📞

Diện mạo mới nhờ khoa học - công nghệ

03:00 | 25/04/2016
Nỗ lực xây dựng các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ triển khai ứng dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), đã góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần thay đổi diện mạo mới ở Quảng Ninh.

Qua hơn 4 năm triển khai Nghị quyết về phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, hoạt động KH&CN trên địa bàn Quảng Ninh đã có những bước đột phá, tác động mạnh đến các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Từ đó, các cấp đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để ứng dụng KH&CN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, nhất là áp dụng KH&CN vào phát triển kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, sử dụng các loại máy móc hiện đại, tiết kiệm chi phí sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bắt đầu từ chính sách

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về cơ chế chính sách cho KH&CN như: Quỹ phát triển KH&CN Quảng Ninh; Chính sách khuyến khích, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thu hút nhân tài; Ưu đãi, hỗ trợ đối với nhà đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long... Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên phát triển nguồn lực ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Theo đó, từ năm 2012-2015, tỉnh đã bố trí trên 1.218 tỷ đồng ngân sách đầu tư cho KH&CN và CNTT. Đồng thời, 14/14 huyện, thị xã và thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động KH&CN giai đoạn 2011-2015 và cho từng năm; lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh tự đầu tư kinh phí vào việc ứng dụng KH&CN, tiêu biểu như: Công ty CP Terranique được Tổ chức Hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Tổ chức Hữu cơ châu Á cấp chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp tại Hoành Bồ; HTX Hoa Phong (Đông Triều) trồng và sản xuất nhiều loại rau theo đơn đặt hàng của các khu công nghiệp, cửa hàng, siêu thị...

Tạo “bệ phóng” cho các sản phẩm đặc thù

Thực tế cho thấy, sau khi tỉnh có những quyết định quan trọng về triển khai các dự án KH&CN, việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đã được chú trọng hơn. Đơn cử ngành Than đã đầu tư đổi mới và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; chuyển dần từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò với công nghệ tiên tiến; áp dụng công nghệ mới trong khâu sàng tuyển, vận chuyển giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, như Công ty CP Viglacera Hạ Long đã điều chỉnh chất lượng nguyên liệu, lựa chọn tốc độ lò nung phù hợp; quản lý chất lượng nhiên liệu trong từng lò nung…

Bên cạnh đó, Quảng Ninh ưu tiên chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN gắn với yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực. Từ năm 2011-2015, Quảng Ninh đã triển khai 16 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi. Các dự án tập trung ưu tiên lựa chọn các giống cây, vật nuôi mới, ứng dụng chuyển giao kỹ thuật tiên tiến phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Nhờ triển khai các dự án, KH&KT đã giúp tạo việc làm cho 1.492 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng; hình thành được nhiều sản phẩm có năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Điểm nổi bật, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng một chương trình riêng về phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị các nông sản. Theo đánh giá, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt cho các sản phẩm đặc thù, nhất là nông sản của tỉnh để hội nhập kinh tế quốc tế, tạo cơ sở để các sản phẩm nông nghiệp tự tin cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham quan gian hàng sản phẩm theo chương trình OCOP. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Năm 2015, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm-OCOP… Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 21 nhãn hiệu, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, 13 nhãn hiệu chứng nhận, 5 nhãn hiệu tập thể. Tất cả 21 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng của Bộ KH&CN và được trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản. Nhờ đó, giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Để tạo nền tảng bền vững, Quảng Ninh đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động KH&CN với các địa phương khác, viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước. Theo kế hoạch, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin, tìm kiếm công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các nhà đầu tư trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ cao, tiếp cận đón đầu các tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến của các nước trên thế giới ứng dụng vào phát triển sản xuất thông qua các Văn phòng đại diện KH&CN Việt Nam ở nước ngoài.