TIN LIÊN QUAN | |
Chính sách của Mỹ đang tạo động lực mới cho BRICS | |
BRICS 2018 tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại |
Chủ đề chính của hội nghị đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập này là hợp tác giữa các thành viên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, coi đây là động lực tăng trưởng của các nước. Tuy nhiên, do diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt cuộc chiến thương mại với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump, lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi tập trung nhiều tới chính sách thương mại và chủ nghĩa bảo hộ.
Vai trò của hệ thống thương mại đa phương
BRICS đã thông qua Tuyên bố chung nêu rõ lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS nhất trí hài lòng với những thành quả mà nhóm đạt được trong 10 năm qua nhờ hợp tác chặt chẽ vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển chung. Các lãnh đạo cùng tái khẳng định cam kết tuân thủ những nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, dân chủ, toàn diện và củng cố hợp tác.
Trên cơ sở thành công của hội nghị lần này, các bên tiếp tục cam kết nâng cao quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích người dân các quốc gia thông qua thúc đẩy hòa bình, một trật tự thế giới bình đẳng hơn, phát triển bền vững và bao trùm, cùng với đó là củng cố cơ chế hợp tác 3 trụ cột trong các lĩnh vực như kinh tế, hòa bình, an ninh và giao lưu nhân dân.
Nhận thức rõ vai trò ngày càng quan trọng của kết nối Internet trong phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa toàn cầu, các lãnh đạo BRICS cam kết tiếp tục hợp tác thông qua các cơ chế hiện tại để góp phần đảm bảo, sử dụng công nghệ kết nối mạng một cách an toàn, vì mục đích hòa bình, hợp tác.
Ngoài những nội dung về việc phối hợp giữa các thành viên trong việc thích ứng với kỷ nguyên số 4.0, cách giải quyết các cuộc xung đột quốc tế, hợp tác con người, giao lưu văn hóa, tuyên bố chung do lãnh đạo BRICS nêu rõ: "Chúng tôi nhận thấy hệ thống thương mại đa phương đang đối mặt với những thách thức chưa có tiền lệ. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của một nền kinh tế thế giới mở."
Các nhà lãnh đạo BRICS tiếp tục nhấn mạnh vai trò trung tâm của hệ thống thương mại đa phương, toàn diện, mở, minh bạch và dựa trên qui định, cũng như vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong đảm bảo duy trì hệ thống thương mại đa phương, an ninh và ổn định của hoạt động thương mại quốc tế. Lãnh đạo các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã tìm được tiếng nói chung ủng hộ thương mại toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày này, đồng thời cam kết đấu tranh chống chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ sau những đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều quốc gia trong đó có thành viên của BRICS.
Các nhà lãnh đạo BRICS gặp nhau tại Nam Phi. (Nguồn: SA Presidency) |
Trung Quốc được xem nước đi đầu đẩy mạnh chủ đề này tại BRICS vì nước này đang phải đứng trước nguy cơ bị chính quyền Tổng thống Trump áp thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trị giá đến 500 tỷ USD. Trung Quốc đang rất cần những đồng minh để đối phó với áp lực từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này, và Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn BRICS là diễn đàn để tập hợp những tiếng nói có trọng lượng cùng đối phó với Mỹ.
Tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước BRICS nỗ lực xây dựng mối quan hệ quốc tế kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng và hợp tác cùng có lợi. Nhà lãnh đạo Trung Quốc hối thúc tiếp tục mở rộng hơn nữa mô hình hợp tác BRICS+, từ đó giúp duy trì hệ thống thương mại đa phương và chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Khái niệm BRICS+ do Trung Quốc đề xuất là mô hình phát triển hợp tác giữa 5 nước BRICS với các nền kinh tế đang phát triển khác.
Cần cơ chế hợp tác thống nhất và hiệu quả
Theo giới chuyên gia, trọng tâm của hội nghị này có phần thay đổi là điều dễ hiểu khi sự kiện diễn ra trong sự trỗi dậy của các chính sách đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ do Mỹ đứng đầu, kéo theo nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu sau những cẳng thẳng leo thang về thuế quan và thương mại. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách thương mại mới nhất của Mỹ có khả năng tạo động lực mới cho BRICS. Ông Kenneth Creamer, nhà kinh tế học tại Đại học Wits của Johannesburg nhận định: "Các thỏa thuận thương mại giữa hiệp hội các nước như BRICS đang trở nên ngày càng quan trọng, trong bối cảnh Mỹ đang chủ ý tạo ra các rào cản đối với thương mại tự do."
(Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 này liệu có giúp đưa BRICS trở thành một thể chế lớn chính trị - kinh tế mới trên thế giới vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Phân tích về thực lực của BRICS để có thể tạo nên một "đê chắn bão" hiệu quả trong việc chống đỡ "bão tố" của chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, ông Donald Gasper, nhà phân tích và bình luận Hong Kong, dẫn các số liệu cho thấy tỷ trọng tăng trưởng kinh tế của BRICS tăng từ 12% lên 23,6% trong nền kinh tế thế giới trong vòng hơn 10 năm qua. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán con số này có thể tăng lên 26,8% đến năm 2022.
Mặc dù phần lớn tăng trưởng của BRICS là nhờ tăng trưởng của Trung Quốc song 4 thành viên còn lại đều đang trên đà phát triển. Đáng kể là Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng GDP có thể hơn 7% trong vòng 10 năm tới và thậm chí có thể là 10% nếu thực hiện các cải cách về cấu trúc. Trong khi đó, Nga đã vực dậy sau suy thoái còn Brazil, dù gặp phải những khó khăn nội bộ trong vài năm qua, song vẫn là nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng các nước này vẫn cần thực hiện các chính sách để nền kinh tế phát triển bền vững và năng động hơn.
Thêm vào đó, hiện tại trao đổi thương mại nội khối giữa các thành viên BRICS vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, sự khác biệt về thể chế chính trị, khoảng cách về địa lý, sự xa lạ về văn hóa cũng là những rào cản không hề nhỏ để các thành viên gần gũi nhau hơn.
Trong một bài viết trên tờ China Daily, Giám đốc Viện Các vấn đề quốc tế của Trung Quốc Wang Yiwei cho rằng các thành viên BRICS hiểu về phương Tây nhiều hơn họ hiểu về nhau. Vì vậy, các nước thành viên cần mở rộng trao đổi và giao lưu nhân dân để thu được lợi ích tối đa của nhau. Theo ông, điều cần thiết nhất là các nước BRICS có cơ chế hợp tác thống nhất và hiệu quả. Việc xây dựng một cơ chế như vậy sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng của khối này trong cộng đồng quốc tế.
Thượng đỉnh BRICS "nóng" chủ đề thương mại toàn cầu Nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh BRICS khai mạc ... |
Căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc chuyển hướng sang châu Phi Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 21/7 đã ký một loạt thỏa thuận thương mại trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo ... |
Các nền kinh tế BRICS “mất” hàng chục nghìn tỷ USD/năm vì bệnh ung thư Theo một nghiên cứu mới của Liên hợp quốc (LHQ), những ca chết trẻ do mắc bệnh ung thư đang khiến Nhóm các nền kinh ... |