. Làm bộ phim này không chỉ để khẳng định một tác phẩm lịch sử có chất lượng nghệ thuật mà còn để thế hệ con cháu sau này thêm yêu lịch sử đất nước và tự hào về lớp cha anh đi trước.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo ANTĐ