Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam 2021 |
Sáng 1/12, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) với chủ đề “Tăng tốc chuyển đổi số hướng tới một Việt Nam số” đã được khai mạc dưới hình thức trực tuyến.
Diễn đàn do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Viện Phần mềm và Nội dung số tổ chức từ ngày 1-2 và 4/12 dưới dự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế.
Khái niệm chuyển đổi số (Digital Transformation) được xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2018, đến nay, đã trở thành một từ khóa phổ biến, một vấn đề nóng từ trong các chương trình nghị sự cấp cao đến những câu chuyện thường ngày của người dân.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa đánh giá, năm chuyển đổi số Quốc gia 2020 đã đánh dấu sự khởi động đầy tích cực ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi địa phương và toàn xã hội trong cuộc đua chuyển đổi số. Đến nay, đa số các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số.
Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại sự kiện. |
Chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực của sống kinh tế xã hội đất nước. Mỗi người dân và doanh nghiệp đang từng ngày cảm nhận được sự thay đổi sâu sắc đó.
Ông Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh: “Hành trình chuyển đổi số quốc gia để xây dựng kinh tế số, xã hội số mới đang ở giai đoạn khởi động cho một chặng đường dài với nhiều thách thức, cả sự lúng túng từ nhận thức đến hành động cụ thể”.
Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế với những mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng đã đề ra, đòi hỏi từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân trong xã hội phải nỗ lực vượt qua mọi thách thức, tăng tốc lộ trình và nâng cao hiệu quả hơn nữa công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Chủ tịch VINASA khẳng định: “Với mục tiêu đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, VINASA tiếp tục tổ chức Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam với kỳ vọng tạo diễn đàn thường niên trao đổi tri thức, kinh nghiệm thực tiễn sống động và kết nối hợp tác cung cầu về chuyển đổi số, góp phần tăng tốc đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia số phát triển”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhìn nhận, năm 2021 là năm bắt đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, cũng là năm mà Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Ở tầm quốc gia, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.
Việc Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban thể hiện ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương.
Tiheo ông Dũng, tại phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban, Bộ Thông tin và Truyền thông, với vai trò của Cơ quan Thường trực, đã cùng với các bộ ngành xác định và đề xuất lên Ủy ban một Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 với khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng, trong đó 18 nhiệm vụ phân công tới từng Thành viên Ủy ban. Kèm theo đó là hơn 50 tiêu chí định lượng, đo lường mức độ chuyển đổi số quốc gia.
Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và đã trình dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế số, xã hội số, dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 12/2021. Chiến lược mang tính bao trùm, định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số.
Các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp căn cứ vào Chiến lược đã được ban hành để xây dựng Chiến lược, chương trình hành động phù hợp.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, chuyển đổi số năm 2021 bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, rõ ràng nhất là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân đã được nâng cao.
Ông Dũng khẳng định: “Chuyển đổi số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn tồn tại, vấn đề cần tháo gỡ cần tiếp tục triển khai”.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, “Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Tăng tốc chuyển đổi số hướng tới một Việt Nam số” được tổ chức ngày hôm nay sẽ là cơ hội tốt để các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp thúc đẩy, tăng tốc, làm sao Việt Nam có thể đi nhanh hơn trên hành trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, năm 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Còn theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD. Trong 2 năm vừa qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, khu vực công cũng như khu vực tư nhân. Nhận thức của xã hội về chuyển đổi số được lan tỏa rất nhanh chóng. Bên cạnh chất xúc tác đáng kể là đại dịch Covid-19, sự chuyển biến mạnh và tích cực này có được là nhờ rất nhiều chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan nhà nước từ cấp cao nhất, của các tổ chức chuyên môn, và nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ - lực lượng tiên phong của quá trì chuyển đổi số toàn diện quốc gia. |