PGS.TS. Chu Cẩm Thơ cho rằng, để học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học được hiệu quả, cần trang bị kỹ năng cho các em. (Ảnh: NVCC) |
Biết rằng áp dụng công nghệ là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ranh giới giữa tra cứu thông tin học tập với các trò tiêu khiển chỉ cách nhau một cú ấn nút. Là một phụ huynh, đồng thời là nhà giáo, bà có băn khoăn, lo lắng khi điện thoại thông minh được đưa vào lớp học?
Các thiết bị di động đã trở nên phổ biến với mọi người, học sinh cũng dùng di động trong cuộc sống. Sự phát triển hướng tới đa chức năng, gần gũi khiến cho các điện thoại thông minh không chỉ có chức năng liên lạc, mà còn có chức năng tra cứu, giải trí. Với kết nối internet dễ dàng, đúng là chỉ một cú ấn nút, thì cả thế giới đã mở ra.
Các thống kê cho thấy, Việt Nam còn là môi trường rất dễ truy cập, sử dụng các trò chơi, các trang web giải trí. Do đó, chúng ta không khỏi băn khoăn, lo lắng khi việc này dễ dàng lôi cuốn học sinh, trong đó có con của tôi, có người lớn chúng ta. Không ít người đã “nghiện” điện thoại.
Không ít học sinh đã mải mê điện thoại mà quên, sợ việc học. Đặc biệt, những nghiên cứu của tôi về việc học trực tuyến trong mùa Covid-19 đã cho thấy, học sinh thường truy cập một trang web khác nữa trong quá trình học tập, trong khi người lớn khó kiểm soát được việc đó.
Như tôi đã chia sẻ trong một vài hội thảo và báo cáo, thực tiễn những tác động tiêu cực của điện thoại thông minh, của môi trường internet là có thật. Chúng ta không thể trốn tránh, bởi ngay cả khi cấm “với trường hợp này”, thì ở trường hợp khác lại xảy ra. Vì thế, chỉ có cách chung sống, phát huy mặt tích cực của nó, trang bị cho người dùng những kĩ năng sử dụng, sự hiểu biết mà ta có thể coi là “vắc xin” để có thêm sức đề kháng.
Theo tôi, cần thiết phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình, nhà trường, xã hội, để tạo một hệ sinh thái lành mạnh. Chẳng hạn, trong gia đình, ý thức sử dụng công nghệ của người lớn là bài học đầu tiên cho mọi trẻ nhỏ. Sử dụng thế nào để hiệu quả, an toàn cả thể chất, tinh thần là điều các bậc cha mẹ cũng phải học, phải thực hành nếu muốn giáo dục con em mình.
Còn ở trường học, như chúng ta đã biết, học sinh trung học trở lên (từ lớp 6), mới đề cập việc giáo viên có thể cho phép sử dụng điện thoại vào việc học. Nếu không phải để phục vụ việc học, thì không được phép dùng. Điều này là tiên quyết, để thấy rằng, nhà trường, giáo viên không hề dễ dãi khi cho phép học sinh được dùng điện thoại.
Điều đáng bàn nhất, đó là đầu tư nền tảng nội dung. Để cú ấn nút của học sinh sẽ giúp các em tiến vào thế giới ảo của tri thức, chứ không phải là sự thiếu thốn cả nội dung, cả sự hấp dẫn. Các bài học cần được soạn, được chuẩn bị theo đúng các điểm mạnh của công nghệ: chương trình hóa, phân hóa, mô phỏng hóa, hấp dẫn, cá nhân và có tương tác.
Một lớp học thông minh có thể thiếu vắng sự hiện diện những thiết bị thông minh được hay không, theo bà?
Tùy vào việc hiểu thế nào là “thông minh” mà chúng ta sẽ đánh giá sự hiện diện của những thiết bị thông minh. Với tôi, lớp học thông minh trước hết cần thỏa mãn tiêu chí của chương trình dạy học (bao gồm cách bố trí nội dung và phương pháp giảng dạy nội dung đó), rồi sau đó mới đến các thiết bị hỗ trợ.
Thiết bị thông minh là phương tiện dạy học. Nếu nó được sử dụng thông minh thì nó là thiết bị thông minh, còn nếu không, nó còn có thể gây hại, nhiều hơn cả một “cục gạch”.
Điều tôi lo ngại nhất chính là đội ngũ “người lớn”, bao gồm phụ huynh, giáo viên và những người sống xung quanh học sinh. Sự lạm dụng công nghệ của họ chính là nguyên nhân dẫn đến việc học sinh “học làm theo” mà không học sử dụng công nghệ một cách đúng mực.
Đồng thời, người lớn cũng thiếu hiểu biết, kĩ năng quản lí, giám sát việc sử dụng điện thoại. Thiếu cả sự đầu tư hướng dẫn sử dụng, tạo ra bài học hiệu quả từ việc dùng công nghệ.
Vậy có khi nào học sinh sẽ lười suy nghĩ, phụ thuộc vào tra cứu google, mượn bộ nhớ google thay vì vận động, rèn luyện bộ não?
Cốt yếu vẫn là chương trình học tập mà các em được học. Chúng ta không thiếu những ví dụ khi những em học sinh lớp 8, lớp 9 đã say sưa học lập trình, làm thí nghiệm, làm toán... mặc dù các em học trực tuyến và sử dụng tốt công nghệ. Một câu hỏi, bài toán đòi hỏi tư duy chắc chắn không thể mượn bộ nhớ của internet được. Tôi đã chứng kiến điều đó khi học cùng con gái mình.
Đó là, con cần viết bài cảm thụ về một bài ca dao nói lên công ơn cha mẹ. Con tôi đã tra cứu trên internet. Cháu đọc các bài giải thích, bình luận nhưng hoang mang lựa chọn rồi quay ra hỏi tôi. Tôi đã cùng cháu phân tích những bài "có sẵn" ấy, liên hệ với bản thân cháu, với tôi (là mẹ cháu).
Sau đó, cháu đã viết lại bài của mình, với một ý nghĩ: “mình hiểu thế nào thì phải viết thế đó”. Như vậy, việc tra cứu internet chẳng khác gì việc đọc sách tham khảo.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS!